Người Việt mua 18 tấn vàng trong 14 năm, nhiều nhất khu vực ASEAN

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Năm 2022, tăng trưởng nhu cầu vàng của Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN, với mức tăng 37%. Người Việt đã mua 18 tấn vàng trang sức, mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua.

Ngày 1/2, Hội đồng Vàng Thế giới công bố Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quý IV/2022. Theo báo cáo này, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu năm 2022 đạt 4.741 tấn vàng, tăng gần 18% so với năm 2021, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào để tích trữ. Đồng thời, nhu cầu đầu tư vàng của cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong quý IV/2022 đạt 13,5 tấn, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi, xu vàng và nhu cầu trang sức. Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đạt 9 tấn vàng. Bên cạnh đó, nhu cầu trang sức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 4,5 tấn.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới đánh giá, năm 2022, tăng trưởng nhu cầu vàng của Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN, với mức tăng 37%. Người Việt đã mua 18 tấn vàng trang sức, mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua.

Nhu cầu mua vàng của người Việt cao nhất Asean. Ảnh minh họa

Nhu cầu mua vàng của người Việt cao nhất Asean. Ảnh minh họa

Trên toàn cầu, nhu cầu trong năm của ngân hàng trung ương đã tăng hơn 2 lần, đạt 1.136 tấn vàng trong năm 2022, đạt mức cao kỷ lục trong 55 năm qua. Chỉ riêng lượng mua trong quý IV/2022 đạt 417 tấn vàng, nâng tổng lượng mua trong nửa cuối năm 2022 lên hơn 800 tấn.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, vàng thỏi và vàng xu vẫn tiếp tục được ưa chuộng với các nhà đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới. Tổng mức đầu tư vàng thỏi và vàng xu tại Châu Âu trong năm 2022 vượt qua 300 tấn.

Nhu cầu trang sức trên thế giới giảm nhẹ vào năm 2022, giảm 3% xuống còn 2,086 tấn. Sự suy giảm này phần lớn đến từ sự sụt giảm 15% nhu cầu trang sức tại Trung Quốc, khi người tiêu dùng bị hạn chế trong bối cảnh phong tỏa COVID-19 vào năm 2022.

Năm 2023, kinh tế thế giới đứng trước bối cảnh tương lai đầy thách thức. Bên cạnh đó, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu có thể đảo ngược xu hướng hướng đầu tư vàng. Nếu lạm phát giảm, đây có thể là rào cản cho việc đầu tư vàng thỏi và vàng xu. Ngược lại, nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu và sự gia tăng tốc độ lãi suất vừa phải có thể mang lại tác động tích cực cho nhu cầu đầu tư vào những quỹ đảm bảo bằng vàng.

“Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp nhu cầu vàng suy giảm khi người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, thích nghi với tình hình suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn. Nhưng dù thế nào, vàng luôn có tiền lệ có lợi suất tốt trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn, với vai trò nổi bật như một kênh tài sản đầu tư dài hạn và mang tính chiến lược”, bà Louise Street - chuyên gia nghiên cứu thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới dự báo.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 1/2: Vàng tăng hay giảm sau ngày Vía Thần tài?

Sau ngày Vía Thần tài, giá vàng SJC được các thương hiệu trong nước điều chỉnh ra sao?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN