Doanh nghiệp vận tải lao đao giữa “bão giá” xăng, dầu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch, giờ đây, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục cảnh lao đao vì giá xăng, dầu tăng phi mã.

“Bão nối bão” 

Đợt bùng phát mạnh nhất của dịch bệnh Covid-19 bắt đầu vào cuối năm 2021 và kéo dài sang tận đầu năm 2022. Đây là “cơn bão” đánh gục hầu hết doanh nghiệp (DN) vận tải nói chung và vận tải hành khách đường bộ nói riêng. Hàng loạt DN vận tải lớn phải tạm dừng hoạt động.

Chỉ khi “cơn bão” Covid-19 thật sự lắng xuống, hoạt động vận tải hành khách đường bộ mới từng bước lấy lại “sức sống” của mình. Trong khoảng 1 - 2 tháng trở lại đây, các nhà xe đã bắt đầu hoạt động rôm rả hơn, lượng khách trên xe được lấp đầy hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến nay, lượng khách di chuyển từ các khu vực Đồng bằng đến Trung du miền núi đạt 80 - 90% so với trước dịch, khách đi từ các tỉnh đến những trung tâm lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh tăng nhưng ít hơn.

Riêng các chuyến xe liên tỉnh xuất phát từ Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh đạt 30% trong các ngày thường và tăng lên 80 - 90% trong dịp Lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Trong khi đó, số lượng xe của các công ty ký hợp đồng vận tải tuyến cố định vào các bến vẫn còn từ 10 - 20% chưa quay lại hoạt động.

Chưa kịp mừng vì sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được bao lâu, các DN vận tải lập tức phải đối mặt với một “cơn bão” mới. Đó chính là “bão giá” nhiên liệu, mà cụ thể là giá xăng, dầu. Trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp tự phá “kỷ lục”.

Chưa hồi phục hoàn toàn sau "bão Covid", doanh nghiệp vận tải lại gặp phải những khó khăn khi giá xăng dầu tăng phi mã. 

Chưa hồi phục hoàn toàn sau "bão Covid", doanh nghiệp vận tải lại gặp phải những khó khăn khi giá xăng dầu tăng phi mã. 

Đến thời điểm hiện tại, giá xăng đã ở ngưỡng xấp xỉ 30 ngàn đồng/lít, cao nhất trong lịch sử. Điều đáng nói, cơn bão này chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại trong thời gian tới. Với việc chiếm tới 40% giá thành vận tải thì khi giá xăng, dầu tăng cao, hầu hết DN vận tải đều phải chịu lỗ.

Trao đổi với Kinh tế đô thị, giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Văn Bằng nhận định, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến DN tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả hành khách đi xe và nhà xe.

Các DN vận tải cho rằng, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao với hoạt động vận tải không kém gì so với dịch bệnh Covid-19. Dù hai “cơn bão” này tàn phá ở những mặt khác nhau, nhưng thiệt hại mà DN vận tải hứng chịu đều chung quy về một mối, đó là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Điều đáng nói, "bão giá" xăng dầu diễn ra ngay sau “bão" Covid-19, nó mang tới tác động cộng hưởng khiến cho độ “sát thương” càng lớn.

“Tăng giá cước nữa là mất khách” 

Covid-19 khiến cho hành khách đi xe sụt giảm, người lao động làm việc trong các DN vận tải bỏ việc rất nhiều. Để giữ chân người lao động, DN phải tăng chi phí phúc lợi. Trong khi đó, để kéo được hành khách quay trở lại với xe khách, các DN không dám tăng giá vé hoặc có tăng cũng chỉ ở mức độ rất thận trọng.

Chia sẻ với Báo Tin tức, anh Cao Cường ở quận Long Biên (Hà Nội) chuyên chạy xe hợp đồng nội đô - sân bay Nội Bài cho biết, trước đây, giá xăng ở mức khoảng 25.000 đồng/lít, chạy khứ hồi Hà Nội - sân bay Nội Bài giá 430.000 đồng, trừ các chi phí còn có lãi chút ít. Hiện nay, với giá xăng tăng hơn 30.000 đồng/lít, mức giá chạy hợp đồng vẫn giữ nguyên, thì hầu hết lái xe chạy không công. Nếu tăng giá lên 480.000 - 500.000 đồng chuyến khứ hồi là không có khách, mất khách... Giá xăng tiếp tục tăng đang khiến nhiều lái xe muốn bán xe, chuyển nghề.

Anh Cường thông tin thêm, nếu như trước đây, chỉ cần đổ 800.000 đồng là đầy bình xăng xe ô tô Toyota Vios đang chạy hợp đồng, hiện giờ phải mất 1,1 triệu đồng. Trong khi, hầu hết khách hiện nay gọi nhiều xe cùng lúc, xong hủy, hãng nào rẻ mới đi, nên tình trạng cạnh tranh diễn ra không lành mạnh. Thu nhập ước tính trong tháng 4 - 5 giảm từ 30 - 40%...

Mặc dù xăng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn tải vẫn dè dặt trước vấn đề tăng giá cước. 

Mặc dù xăng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn tải vẫn dè dặt trước vấn đề tăng giá cước. 

Còn ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt, chủ hãng xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai cho biết, giá xăng dầu tại Việt Nam biến động theo thế giới và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nếu giá xăng tăng mà đề xuất tăng giá vé sẽ khiến lượng khách sụt giảm, doanh nghiệp khó lại chồng thêm khó. Doanh nghiệp hiện đã giảm số lượng xe chạy chỉ còn duy trì 50% tổng số xe, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50-60% ghế trên xe mới không bị lỗ.

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cũng phản ánh, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến vận tải ngưng trệ, chưa kịp hồi phục, hiện nay cộng thêm với giá xăng dầu phi mã, các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, may mắn không bị phá sản; đồng thời, phải cắt giảm chuyến, dồn khách để giảm chi phí vận hành trước những khó khăn hiện hữu…

Lời giải nào cho doanh nghiệp vận tải? 

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35-40% trong cấu thành giá cước, giá xăng dầu điều chỉnh ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải, từ đó cũng ảnh hưởng đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải.

Điều chỉnh giá cước vẫn phải nằm trong quy định của bình ổn giá, vận tải muốn tăng giá phải kê khai báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình điều chỉnh giá, buộc phải ngừng các phương tiện hoạt động, thêm phần khó khăn.

Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, ông Hùng kiến nghị Liên bộ Công thương – Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.

“Các chính sách phải mạnh mẽ, chính sách mà nhỏ giọt thì không thể khôi phục được, không thể bứt tốc được. Cùng với đó, phải đồng bộ hoá tất cả các chính sách. Chính phủ ban hành 320.000 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi xăng dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất”, ông Hùng nói với báo Giao Thông. 

Đồng thời nhấn mạnh: Nhà nước, doanh nghiệp phải cùng đóng góp vào quỹ bình ổn giá với người dân. Hiện nay, chỉ có người dân tham gia đóng góp quỹ này bằng việc đóng 300 đồng/lít xăng. Tất cả phải chung tay mới kiểm soát được giá xăng dầu, nếu không kiểm soát được các mặt hàng khác tăng theo, lạm phát sẽ là điều tất yếu.

Người lao động vận tải than trời vì giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã.

Người lao động vận tải than trời vì giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt cũng kiến nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường (hiện nay, thuế bảo vệ môi trường mới giảm 50%) để được gỡ khó qua giai đoạn hiện nay. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, để hỗ trợ các DN vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo ATGT và tạo môi trường vận tải công bằng.

Theo Kinh tế đô thị, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao không chỉnh hướng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các DN vận tải hành khách mà còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là rào cản rất lớn cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mới đang bước vào giai đoạn dần phục hồi.

Bão giá xăng, dầu chính là trở ngại làm giảm tốc độ tăng trưởng, cạnh tranh của các mặt hàng, nhất là khi nước ta mới bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, du lịch.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, theo quy luật, bất cứ khi nào giá xăng, dầu tăng cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng. Giá xăng, dầu tác động trực tiếp đến cả những mặt hàng tiêu dùng nhỏ nhất như mớ rau, cân thịt hay các mặt hàng chế biến sẵn. Tuy nhiên, nếu để nói mặt hàng chịu tác động trực tiếp nhất, chịu tác động đầu tiên từ giá xăng, dầu tăng đó chính là dịch vụ vận tải.

Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội.

Từ phân tích trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng, dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung để có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao; đồng thời, nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 8/6: Dân buôn đổ xô bắt đáy, vàng phục hồi ấn tượng

Thị trường ghi nhận dòng tiền chảy mạnh vào vàng khiến giá quý kim này bật tăng trong sáng nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hương Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN