Hết thí điểm, Grab và các hãng gọi xe công nghệ đi vào hoạt động chính thức

Sự kiện: Kinh Doanh

Không còn thời kỳ thí điểm, Grab cũng như các hãng xe công nghệ khác sẽ không còn hoạt động theo cơ chế tạm thời mà thay vào đó, khi Nghị định 10/2020 có hiệu lực sẽ tạo nên hành lang pháp lý riêng, chính thức công nhận xe công nghệ.

Hết thí điểm, Grab và các hãng gọi xe công nghệ đi vào hoạt động chính thức - 1

Dừng thí điểm vì đã có hành lang pháp lý

Khoảng 4 năm trước, quyết định của Bộ GTVT ngày 7/1/2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đánh dấu sự ra đời và phát triển của loại hình taxi công nghệ, trong đó những đơn vị tiên phong phải kể đến là Grab, Uber. Không thể phủ nhận ứng dụng này nhanh chóng thay đổi hoạt động vận tải hành khách bằng taxi lúc bấy giờ và chỉ một thời gian ngắn, các hãng xe công nghệ đã có được lượng tài xế lớn chính thức "đầu quân".

Việc xe công nghệ chiếm lĩnh thị trường khiến các hãng taxi truyền thống lao đao. Mâu thuẫn ngày càng phức tạp khi taxi truyền thống "than" bị đối xử bất công bằng. Cũng từ đó đã nảy sinh những kiện tụng, va chạm không đáng có. Đây là lúc cần có những quy định mới phù hợp hơn để tạo ra một sân chơi bình đẳng, công khai và minh bạch giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Phải thừa nhận rằng, xe công nghệ là một loại hình mới tại thị trường Việt Nam, vì vậy, cần có những quy định cụ thể để quản lý theo môi trường kinh doanh của thị trường. Những quy định của pháp luật cũng cần điều chỉnh theo từng thời kỳ để quản lý cho phù hợp. Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã quyết định dừng thí điểm, xây dựng hành lang pháp lý mới - nghị định 10/2020 ra đời và chính thức có hiệu lực từ 1/4, phù hợp với nhu cầu giao thông, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, đem đến cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất với mức giá hợp lý và họ hoàn toàn có quyền lựa chọn và quyết định.

Hết thí điểm, Grab và các hãng gọi xe công nghệ đi vào hoạt động chính thức - 2

Hết thí điểm, Grab được công nhận chính danh

Nhiều người tỏ ra lo ngại cho số phận của các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động tại Việt Nam bởi trước khi có nghị định 10, các loại hình xe công nghệ hoạt động dựa trên cơ chế được xác định thí điểm tạm thời. Đề án thí điểm này đưa ra những quy định tối thiểu và khuôn khổ cho một loại hình mới các loại xe ứng dụng công nghệ vào vận tải. Và vì mới là thí điểm chưa có gì chắc chắn nên sự đầu tư của các đơn vị còn khá rụt rè vì chưa thực sự yên tâm.

Thực tế, GrabCar đang hoạt động tại Việt Nam dưới dạng xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định.

Khi nghị định 10 được ban hành, xe ô tô hợp đồng dạng của Grab sẽ dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe). Những xe GrabCar hoạt động hợp pháp phải có 3 tem này.

Theo Nghị định 10, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10.

Như vậy, hầu hết các xe GrabCar hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1/7/2021 - quá đủ thời gian cho các xe GrabCar thực hiện.

Nói về nghị định 10, đại diện Grab cho biết đây là hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không gây ảnh hưởng hay khó khăn gì đến hoạt động của họ trên thị trường hiện nay. Hơn thế, với việc dừng thí điểm, dịch vụ xe công nghệ trong đó có Grab chính thức được "cởi trói", không còn bị giới hạn ở 5 thành phố lớn như trước đây mà đã mở rộng thị trường trên khắp cả nước. Grab chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để phát triển mạng lưới dịch vụ của mình.

Cuộc chơi sòng phẳng bắt đầu

Theo ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khi nghị định 10 có hiệu lực, thị trường xe công nghệ theo đó sẽ được mở rộng. “Sự tham gia của cá nhân, tổ chức vào xe công nghệ, cũng như đối tượng phục vụ của xe công nghệ được mở ra cho quần chúng nhân dân trong cả nước chứ không chỉ riêng 5 thành phố”.

Với những quy định cụ thể trong Nghị định 10, việc lẫn lộn giữa xe công nghệ và xe taxi sẽ không còn nữa, thay vào đó, các hãng xe công nghệ sẽ phải lựa chọn cụ thể là theo loại hình nào và sẽ chịu những quy định về điều kiện kinh doanh của loại hình đó.

Từ việc dừng thí điểm, một thị trường công bằng cũng được thiết lập, các hãng xe công nghệ bắt đầu bước vào một cuộc chơi song phẳng, môi trường cạnh tranh “phẳng”. Trước đây, taxi truyền thống thường nói rằng họ không được cạnh tranh công bằng với xe công nghệ thì bây giờ loại hình nào cũng được khuyến khích và các doanh nghiệp vận tải có quyền lựa chọn. Các hãng xe sẽ phải nỗ lực để cung ứng dịch vụ tốt nhất với mức giá phải chăng để người dân sẵn sàng bấm chọn.

Nguồn: [Link nguồn]

Dừng thí điểm, xe công nghệ sẽ mở rộng hoạt động ra nhiều địa phương

Từ 1/4/2020, xe công nghệ sẽ chính thức hoạt động theo hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/200/NĐ-CP của Chính Phủ, đây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Quang Sang ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN