Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có nên mua vào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chứng khoán trong nước khép lại tuần giao dịch vừa qua bằng phiên bán tháo trên diện rộng. Tuần tới, nhà đầu tư được khuyến nghị không bán bằng mọi giá, tận dụng nhịp tăng để chốt lời từng phần. Với người lỡ nhịp tăng điểm trước, nhịp điều chỉnh có thể mang đến điểm mua tốt cho mục tiêu trung, dài hạn.

Canh nhịp hồi, không bán tháo bằng mọi giá

Phiên cuối tuần qua, VN-Index lao dốc gần 56 điểm, theo đó xóa sạch mức tăng của cả 4 tuần giao dịch trước đó cộng lại. Chỉ số chính chốt phiên thứ sáu tại mức 1.178 điểm, giảm 4,4% so với đầu tuần.

Tất cả các nhóm ngành đồng loạt giảm mạnh trong tuần này, với mức giảm mạnh nhất đến từ bất động sản và bán lẻ, sau khi đã tăng nóng trong vài tháng qua. Tuần này, VIC (-7,9%) và VHM (-6,7%) là hai cổ phiếu gây áp lực lớn lên thị trường, lấy đi hơn 10 điểm của VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID (-5,4%), VPB (-6,4%), MSN (-6,5%), GAS (-3,8%). FPT (+4,3%) và SSI (+0,5%) là 2 cổ phiếu hiếm hoi trong rổ VN30 nâng đỡ thị trường.

Giá trị giao dịch khớp lệnh theo các nhóm nhà đầu tư tuần qua (thống kê: TPS)

Giá trị giao dịch khớp lệnh theo các nhóm nhà đầu tư tuần qua (thống kê: TPS)

Thanh khoản tuần này tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 29.006 tỷ đồng (tăng 10,2% so với tuần trước), chủ yếu tập trung ở phiên bán tháo cuối tuần với khối lượng giao dịch cao lịch sử. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, trên cả ba sàn là 1.104 tỷ đồng.

Chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect nhận định, nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước, tuy nhiên điểm bất ngờ là mức độ giảm nhanh và mạnh chỉ trong một phiên cuối tuần qua.

"Rất may, thị trường có 2 phiên cuối tuần thứ bảy và chủ nhật để nhà đầu tư lấy lại sự bình tĩnh và suy xét. Việc hạ tỷ trọng margin của một công ty chứng khoán top đầu thị phần thông thường chỉ có tác động “ngắn hạn” trong vòng 1-2 phiên giao dịch và giảm bớt đáng kể sau đó. Vấn đề về tỷ giá cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi đã quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ năm và thứ sáu", chuyên gia của VNDirect nhận định.

Theo đó, chuyên gia kỳ vọng, thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới và nhà đầu tư nên ngừng hành động bán tháo. Nhà đầu tư nên chờ các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu thay vì bán tháo trong những phiên giảm điểm mạnh. Vùng 1.150 - 1.170 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index

Nhóm phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index nằm tại 1.160-1.175 điểm. Nhà đầu tư không cần thiết phải bán tháo giá thấp trong các nhịp rung lắc mạnh của thị trường mà nên tận dụng các nhịp tăng của thị trường để thực hiện chiến lược bán chốt lời từng phần các vị thế ngắn hạn trong danh mục hoặc thực hiện đóng vị thế đối với các cổ phiếu vi phạm ngưỡng.

Chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, chỉ số nhiều khả năng sẽ có thêm một số phiên biến động mạnh trước khi mặt bằng giá ổn định trở lại, với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 - 1.150 điểm. Dù vậy, nhà đầu tư nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá, đồng thời vẫn có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới.

LPBank phát hành thêm 500 triệu cổ phiếu

Trong tuần 21/8 - 25/8, 8 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao nhất là 30%, thuộc về Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã DPM).

Với hơn 391 triệu cổ phần đang lưu hành, Đạm Phú Mỹ dự kiến chi 1.173 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Thời gian thanh toán vào 31/8/2023. Trước đó, DPM đã thống nhất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 70%, công ty đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40% bằng tiền trong tháng 2 vừa qua.

Danh sách doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần tới (dữ liệu: vietstock)

Danh sách doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần tới (dữ liệu: vietstock)

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã LPB) cũng chốt danh sách trả cổ tức 19% bằng cổ phiếu và phát hành thêm 500 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/đơn vị. Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2022 trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022 của LPBank, tương ứng hơn 3.903 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc chào bán.

Một số doanh nghiệp chốt danh sách trả cổ tức tiền mặt trên 20% trong tuần tới, là CTCP Thủy điện A Vương (mã: AVC) , CTCP Thủy điện - Điện Lực 3 (mã: DRL).

Nguồn: [Link nguồn]

Sau một tuần VinFast chào sàn chứng khoán Mỹ, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động thế nào?

Sau phiên ra mắt bùng nổ tại thị trường chứng khoán Mỹ hôm 15/8 vừa qua, mã cổ phiếu của VinFast đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp và mất hơn 50% giá trị khi kết phiên giao dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN