Chủ vựa xoài mất Tết vì tắc biên, mỗi xe hàng "bốc hơi" cả tỷ đồng

“Mấy anh em chúng tôi có 7 người nhưng còn tồn khoảng 140 xe xoài trên cửa khẩu. Xe ít cũng hơn 800 triệu, xe nhiều lên đến 1,2 tỷ đồng. Chúng tôi năm nay điêu đứng, xong vụ xoài vừa mất Tết vừa kéo nhau đi bụi”.

Đó là chia sẻ của anh Tuấn, chủ vựa xoài tại Định Quán (Đồng Nai) về những gì mình và những người cùng nghề đang gặp phải trong vụ tắc biên “lịch sử” tại biên giới phía Bắc thời gian qua.

Anh Tuấn cho biết, trong nhóm 7 anh em làm xoài xuất khẩu, anh là người chịu thiệt hại ít nhất khi chỉ có 2 xe đang “nằm” ở cửa khẩu chưa thông quan được. Chỉ tính riêng giá trị hàng hoá trên xe là khoảng 1 tỷ đồng/xe, chưa kể tiền cước vận chuyển là 140 triệu đồng/xe.

“Mỗi xe xoài khoảng 30 tấn, giá xoài keo vàng xuất khẩu là 30.000-35.000 đồng/kg. Một xe chỉ còn 1 ngày nữa là nằm trên đó tròn 30 ngày, xe còn lại thì ở đó 25 ngày rồi. Trong khi đó, xoài chỉ bảo quản được khoảng 10-12 ngày là bắt đầu hỏng. Đến thời điểm này coi như là mất trắng, không còn mong đợi vào điều gì nữa”, anh Tuấn thở dài.

Xoài xuất khẩu chứa trong container có nguy cơ hỏng chỉ sau 8-10 ngày nếu không được giao hàng.

Xoài xuất khẩu chứa trong container có nguy cơ hỏng chỉ sau 8-10 ngày nếu không được giao hàng.

Làm hàng hoa quả xuất khẩu cả năm chỉ trông vào sát Tết, anh Tuấn cho hay, bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc của cả nhà đổ hết vào 2 xe xoài. Thế nhưng, lựa hàng, đóng gói, bốc xếp, vận chuyển đến biên giới rồi còn không thông quan được, giờ coi như mất hết.

Theo anh Tuấn, kinh tế hội nhập, thông tin thị trường, hàng hoá lên xuống cũng công khai. Vì vậy, giá giữa vườn, vựa và giá thị trường rất sát nhau. Như bản thân anh khi làm hàng xuất khẩu, mỗi kg xoài sau khi trừ vận chuyển anh chỉ lời 1.000 đồng nhưng những lúc như thế này thì mất trắng.

“Mấy anh em hôm qua ngồi với nhau mà buồn. Làm quần quật bao nhiêu năm, đến giờ sau 1 vụ xoài thì mất hết. Người ít như tôi cũng mất khoảng 2 tỷ đồng, người nhiều thì còn khoảng 40 xe đang trên đó. Chúng tôi nói đùa với nhau rằng, sau vụ này vừa mất Tết vừa rủ nhau đi bụi đời hết chứ có còn gì đâu”, anh Tuấn bày tỏ.

Xe xoài trị giá hàng tỷ đồng bị thối hỏng do tắc biên quá lâu.

Xe xoài trị giá hàng tỷ đồng bị thối hỏng do tắc biên quá lâu.

Tích cóp và vay mượn mua chiếc xe container với giá 2,2 tỷ đồng để vận chuyển hàng xuất khẩu, anh Hiệu (trú tại Bắc Giang) cho hay, mỗi chuyến hàng từ Nam ra Bắc, giao thành công qua cửa khẩu, anh nhận về được tiền lời vào khoảng 20 triệu đồng.

Thế nhưng, vì vụ tắc biên kéo dài cả tháng qua, không những anh không nhận được tiền công vận chuyển mà còn phải bù lỗ khoảng 60 triệu đồng.

“Tôi vận chuyển xe xoài từ Đồng Tháp lên Lạng Sơn với tiền công là 86 triệu đồng. Chủ vựa mới thanh toán 20 triệu đồng để lấy chi phí đi lại nhưng tôi đã chi ra tổng cộng 80 triệu rồi. Giao hàng xong họ còn không thanh toán nốt vì phía bên kia báo là hàng hỏng”, anh Hiệu nói.

Theo phân tích, với tiền công vận chuyển 86 triệu đồng này, nếu chạy một mạch từ Đồng Tháp lên Lạng Sơn mất khoảng 18 triệu tiền dầu cả đầu cái và kho lạnh; tiền dịch vụ bốc xếp từ vựa lên xe mất khoảng 7,5 triệu đồng; thuê 1 tài xế đi cùng với giá 6 triệu đồng; phí cầu đường là 5 triệu đồng; 7-8 triệu đồng tiền thuế nộp tại cửa khẩu; 4 triệu đồng tiền ăn uống, thuốc, nước cho 2 người; tiền bến bãi mất 400.000 đồng/ngày…

Hàng tỷ đồng "bốc hơi" theo xe xoài vì tắc biên.

Hàng tỷ đồng "bốc hơi" theo xe xoài vì tắc biên.

Tuy nhiên, thay vì 2-3 ngày như trước kia thì hiện tại, xe anh nằm 15 ngày mới thông quan được. Mỗi ngày chi phí mất khoảng 2 triệu đồng tiền bến bãi, tiền dầu, tiền ăn và sinh hoạt. Khi được thông quan, giao hàng thì bên kia báo hàng hỏng. Vì vậy, chủ vựa họ không trả tiền công cho anh.

“Mang xe đi chở hàng, nằm cả nửa tháng trời ở cửa khẩu với hàng loạt chi phí, tốn kém nhưng xong xuôi, vừa không lấy được tiền vừa bù lỗ mất gần 60 triệu đồng. Nhiều anh em lái xe như tôi còn không gọi được cho vựa, quay đầu bán xe xoài 1 tỷ đồng được có 50 triệu vì thối, hỏng mất 4/5 rồi”, anh Hiệu thở dài.

Tính đến chiều 25/12, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 4.204 xe, trong đó có 2.924 xe hoa quả tươi (hoa quả nóng 551 xe, hoa quả lạnh 2373 xe), tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh.

Hàng nghìn xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu.

Hàng nghìn xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu.

Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và lái xe, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định miễn phí điều trị cho lái xe không may nhiễm Covid-19 và tiếp tục giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giảm giá nhiều loại dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh.

Trong đó, giảm 20% giá dịch vụ xe ra, vào bến xe đối với tất cả các loại phương tiện từ 25/12/2021 đến 31/3/2022 tại cửa khẩu Tân Thanh.

Bãi xe Bảo Nguyên cũng điều chỉnh, thu bằng 80% (giảm 20%) mức giá lưu tại bến xe 2 ngày/đêm đầu tiên; từ ngày/đêm thứ 3 đến ngày thứ 10 thu bằng 50% (giảm 50%). Từ ngày/đêm thứ 11 trở đi thu bằng 30% (giảm 70%).

Doanh nghiệp cũng phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh cung cấp miễn phí nước sạch đóng bình và mì ăn liền cho toàn bộ lái xe trong trong thời gian xe hàng bị ùn ứ ở cửa khẩu.

Nguồn: [Link nguồn]

Xót xa hàng nghìn xe hàng nằm chờ ở cửa khẩu, hoa quả đổ đống rẻ như cho

Hình ảnh hàng nghìn chiếc xe nằm chờ ở cửa khẩu, hoa quả thối hỏng chất thành "núi" do chờ quá lâu chưa thông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN