Loạt người bị lừa làm cộng tác viên đặt đơn hàng ảo, Shopee nói gì?
Nhiều bạn trẻ, sinh viên bị sập bẫy lừa đảo với số tiền hàng chục triệu đồng khi làm cộng tác viên đặt đơn hàng ảo trên Shopee.
Mua hàng nhưng vẫn hưởng "hoa hồng"
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, nhiều người dân ở khắp nơi bị lừa đảo từ vài triệu đến vài chục triệu đồng qua thủ đoạn tuyển dụng việc nhẹ lương cao.
"Nhà tuyển dụng" dụ dỗ "con mồi"
Cụ thể, loạt nạn nhân nhận được những tin nhắn xưng là giám đốc marketing hoặc quản lý, nhân viên phòng nhân sự của các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee và Lazada, đang cần tuyển dụng số lượng nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, chị L.T.K.A (22 tuổi, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 5/2022, khi đang đọc tin tức trên mạng xã hội, thấy tin đăng tuyển cộng tác viên (CTV) cho sàn thương mại điện tử Shopee.
A. đã nhắn tin cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về công việc thì được biết nhiệm vụ là đặt các đơn hàng ảo trên một số sàn thương mại điện tử để thu hút người mua hàng.
Sau khi đặt hàng, "người tuyển dụng" yêu cầu A. thanh toán vào một tài khoản khác thay vì tài khoản chủ shop. Khi A hỏi, thì được lý giải đây là tài khoản trung gian.
"Bên kia gửi cho tôi một đường link, đường link này là một sản phẩm có giá tiền ở trong đó. Tôi click vào đường link sau đó chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác. Sau khi chuyển tiền xong từ 3-5 phút, họ nói hoàn tiền lại cho tôi, bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng, có món thì 5%, món 10%, món 12%...", chị A. kể về cách thức bị dẫn dụ.
Đối tượng lừa đảo hướng dẫn cách thức "làm việc"
Chị A. thanh toán 6 đơn hàng thì bị các đối tượng thông báo chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu bị phạt thanh toán thêm đơn hàng thì mới được rút tiền.
Tổng số tiền chị A. đã thanh toán là hơn 20 triệu đồng, giá trị các đơn hàng ngày càng lớn hơn. Khi đối tượng yêu cầu thực hiện các đơn hàng lớn hơn nhưng do không đủ tiền nên chị A. quyết định dừng làm việc và rút tiền về.
"Họ không đồng ý cho tôi rút tiền mà yêu cầu tôi nộp tiếp 35 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ thì mới được rút lại, nếu không tài khoản sẽ bị đóng băng", cô gái trẻ cho biết thêm.
Em L. được yêu cầu nạp tiền để thực hiện thêm nhiệm vụ thì mới được hoàn trả lại tiền giao dịch trước đó
Phản ánh tới phóng viên, em N.L.T.L (19 tuổi, TP HCM) cho biết cũng bị lừa theo hình thức tương tự như trên, số tiền bị lừa lên đến gần 30 triệu đồng trong chưa đầy 2 ngày. L. thậm chí còn vay tiền các bạn để chuyển khoản cho nhà tuyển dụng.
Khi phát hiện mình bị lừa, L. đã liên hệ với người hỗ trợ phía nhà tuyển dụng tên N.C. Thức (SĐT: 0287xxxx21) để xử lý yêu cầu hoàn tiền. Người này hướng dẫn L. liên hệ với T.V.Phụng (SĐT: 084 3xxxxx407) - tự xưng là quản lý để giải quyết.
"T.V.Phụng đã ghi cho tôi bản cam kết và yêu cầu chụp CCCD để làm hồ sơ. Người này hứa sẽ chuyển lại toàn bộ số tiền 28.643.000 đồng sau khi tôi chuyển tiền đối chiếu (12.000.000 đồng). Khi tôi không đồng ý, người này nói rằng sẽ đưa toàn bộ số tiền đó vào kho bạc Nhà Nước hoặc sẽ chuyển cho các trẻ em nghèo, rồi ngắt liên lạc", L. cho biết.
Được biết, L. đang là sinh viên năm nhất nên mong muốn có việc làm giúp đỡ gia đình, giảm bớt chi phí đóng học. Biết mình bị lừa, L. đã làm đơn trình báo tới cơ quan chức năng mong được điều tra, làm rõ.
Mánh lới lừa đảo tinh vi, phía Shopee nói gì?
Theo tìm hiểu, các đối tượng này còn làm giả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giả mạo con dấu, chữ ký của giám đốc điều hành… trong các văn bản cam kết thanh toán hoa hồng để lấy lòng tin của người bị hại.
Cả hai nạn nhân kể trên đều phản ánh: "Họ còn cung cấp cả thẻ nhân viên, chứng minh thư, giấy phép kinh doanh và giấy cam kết có dấu mộc công ty như thật, nên tôi mới tin tưởng tham gia".
Thẻ nhân viên giả
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giả
Trả lời Báo Giao thông, đại diện của Shopee thừa nhận, thời gian gần đây, xuất hiện một (số) tổ chức, cá nhân mạo danh Shopee mời người dùng đăng ký làm cộng tác viên/bán hàng tại Shopee với mức thu nhập cao.
Đối tượng lừa đảo sẽ tiếp cận bạn thông qua: tin nhắn, cuộc gọi, các nhóm chat, trang mạng xã hội,… Shopee khuyến cáo thực hiện giao dịch và cung cấp bất cứ thông tin nào bên ngoài ứng dụng và website chính thức của hãng.
"Shopee khẳng định tất cả các thông tin tuyển dụng của Shopee chỉ được đăng tải trên trang thông tin việc làm của chúng tôi tại Trang tuyển dụng, tài khoản chính thức Facebook, LinkedIn,…hoặc các trang tuyển dụng uy tín hiện là đối tác của chúng tôi.
Để phòng tránh việc bị kẻ gian lợi dụng, Shopee khuyến khích người dùng nhanh chóng thông báo với Shopee khi nhận thấy bất kỳ hoạt động nào bạn cho là đáng ngờ", người đại diện khẳng định.
Đại diện của Shopee cho biết thêm, Shopee đã làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, những thông tin khuyến cáo người dùng đã được đăng tải trên website, tài khoản chính thức Facebook...
Thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới. Cơ quan công an, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nhiều lần cảnh báo người tiêu dùng nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Ngày 16/12/2021, Công an TP.Hà Nội đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này
"Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm công tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu 10 - 20%. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không nhận được lại tiền", Công an TP.Hà Nội cho biết.
Cơ quan Công an cũng yêu cầu khi phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, 3 công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh không báo cáo về các đợt phát hành trái phiếu.