Masan MEATLife hướng đến mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD

Quý 1/2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Masan MEATLife (MML) khi doanh nghiệp liên tiếp 3 quý mang về lợi nhuận. Từ một công ty chăn nuôi truyền thống, MML đã thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi thành doanh nghiệp chế biến thịt có thương hiệu, hướng đến mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD.

Liên tiếp ba quý mang về lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Masan MEATLife, thành viên Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán: MSN), ghi nhận doanh thu 2.070 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ. Kết quả này được thúc đẩy bởi nhiều động lực tích cực từ cả sản phẩm, kênh phân phối và chiến lược thương hiệu. Doanh thu mảng thịt tăng 22,5%, nhờ giá heo hơi duy trì mức cao, tăng trưởng mạnh ở thịt chế biến, cùng với sự mở rộng của kênh HORECA cho thịt gà. Mảng chăn nuôi tăng 14,9%, chủ yếu từ tăng trưởng 28,1% ở mảng heo. Mảng gà tiếp tục được cơ cấu lại theo định hướng chiến lược dài hạn.

Thịt ủ mát được sản xuất theo công nghệ châu Âu tại tổ hợp nhà máy chế biến thịt mát MEATDeli

Thịt ủ mát được sản xuất theo công nghệ châu Âu tại tổ hợp nhà máy chế biến thịt mát MEATDeli

Đáng chú ý, việc hợp tác với hệ thống bán lẻ WinCommerce tiếp tục phát huy hiệu quả khi doanh thu trung bình trên mỗi điểm bán tăng 24,9% so với cùng kỳ. Mảng thịt tươi và thịt chế biến đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số. Riêng thịt chế biến ghi dấu ấn với các thương hiệu Ponnie và Heo Cao Bồi, đạt tổng doanh thu trung bình 240 tỷ đồng/tháng.

Đổi mới sản phẩm là điểm sáng nổi bật trong kỳ công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, nhóm sản phẩm mới tăng trưởng gấp 5 lần, đóng góp 28% doanh thu thịt chế biến – so với mức 7% của cùng kỳ năm trước, thể hiện vai trò chiến lược trong mở rộng tiêu dùng và tăng trưởng danh mục.

Khách mời trải nghiệm tại đại hội cổ đông Masan

Khách mời trải nghiệm tại đại hội cổ đông Masan

Khép lại quý I/2025, MML đạt lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số 116 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ ba liên tiếp có lãi – một dấu mốc quan trọng cho hành trình tăng trưởng bền vững.

Cơ hội tăng trưởng lớn trong dài hạn

Việt Nam là một trong 10 quốc gia tiêu thụ thịt heo nhiều nhất thế giới. Theo OECD, sản lượng thịt heo trong nước dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1% mỗi năm.

Hiện tại, sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 95% nhu cầu tiêu thụ, mở ra dư địa lớn cho ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, thị trường thịt Việt Nam vẫn chưa được chuẩn hóa, phần lớn sản phẩm không có thương hiệu rõ ràng, trong khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên thịt có nguồn gốc minh bạch. MEATDeli – thương hiệu thịt ủ mát của Masan MEATLife – đang dẫn đầu xu hướng chuẩn hóa thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thịt Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sắm sản phẩm Masan Consumer

Người tiêu dùng mua sắm sản phẩm Masan Consumer

Trong những năm gần đây, xu hướng tiêu thụ thịt chế biến đã tăng tốc tại nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc. Theo Frost & Sullivan, thịt chế biến hiện chiếm khoảng 25% tổng lượng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc và có tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với thịt tươi. Xu hướng này được dự báo sẽ lan rộng tại Việt Nam, khi thu nhập người dân tăng và thói quen sử dụng thực phẩm tiện lợi ngày càng phổ biến.

Các chuyên gia nhận định thịt chế biến sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành thịt trong nước, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng tiêu thụ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nắm bắt xu thế, Masan MEATLife đang khẳng định vị thế với lợi thế thương hiệu mạnh Heo Cao Bồi, Ponnie, mạng lưới phân phối toàn diện từ bán lẻ hiện đại, truyền thống, Horeca đến kênh sỉ, cùng năng lực phát triển sản phẩm linh hoạt, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.

Hướng đến mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD  

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 được tổ chức trong tháng tư vừa qua, ban lãnh đạo Masan MEATLife nhấn mạnh chiến lược dài hạn của công ty: chuyển dịch toàn diện sang công ty chế biến thịt có thương hiệu, hợp tác sâu hơn với WCM. “Quý I/2025, sản phẩm thịt có thương hiệu đã chiếm 56% tổng doanh số ngành hàng này trong chuỗi WCM. Trong giai đoạn tiếp theo, MML dự kiến sẽ hợp tác chặt chẽ với WCM để đưa các sản phẩm thịt tiếp cận kênh bán lẻ truyền thống thông qua hệ thống WiN+, hướng đến mục tiêu chinh phục cơ hội trị giá 2 tỷ USD.”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Người tiêu dùng mua sắm thịt ủ mát MEATDeli

Người tiêu dùng mua sắm thịt ủ mát MEATDeli

Trong năm 2025, MML đặt mục tiêu doanh thu từ 8.250 - 8.749 tỷ đồng, tăng 8% - 14% so với năm trước. Doanh nghiệp tiếp tục tập trung vào mảng thịt chế biến với mục tiêu đóng góp 36-37% tổng doanh thu. Mảng thịt chế biến với sản phẩm giá trị cao đang là trụ cột lợi nhuận bền vững của MML. MML cũng sẽ không ngừng tối ưu hóa, nâng giá trị thành phẩm từ mỗi con heo nuôi thịt lên trung bình 10 triệu đồng, tăng ~10% so với năm trước.

Một trong những sáng kiến quan trọng trong năm 2025 của MML là triển khai "Meat Corner" tại các cửa hàng WinCommerce, nhằm nâng tỷ lệ doanh số thịt chế biến trong hệ thống từ 16,6% lên 20% trong năm 2025 và hướng đến 40% trong dài hạn. Doanh nghiệp sẽ chuyển đổi hoàn toàn mô hình để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thịt có thương hiệu và thịt chế biến.

Sau nhiều năm chuyển đổi đầy thử thách, Masan MEATLife đang bước vào giai đoạn “hái quả ngọt”. Ba quý liên tiếp có lãi, tăng trưởng hai chữ số, cơ cấu sản phẩm rõ ràng và thị phần dẫn đầu trong chuỗi WinCommerce là những minh chứng mạnh mẽ cho mô hình thịt có thương hiệu tại Việt Nam là khả thi và bền vững. Với nền tảng này, MML được kỳ vọng sẽ tiên phong mở ra chương mới cho ngành thịt chế biến trong nước, hoàn thiện hệ sinh tiêu dùng - bán lẻ của Tập đoàn Masan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN
Gửi Góp ý