Mỹ - Trung “ăn miếng, trả miếng”, giá vàng sẽ vượt đỉnh 49 triệu đồng/lượng?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng khi ông Donald Trump và Tập Cận Bình không tỏ ý nhượng bộ nhau đã đẩy giá vàng thế giới lên 1.550 USD/ounce và giá vàng trong nước đã chính thức chạm mức 43 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đấu của Mỹ - Trung còn kéo dài ít nhất đến giữa năm 2020, nên giá vàng có thể tăng lên 49 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.

Diễn biến giá vàng Comex trong 1 năm qua (CNBC)

Diễn biến giá vàng Comex trong 1 năm qua (CNBC)

Vừa mở cửa phiên đầu tuần sáng nay (26/8) giá vàng thế giới đã tăng dựng đứng từ dưới ngưỡng 1.530 USD lên ngưỡng 1.550 USD/ounce. Mức giá cao nhất ghi nhận được tại mốc 1.555,70 USD/ounce.

Cập nhật lúc 12h trưa nay giờ Việt Nam, Gold COMEX giao dịch ở mức 1.552 USD/ounce.

Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Sài Gòn, tại DOJI hay Eximbank đều được nâng lên mức 43 triệu đồng ở chiều bán ra ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay.

Tính tới thời điểm hiện tại, giá vàng SJC tại Doji mua vào – bán ra tại 42,45 triệu đồng/lượng và 43,15 triệu đồng/lượng.

Tại các thương hiệu vàng lớn khác như Phú Quý, Bảo Tính Minh Châu hay Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) giá vàng SJC cũng được giao dịch bán ra trên 43 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC niêm yết tại Doji

Giá vàng SJC niêm yết tại Doji

Nhìn nhận về diễn biến của giá vàng trong thời gian gần đây, PGS. TS Phạm Quốc Khánh nhận định, việc giá vàng trong nước chính thức bước qua 43 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới leo lên phạm vi 1.550 USD/ounce, cao nhất trong hơn 6 năm qua, là do kim loại quý hiện đang hưởng lợi bởi diễn biến leo thang “theo cấp số nhân” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi Mỹ “phản đòn” và Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa của nước này.

Ông Khánh cho rằng, động thái tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ thể hiện sự “tức giận” khi Mỹ không đạt được những kết quả mong muốn trong việc đàm phán với Trung Quốc. Điều này càng khẳng định một điều, chắc chắn ông Donald Trump sẽ chơi “tất tay” trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi ông Trump hiện không có “đường lùi” nếu như ông muốn tái đắc cử. Điều này sẽ tác động tới giá vàng, tuy nhiên, mức tăng giá của vàng sẽ không nhiều.

Vị này phân tích, hiện nay, giá vàng đang phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là công dụng (đó là công nghiệp và tích lũy giá trị) và biến động đầu cơ do yếu tố chính trị. Thời gian qua những biến động của giá vàng tăng chủ yếu là do yếu tố chính trị nên khả năng tăng nữa gần như đã tới hạn. Giá vàng vẫn có thể tăng giảm nhưng sẽ chậm, nên không kỳ vọng giá vàng nhiều.

Mỹ - Trung “ăn miếng, trả miếng”, giá vàng sẽ vượt đỉnh 49 triệu đồng/lượng? - 3

Ở góc độ khác, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT VGB, thì cho rằng, cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ không kết thúc từ nay cho tới hết tháng 10/2020 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào thời điểm tranh cử cuối cùng với mong muốn tái đắc cử trong nhiệm kỳ tiếp theo.

“Ngoài yếu tố từ tác động lần tái cử này, bản chất sâu sắc giữa cuộc chiến Trung Quốc và Mỹ chính là sự cạnh tranh ngôi vị số 1 thế giới. Trung Quốc có nhiều tiềm lực để vượt Mỹ và trở thành cường quốc dẫn đầu về kinh tế. Chính vì vậy, quan hệ nhất nhì giữa Mỹ và Trung Quốc khác xa so với mối quan hệ cách đây 1 thập kỷ giữa Mỹ và Nhật Bản. Mối quan hệ giữa Mỹ - Trung sẽ khốc liệt hơn kể cả sau thời điểm tháng 10/2020”, ông Hải nhấn mạnh.

Thêm nữa, lãi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ đang đảo chiều. Lãi suất ngắn hạn 2,3 năm lại cao bằng, hoặc hơn so với lãi suất trái phiếu 10 năm. Điều này có nghĩa rằng, đường cong lãi suất bị đảo chiều, đây là biểu hiện cho thấy nền kinh tế thiếu bền vững và người dân kỳ vọng vào ngắn hạn thay vì dài hạn. Trong khoảng 20 tháng sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế (theo thống kê). Khả năng vàng tìm nơi trú ẩn không chỉ là những tín hiệu trước mắt.

Ông Hải cho biết thêm, tính từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới tăng trên dưới 20%, giá vàng trong nước từ mức 36 triệu đồng/lượng (trước thời điểm 4/6) đã tăng lên 43 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng trên 16%.

“Với tốc độ tăng này, giá vàng trong nước từ ngày 4/6 đến nay đã đánh bại kênh tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, ngoại hối… khiến cho nhiều người “sốt ruột” và lúc này tâm lý quay lại với kim loại quý đã dần dần hình thành trở lại trong bộ phận doanh nghiệp và dân cư”, vị này phân tích.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT VGB

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT VGB

Nói về xu hướng giá vàng trong thời gian tới, ông Hải tin rằng khả năng, giá vàng lên tới 49 triệu đồng/lượng (mức đỉnh của giá vàng ghi nhận vào tháng 9/2011 và cũng là mức giá kỷ lục của kim loại quý tính tới thời điểm hiện tại) cũng không phải quá khó nếu như vàng thế giới phá thành công ngưỡng mục tiêu 1.700 USD/oz mà không cần phải tăng lên tới 1.900 USD/oz.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sau một thời gian sự quan tâm của người dân, nhà đầu tư tới thị trường vàng trong nước giảm bớt phần nào nhờ chính sách chống vàng hóa của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, khi giá vàng đang leo cao nhiều người quay lại đầu tư vàng nhưng chưa mạnh.

“Dù có thời điểm giá vàng giảm nhưng về lâu về dài chắc chắn giá vàng sẽ tăng. Việc đưa ra dự báo cho giá vàng cần thận trọng. Tuy chưa dám khẳng định vàng có vượt được đỉnh cũ 49 triệu đồng/lượng hay không nhưng giá vàng hoàn toàn có thể sẽ vượt qua 45 triệu đồng/lượng trong thời gian tới. Chính vì vậy, đây là thời điểm tốt để đầu tư vàng nhưng nhà đầu tư cần đảm bảo nguyên tắc: Không nên lướt sóng, không dùng thu nhập thường xuyên để chơi vàng và nên bỏ trứng vào nhiều rỏ”, ông Hiếu khuyến cáo.

Giá vàng hôm nay 26/8: Vàng chính thức phá đỉnh, vượt mốc 43 triệu

Vàng liên tục tăng mạnh từ phiên cuối tuần trước sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thúy ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN