Nhà hàng lao đao vì “bão dịch”, “bão giá”

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vừa mở lại đã vấp phải nhiều khó khăn do cơn "bão giá" nhiều mặt hàng từ xăng, dầu, gas đến thực phẩm.

Nhà hàng “cạn tiền”

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trước đó nhiều địa phương giãn cách xã hội khiến lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài. Điều đó đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng liên tục do sự đứt gãy trong hệ thống sản xuất, phân phối lương thực, thực phẩm…

Giá các loại thực phẩm vẫn trên đà tăng liên tục không ngừng trong 1 tháng qua. Cụ thể, những loại rau gia vị như hành lá, mùi tây, rau mùi, thìa là,... giá tăng đến 100.000 - 150.000 đồng/kg. Rau, quả đầu mùa như xu hào, súp lơ: su hào 10.000-12.000 đồng/củ, súp lơ xanh 30.000 – 40.000đồng/kg tùy loại, cà chua khoảng 28.000- 35.000 đồng/kg, chanh 30.000 - 40.000 đồng/kg, khoai tây 18.000 – 20.000 đồng/kg, cà rốt 5.000-10.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ; bắp cải 15.000 - 20.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; rau cải ngọt, cải ngồng, cải chíp khoảng 10.000 - 15.000 đồng/mớ...

 Nhiều loại rau gia vị như hành lá, mùi tây, rau mùi, thì là,... giá tăng đến 100.000 - 150.000 đồng/kg.

 Nhiều loại rau gia vị như hành lá, mùi tây, rau mùi, thì là,... giá tăng đến 100.000 - 150.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, cơn "bão giá" càng được cộng hưởng bởi chi phí nhiên liệu tăng cao. Theo đó, giá xăng dầu đã tăng đến mức kỷ lục trong vòng 2 năm vừa qua (xăng RON95-III vượt 24.300 đồng mỗi lít). Điều này đã tác động lớn đến chi phí vận chuyển hàng hóa đồng thời gián tiếp khiến nhiều mặt hàng và dịch vụ cũng đội giá theo. 

Ngay ngày 1/11, giá gas bán lẻ đã tăng mạnh lên đến 500.000/bình loại 12kg – một mức giá chưa từng thấy từ trước đến giờ.

Trong bối cảnh nền kinh tế vừa mở cửa trở lại, cuộc sống chỉ mới dần trở lại bình thường nhưng chưa hoàn toàn ổn định, việc nhiều mặt hàng tăng giá liên tục và thời gian ngắn đã khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Đặc biệt, sau thời gian dài phải đóng cửa trước đó, đa phần các cơ sở kinh doanh đều đang rơi vào cảnh kiệt quệ do hết vốn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa một số cửa hàng trong chuỗi để dồn tiền “nuôi” những cửa hàng còn lại cầm cự sống qua ngày.

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Trần Minh Anh, quản lý một chuỗi cafe có thâm niên 5 năm trên thị trường ở quận Ba Đình, cho biết: “Tình hình dịch bệnh kéo dài, cửa hàng mình phải đóng cửa một thời gian lâu. Toàn bộ nguồn tiền của mình đều đã tiêu hết sau đợt dịch, trước đây mình có 3 cơ sở giờ mở ra đã phải bán 1 quán đi để cầm cự sống qua đợt khó khăn này.

Giá nguyên liệu thì cứ tăng liên tục, các loại chi phí cũng nối đuôi nhau tăng, tiền nhà hàng tháng chủ nhà thu đều, rất khó để trụ vững lâu dài trên thị trường. Tiền vay ngân hàng để mở quán vẫn còn đấy, mà chỉ thấy khó khăn chồng chất khó khăn. Bên mình thực sự đã kiệt sức và cạn tiền”.

Bên cạnh đó, chị Minh Anh cũng cho biết, lượng khách sau dịch còn chưa ổn định, khả năng tiêu thụ kém, nguồn vốn cạn kiệt do thời gian dừng hoạt động dài mà vẫn phải chi trả những khoản tiền nhà, điện, nước,... lại thêm giá cả ngày một lên cao, nhiều quán ăn, nhà hàng đành ngậm ngùi đóng cửa, tuyên bố phá sản ngay khi vừa mới hoạt động được một thời gian ngắn.

Nhiều quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải chịu áp lực rất lớn về chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Nhiều quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải chịu áp lực rất lớn về chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Chị Trương Thị Ánh kinh doanh Bún bò Huế ở đường Triều Khúc chia sẻ: “Giá gas tăng cao khiến cửa hàng phải chuyển sang dùng bếp điện và nấu nước dùng thì quay về dùng bếp than. Mặc dù thế thì giá nguyên liệu giờ vẫn cao quá, mua một kg rau thơm lên đến hơn 100.000 đồng còn cao hơn cả tiền thịt, không biết trụ được đến khi nào, giờ bán hòa vốn để giữ khách thôi chứ lời lãi chẳng được là bao”.

Chị Ánh cho biết lượng khách của cửa hàng chủ yếu là sinh viên, mức chi tiêu còn thấp, nên không thể tăng giá sản phẩm lên quá cao. Đồng thời hiện nay đa phần các trường Đại học cho sinh viên học trực tuyến nên phần lớn sinh viên đều đang ở quê, chưa quay trở lại trường khiến lượng khách sụt giảm hẳn.

“Bình thường một ngày thu nhập khoảng 300.000-500.000 đồng tiền lãi sau khi trừ các loại chi phí đi, mà nay vì nhiều lí do khiến thu nhập của mình xuống mức dưới 250.000 đồng, có những hôm trời mưa cửa hàng chỉ bán được vài phần ăn nên thu nhập còn chưa tới 100.000 đồng”, chị Ánh bộc bạch.

“Sau dịch khách đi ăn ít hẳn, ngày nào cũng chỉ lác đác vài bàn. Bên tôi không dám tăng giá vì sợ mất khách, nhưng chi phí nào cũng đội lên cao chót vót, nên đành phải thắt chặt chi tiêu, giảm lượng nhân viên, vợ tôi trước đây chỉ quản lí tiền cũng phải ra chạy bàn phục vụ trực tiếp. Nhân viên bếp cũng giảm đi một nửa, chỉ mong qua được đợt này.

Áp lực lớn quá, ngày nào cũng chỉ thấy đau đầu vì tiền, đi chợ mua nguyên liệu thì phải tính toán chi li từng tí một, đến cả đi mua đồ cũng phải lên lịch trước để đi 1 vòng cho hợp lí vì giá xăng cao. Nhưng thôi dịch bệnh, mình còn trụ được đến thời điểm này cũng là cái may mắn. Qua đợt này mà không ổn, chắc tôi cũng phải đóng cửa hàng rồi tìm việc khác làm”, anh Hoàng Xuân Vũ (Xuân La) chủ một quán lẩu trên Hồ Tây cho biết.

Nhiều cơ sở kinh doanh phải thay đổi phương thức hoạt động, chuyển đổi cơ chế vận hành, tính toán lại chi phí để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn. 

Nhiều cơ sở kinh doanh phải thay đổi phương thức hoạt động, chuyển đổi cơ chế vận hành, tính toán lại chi phí để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn. 

Để vượt qua các thách thức này, nhiều cơ sở kinh doanh đang phải thay đổi phương thức hoạt động, chuyển đổi cơ chế vận hành, tính toán lại về chi phí nguyên liệu đầu vào sao cho hợp lý.

Cần tỉnh táo, linh động

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cũng đánh giá tình hình chi phí giá cả thị trường tăng cao đang “tạo sức ép quá lớn cho các doanh nghiệp mở lại sau dịch, thậm chí rất nhiều cơ sở kinh doanh phải phá sản vì không thể trụ vững qua thời buổi khó khăn này”.

Bên cạnh đó, lý giải về nguyên nhân "bão giá" ông cho biết việc giá cả một số mặt hàng trên thị trường tăng cao một phần là do giá xăng dầu biến động mạnh.

“Đây là mặt hàng chúng ta phải nhập khẩu nên phụ thuộc nhiều vào giá cả của thế giới. Vậy nên giá xăng lên thì giá vận tải lên, giá vận tải lên thì kéo theo giá vận chuyển các mặt hàng khác đồng thời cũng lên theo”, ông Doanh chia sẻ.

Trước tình hình hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng các cơ sở kinh doanh cần phải “xem xét một cách tỉnh táo để có ứng xử thích hợp với diễn biến này. Các cơ sở kinh doanh cũng cần tìm mọi cách phát huy sự sáng tạo và tham gia của người lao động để có thể tiếp tục cạnh tranh vượt qua”.

Đồng thời ông Doanh cũng chia sẻ giờ rất khó để có công cụ gì kìm hãm việc tăng giá trên thị trường, chúng ta chỉ có thể xin dùng Quỹ bình ổn giá, nhưng ông cũng nhấn mạnh đây là một bước đi mạo hiểm vì sẽ làm giá của chúng ta thấp hơn của thế giới, từ đó dễ gây ra một số hệ lụy không đáng có đối với thị trường trong nước.

Cũng về vấn đề trên, TS. Ngô Chí Long cho rằng cần xem xét việc tăng giá các mặt hàng trên thị trường là do nguyên nhân chủ quan hay nguyên nhân khách quan để có biện pháp ứng phó phù hợp. 

"Trong bối cảnh hiện nay, nguyên nhân giá tăng là do nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng cùng với việc giá nhiên liệu do nhập khẩu nên phải phụ thuộc giá thế giới. Đây đều là nguyên nhân khách quan vì vậy rất khó để có thể có một công cụ nào đó kìm hãm sự tăng giá này", TS. Ngô Trí Long cho biết. 

Theo TS. Ngô Trí Long, trong giai đoạn kinh tế suy giảm thì thường nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, chính vì vậy Nhà nước cần đẩy mạnh các biện pháp kích cầu. 

Theo TS. Ngô Trí Long, trong giai đoạn kinh tế suy giảm thì thường nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, chính vì vậy Nhà nước cần đẩy mạnh các biện pháp kích cầu. 

"Chúng ta có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá để làm chậm lại sự tăng giá nhưng hiện tại Quỹ bình ổn giá đang âm hơn 1.500 tỷ đồng nên cũng rất khó để can thiệp sâu", ông Long cho hay.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng có thể xem xét việc giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài để góp phần kiểm soát giá. 

Về lâu dài, nhấn mạnh vai trò của quan hệ cung - cầu và khả năng kích cầu của Nhà nước, TS. Ngô Trí Long chia sẻ: "Sự phục hồi hay không phụ thuộc vào hai yếu tố cung cầu. Trong đó đặc biệt là nhu cầu của người tiêu dùng, nhu cầu tăng thì chắc chắn phục hồi, còn cầu không tăng thì sẽ khó phục hồi được."

"Sau giai đoạn sản xuất kinh doanh bị suy giảm thì nhu cầu tiêu dùng sẽ yếu, vì người lao động mất công ăn việc làm, hoạt động lao động bị đứt gãy nên họ không có thu nhập. Dù vậy thì các nhu cầu thiết yếu là vẫn phải cần, nhưng mức độ của nó khác. Trong giai đoạn kinh tế suy giảm thì thường nhu cầu giảm, chính vì vậy Nhà nước phải có biện pháp kích cầu”, ông Long cho biết thêm.

Hiện nay các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống đang thuộc diện hỗ trợ của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng chính phủ.

Cụ thể, theo Quyết định 23 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 có quy đinh: “hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến ngày 31.12.2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”.

Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh. Trả 1 lần cho hộ kinh doanh.

Nguồn: [Link nguồn]

Đóng cửa hoạt động bởi Covid-19, Công viên nước Đầm Sen vẫn có lãi

Chủ Công viên nước Đầm Sen vừa có quý kinh doanh kém hiệu quả nhất trong hơn một thập niên gần đây bởi tác động tiêu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Nhung ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN