Nhiều doanh nhân Việt nổi tiếng tính rút khỏi thương trường?

Sự kiện: Kinh Doanh

Vừa đón năm mới 2019 không bao lâu, nhiều doanh nhân Việt đã bắt đầu lên lộ trình sẽ “nghỉ ngơi” trong tương lai không xa, sau thời gian xây dựng, lèo lái doanh nghiệp.

Nhiều doanh nhân Việt nổi tiếng tính rút khỏi thương trường? - 1

Từ trái qua: ông Lê Phước Vũ, ông Dương Ngọc Minh, ông Nguyễn Đức Tài

Mới đây, tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra hồi giữa tháng 2/2019, “vua cá tra” Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương  (mã: HVG), cho biết sẽ điều hành công ty chỉ khoảng 2 năm nữa, tức đến năm 2021 ông sẽ chính thức rút lui khỏi doanh nghiệp

Theo báo cáo tài chính đến cuối năm 2018 ghi nhận điểm sáng trở lại, nợ vay giảm từ mức đỉnh 12.000 tỷ (năm 2015) xuống còn 3.124 tỷ đồng, chi phí dự phòng cũng được cắt giảm đáng kể, dẫn đến Hùng Vương có lãi trở lại.

Phát biểu tại kỳ Đại hội 2019, ông Dương Ngọc Minh tự tin công ty đã vượt qua cơn bĩ cực, thời gian tới sẽ xây dựng một chặng đường dài, hướng đến ngôi vương đứng đầu trở lại.

Cơ sở cho những lạc quan trên đến từ kết quả POR14 (xem xét thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam vào Mỹ, có hiệu lực từ tháng 4/2019), Hùng Vương cho biết nắm chắc 80% thành công, 20% rủi ro còn lại đến từ yếu tố chính trị giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện,  bối cảnh quan hệ Mỹ - Việt Nam đang rất thuận lợi.

Ghi nhận cổ phiếu của HVG ngày 4/3 vẫn trong diện đang bị kiểm soát, có giá 6.540 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 1,452 tỷ đồng; và không có giao dịch mua bán nào trong ngày hôm nay.

Chỉ tiêu doanh thu 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận 100 tỷ đồng được ban lãnh đạo Hùng Vương đề ra trong năm 2019 dựa trên tình huống xấu nhất là POR14 không được thông qua vào giữa tháng 4. Trong trường hợp thành công, công ty sắp xếp lại hoạt động và ổn định các thị trường xuất khẩu. Năm 2020 bắt đầu tăng trưởng nhanh và đạt doanh số 20.000 tỷ đồng. 

Là người chèo chống Thế giới Di động (mã: MWG) từ một đơn vị nhỏ để trở thành doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết hiện đã, đang bắt đầu bàn giao quyền lực dần cho các thế hệ kế thừa, bởi thời buổi ông xông pha chiến trường đã qua rồi.

Khởi đầu từ một công ty với 3 cửa hàng nhỏ vào năm 2004, đến nay Thế giới Di động đã đạt đến con số hơn 1.000 đơn vị trải dài toàn quốc. Doanh thu sau 10 năm từ 2009 đến nay tăng 40 lần lên mức 79.000 tỷ (kết thúc 11 tháng đầu năm). Lợi nhuận sau thuế cũng nhảy vọt từ mức vỏn vẹn 48 tỷ (năm 2009) lên hơn 3.500 tỷ đồng (mục tiêu cả năm 2018). Về quy mô tính đến cuối tháng 1, MWG có tổng cộng 2.214 cửa hàng đang hoạt động bao gồm 1.029 cửa hàng Thế giới di động, 764 cửa hàng Điện máy xanh và 421 cửa hàng Bách hóa Xanh. Riêng hệ thống Bách hóa Xanh với doanh thu chuỗi đạt 628 tỷ, tăng 214% so với cùng kỳ.

Liên tiếp trong những phiên giao dịch gần đây, giá trị cổ phiếu MWG liên tục tăng. Ngày 4/3, cổ phiếu này tăng vượt lên 1.700 đồng (1,94%), đứng ở mức 89.200 dông/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch đạt 516,290 đơn vị, vốn hóa thị trường là 39,527 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài, mỗi người có một giai đoạn riêng và với bản thân thì đã qua rồi thời gian chiến đấu chèo chống cùng các nhân viên Thế giới Di động. Thời buổi hiện nay, mọi chuyện đang thay đổi rất nhanh, có những thứ rất khó mà không phải ai cũng học được và nếu cảm thấy không đủ năng lực, các nhà lãnh đạo nên nghĩ đến việc chuyển giao quyền lực cho đội ngũ kế thừa, nếu không có thể sẽ bị đá khỏi vị trí vì gây cản trở cho doanh nghiệp. Do vậy, ông chủ Thế giới Di động đã sớm có kế hoạch chuyển giao quản lý sang thế hệ mới cách đây vài năm, đội ngũ kế thừa của công ty là những nhân viên sẵn sàng đảm đương trọng trách, trong khoảng 20-30 tuổi. 

Trước đó, ông chủ Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ cũng chia sẻ bản thân đang sống tịnh tâm trên núi, thời gian xuống công ty lúc này được cắt ngắn nhiều vì đã có đội ngũ lãnh đạo kế thừa đáng tin cậy. 

Thời điểm 2015-2016, Tập đoàn Hoa Sen tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu cả lợi nhuận, cổ phiếu cũng theo đà thăng hoa. Song, thị trường thép thế giới biến động khó lường, khiến chiêu thức đầu cơ nguyên liệu từng đem lại lãi lớn cho Hoa Sen, quay sang phản ứng ngược tạo đòn áp lực giá vốn. Nợ vay lớn, nguy cơ kém cạnh đối thủ… bủa vây Hoa Sen.

Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, ông Lê  Phước Vũ cho biết từ 2019-2020, tình hình được báo vẫn còn rất phức tạp, chưa biết chiến tranh thương mại Trung- Mỹ sẽ diễn tiến ra sao?. Con tàu của HSG năm 2018 theo đó cũng đã gặp khó khăn không ít với gánh nặng tồn kho cao, nợ vay trên 14.000 tỷ đồng (tính tới cuối niên độ 1/7/2017 – 30/9/2018).

Kết thúc niên độ, HSG chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận 410 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 69% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Riêng trong quý 4, Công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ. Năm 2019 mục tiêu doanh thu thuần 31.500 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ đồng; thời gian gần đây Công ty tiến hành tinh gọn hệ thống hoạt động, cắt giảm chi nhánh… nhằm tối thiểu hóa chi phí.

Hiện tại, ông Vũ tâm sự đang sống trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và yên vui!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN