Fed tăng lãi suất lần 2, kinh tế Việt Nam bị tác động ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lần thứ 2 liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75%. Thị trường chứng khoán, vàng thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng đã lập tức có những phản ứng với quyết định mới từ Fed. Tỷ giá, dòng vốn đầu tư cũng được dự báo có những ảnh hưởng nhất định.

Vàng, chứng khoán “đua giá”

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh 2 phiên liên tiếp (27-28/7), ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, bất chấp cả việc GDP sụt giảm, và lo ngại kinh tế suy thoái. Cũng chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng thế giới tăng khoảng 50 USD/ounce. Tác động từ thế giới đang có lợi cho chứng khoán trong nước, VN-Index cũng nhảy vọt qua mốc 1.200 điểm, thanh khoản tăng mạnh.

Giá vàng trong nước cũng tăng cao, chỉ riêng ngày 28/7 đã tăng khoảng 700.000 đồng/lượng. Vàng miếng SJC niêm yết trong khoảng 65,7 - 66,7 triệu đồng/lượng. Nhu cầu nắm giữ vàng của người Việt vẫn duy trì ở mức cao. Số liệu từ Hội đồng vàng Thế giới cho thấy, quý 2/2022, người Việt tiêu thụ 14 tấn vàng.

Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Minh hoạ: Như Ý

Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Minh hoạ: Như Ý

Không chỉ với các tài sản đầu tư, nhìn rộng hơn, việc Fed tăng lãi suất còn tạo nhiều ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Theo nghiên cứu của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, hoạt động thương mại của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, do đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Quyết định của Fed sẽ định hình rõ nét hơn xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm đối phó với lạm phát, khiến chi phí vay nợ của doanh nghiệp và người dân tăng lên. Điều này khiến doanh nghiệp, người dân e ngại, cân nhắc hơn khi ra quyết định đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt trước các rủi ro toàn cầu. Theo đó, khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất chính sách (hiện ở mức 4%) khó xảy ra trong năm nay. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Với kết quả này, VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%. Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng dự báo, lạm phát của Việt Nam khoảng 3,5% trong năm nay, trái ngược với mức lạm phát cao đang bủa vây các quốc gia ASEAN mới nổi.

Theo đó, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ toàn cầu sẽ giảm, có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế trong nước. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao.

Mỹ đang là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Tác động đến túi tiền doanh nghiệp

Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.

Ông Lực dự báo tỷ giá năm 2022 sẽ tăng khoảng 2- 2,3%. Việc tăng lãi suất của Fed cũng làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên, khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. Quyết định của Fed còn tác động tới dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, và hưởng lãi suất cao hơn trước. Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. Tuy nhiên, ông Lực dự báo xu thế này không quá rõ ràng và không ảnh hưởng nhiều đối với thị trường Việt Nam. Lũy kế nửa đầu năm 2022, khối ngoại mua ròng 2.100 tỷ trên thị trường chứng khoán.

Về biến động tỷ giá, ông Phan Linh, sáng lập Cty Tư vấn đầu tư Take Profit cho biết, tỷ giá USD/VND tăng 3% từ đầu năm, thấp hơn các quốc gia trong cùng khu vực, đều trên 5% như Indonesia (6%), Malaysia (5%), Lào (30%), Nhật (20%,)...

“Dư địa chính sách của Việt Nam vẫn còn khi mà dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp và có thể tăng để điều tiết tiếp tỷ giá. Thậm chí nếu nhìn về mặt tích cực, VND đang trở nên khoẻ hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực. Chỉ cần chính sách của FED bình ổn lại rất có thể dòng vốn từ các quốc gia khác sẽ chảy ngược về Việt Nam”, ông Linh phân tích.

Theo ông Linh, trong giai đoạn ngắn hạn, VND đang có xu hướng mất giá so với USD, nhưng lại mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như Yên hay Euro,...Vì vậy, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng đồng USD, sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do chênh lệch tỷ giá.

Ngược lại, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng đồng Euro hay Yên, thời gian tới có thể tăng lợi nhuận tài chính do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn tại EU hay Nhật sẽ chịu bất lợi, bởi thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 30/7: Tiếp tục tăng, áp sát mốc 67 triệu đồng

Giá vàng thế giới và trong nước vẫn giữ được nhịp tăng trong phiên giao dịch cuối tuần. Giá vàng SJC áp sát mốc 67 triệu đồng/lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuỳ Dương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN