Chủ vựa mít như “ngồi trên đống lửa”, mỗi xe hàng quay đầu mất trắng nửa tỷ đồng

“Tính đến hôm nay, nhà tôi có gần 20 xe phải quay đầu và khoảng 10 xe nữa không qua được vẫn đang chờ ở cửa khẩu. Mỗi xe vào khoảng nửa tỷ đồng tiền hàng, hơn trăm triệu tiền thuê vận tải, giờ quay đầu là coi như mất trắng”.

Đó là chia sẻ của chị Nông Thị Thuý, chủ vựa trái cây Tiến Phát (Tiền Giang), người đang ngồi trên đống lửa và phải chịu lỗ gần 10 tỷ đồng trong vòng chưa đầy 1 tháng do tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Theo chị Thuý, mỗi xe hàng phải quay đầu, chị đã phải chịu lỗ hơn 100 triệu tiền cước vận tải, chưa kể từ 300-500 triệu tiền hàng trên xe. Có những xe chờ lâu quá, hàng hỏng, chị phải thuê xe tải chở đi đổ. Mất cả chì lẫn chài.

Hàng nghìn xe hàng nằm trong bãi chờ thông quan tại Lạng Sơn. (Ảnh: Nông Thuý).

Hàng nghìn xe hàng nằm trong bãi chờ thông quan tại Lạng Sơn. (Ảnh: Nông Thuý).

“Mít đẹp, tôi mua tại Tiền Giang là 18.000 đồng/kg, mít loại B là 10.000 đồng/kg. Thuê người đóng hàng, bọc hàng, thuê xe chở ra Lạng Sơn mất hơn 100 triệu. Có những xe nằm trong bãi chờ thông quan mất khoảng 20 ngày rồi quay đầu bán tống bán tháo tại Việt Nam với giá vài nghìn đồng/kg. Cả xe mít 400-600 triệu bán được 70-80 triệu, chưa đủ cả tiền cước xe”, chị Thuý phân tích.

Với gần 20 xe hàng quay đầu, 2 xe phải đổ bỏ hoàn toàn vì thối hỏng và 10 xe còn nằm trong bãi chờ thông quan, chị Thuý ước tính thiệt hại mất khoảng gần 10 tỷ đồng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.

“Bình thường, mỗi ngày vựa nhà tôi đóng từ 4-6 container mít xuất khẩu nhưng cách đây 2 tuần thì tôi cho dừng hẳn khi nghe tin hàng ùn ứ tại cửa khẩu. Chính tôi cũng phải bay ra Lạng Sơn để giải quyết hàng hoá, cùng mẹ tôi dỡ hàng chục tấn mít bán tại chỗ gỡ gạc tiền cước xe. Ngày hôm qua, xe hàng 500 triệu mà tôi bán được 43 triệu đồng. Xót xa lắm mà không làm gì được”, chị Thuý thở dài.

Mỗi xe hàng quay đầu, chưa kể thối hay hỏng, chị Thuý mất luôn nửa tỷ đồng. (Ảnh: Nông Thuý).

Mỗi xe hàng quay đầu, chưa kể thối hay hỏng, chị Thuý mất luôn nửa tỷ đồng. (Ảnh: Nông Thuý).

Hơn 4 năm làm mít xuất khẩu, có được ít vốn liếng nhưng sau vụ này, chị Thuý cho biết mình mất cả vốn lẫn lãi, trường hợp xấu hơn thì phải gánh thêm nợ nần.

Ngồi bên đống mít chất cao quá người, chị Huỳnh Thị Thanh cho biết, xe mít này của chị chờ 22 ngày không thông quan được phải quay đầu. Mỗi quả mít chị mua tại Tiền Giang có giá khoảng 200.000-300.000 đồng nhưng hiện đang ngồi bán chỉ 40.000 đồng/quả. Mít thì lỗ đến ¾, chưa kể tiền vận chuyển hơn 90 triệu đồng.

“Năm ngoái dịch bệnh nhưng hàng vẫn qua được, nếu có tắc thì lâu lắm cũng chỉ 1-2 ngày. Năm nay thì có xe nhà tôi nằm ngoài bãi sắp tròn 25 ngày rồi. Phía bên Trung Quốc lo ngại biến chủng mới nên làm gắt gao, không thể qua được nữa. Sau vụ này khéo vựa tôi phải đóng cửa, ôm thêm một đống nợ ngập đầu”, chị Thanh lắc đầu ngán ngẩm.

Chờ thông quan quá lâu nhiều xe hàng bị thối hỏng phải đổ bỏ hàng chục tấn. (Ảnh: Nông Thuý).

Chờ thông quan quá lâu nhiều xe hàng bị thối hỏng phải đổ bỏ hàng chục tấn. (Ảnh: Nông Thuý).

Theo Tổng Cục Hải quan, Tính đến sáng ngày 21/12/2021, tổng lượng xe tồn tại 03 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe.

Cụ thể tại cửa khẩu Hữu Nghị tồn 1.389 xe. Trong đó: chờ xuất khẩu 183 xe, Bãi trung chuyển hàng hóa 1.206 xe, chủ yếu là mặt hàng Mít, Thanh Long, ván bóc, linh kiện điện tử.

Tại cửa khẩu Tân Thanh tồn 2.456 xe. Trong đó: tồn tại Bến xe Bảo Nguyên 930 xe, Bãi xe Cốc Nam 252 xe, Khu phi thuế quan 1.124 xe, mặt hàng chủ yếu là Dưa hấu, Thanh Long, Chuối xanh, Mít, Xoài.

Tại cửa khẩu Chi Ma tồn 616 xe, chủ yếu là mặt hàng tinh bột sắn.

Các khu vực bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển.

Việc ùn tắc hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) và tỉnh Quảng Ninh (Móng Cái) như nêu trên theo đánh giá nguyên nhân chủ yếu do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường…

Xe nối đuôi nhau chờ thông quan tại Lạng Sơn. (Ảnh: Nông Thuý).

Xe nối đuôi nhau chờ thông quan tại Lạng Sơn. (Ảnh: Nông Thuý).

 Đặc biệt có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn. Trong đó, yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chìa và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 02 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 03 ngày/lần.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Đông Hưng có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0h ngày 21 tháng 12 năm 2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới, Tổng Cục Hải Quan đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành hữu quan phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc.

Bãi chờ la liệt xe chưa thể thông quan.

Bãi chờ la liệt xe chưa thể thông quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 2 nước đẩy mạnh phòng dịch Covid-19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản, hoa quả như thời gian vừa qua.

Với Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan đề nghị đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Trung Quốc dừng mọi hoạt động thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng?

Từ 0h ngày 21/12, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tạm dừng mọi hoạt động thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN