Lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngân hàng đã lên xấp xỉ 9%/năm

Sự kiện: Ngân hàng

Một số ngân hàng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn dài hạn từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với mức lãi suất cao xấp xỉ 9%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1 dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại tất cả điểm giao dịch trên toàn quốc với mức lãi suất lên đến 8,9%/năm. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỉ đồng.

Theo đó, cá nhân tham gia mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỉ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỉ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, SHB triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,2%/năm. Các khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình với số tiền từ 500 triệu đồng và lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Với điều kiệm tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng. Thông qua đợt phát hành này, SHB cũng muốn bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngân hàng đã lên xấp xỉ 9%/năm - 1

Các ngân hàng đang tiếp tục cuộc đua hút tiền gửi trung dài hạn. Ảnh: Linh Anh

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi Lộc Bảo Phát liên kết lợi suất đầu tư Trái phiếu chính phủ đầu tiên trên thị trường. Theo đó, lãi suất của chứng chỉ này có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất sản phẩm tiết kiệm thông thường. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 12 hoặc 18 tháng tại MSB tương ứng là 6,8%/năm, 7,3%/năm và 7,7%/năm.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, vài năm nay, thị trường Trái phiếu chính phủ đã có những bước phát triển vượt bậc, với quy mô và thanh khoản thị trường tăng rất nhanh. Hiện tại quy mô thị trường đã vượt ngưỡng 1 triệu tỉ đồng và thanh khoản thị trường đạt mức 4.000 - 5.000 tỉ/ngày. Kênh đầu tư Trái phiếu chính phủ cũng dần trở thành kênh hấp dẫn, đặc biệt là đối với nhà đầu tư tổ chức bởi tính bảo toàn vốn, thanh khoản cao. Nhưng cơ hội tiếp cận kênh đầu tư này với các nhà đầu tư cá nhân còn khá hạn chế, nên các ngân hàng đã đưa sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mới chỉ cần khoản tiền đầu tư từ 100 triệu đồng.

Trước đó, BIDV cũng triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung dài hạn 2019 dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất 7,65/năm. Mệnh giá tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi là 10 triệu đồng với khách hàng cá nhân và 50 triệu đồng với khách hàng doanh nghiệp. 

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng; dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng…

Theo một số chuyên gia, nhu cầu vốn trung dài hạn của các ngân hàng tăng mạnh thời gian qua nên không chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một kênh để có thêm nguồn đầu vào ổn định. Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm thông thường nên cũng thu hút dòng tiền nhãn rỗi từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN