Về quê khởi nghiệp, cô gái 9X xứ Thanh có doanh thu nửa tỷ đồng/tháng

Từ niềm đam mê đặc biệt với công việc nấu nướng, chị Giang vừa có thể chăm sóc con cái, gia đình, vừa có nguồn thu nhập nhiều người mơ ước.

Là cô giáo dạy nấu chè và đồ ăn vặt nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với hàng nghìn học viên, chị Cao Giang (SN1993), trú tại TP. Thanh Hoá (Thanh Hoá) cho biết, bản thân chị có niềm đam mê công việc nấu nướng, bếp núc nên suốt 4 năm học Đại học, chị Giang chỉ “chăm chăm” đi làm thuê kiếm tiền.

“Công việc làm thêm suốt quãng thời gian học Đại học của tôi ở Hà Nội lúc nào cũng liên quan đến bếp núc. Mới đầu thì đi bán chè thuê với mức thù lao 500 nghìn đồng/tháng, sau thì đi làm lễ tân, bưng bê, chạy bàn quán phở, nhà hàng với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng”, chị Giang kể.

Đam mê nấu ăn, bếp núc nên công việc đầu tiên chị Giang làm sau khi về quê là nấu chè để bán.

Đam mê nấu ăn, bếp núc nên công việc đầu tiên chị Giang làm sau khi về quê là nấu chè để bán.

Sau khi ra trường, trải qua các công việc khác nhau như làm sale, mở cửa hàng kinh doanh đồng hồ, chị Giang nhận ra những công việc này không phù hợp với bản thân mình và quyết định về quê.

Đặc biệt, khi lấy chồng và có bầu 3 tháng, lúc cơ thể bị nghén, phải gác lại mọi công việc để nghỉ ngơi. Ở nhà buồn vì không có việc gì làm nên chị tâm sự với chồng và quyết định nấu chè để bán.

“Mới đầu quyết định bán chè, tôi cũng sợ nấu không ngon, bán không ai mua nhưng chồng tôi luôn động viên, cổ vũ và bảo, dù phải đổ đi 10 nồi chè thì anh vẫn sẵn sàng đầu tư cho tôi nấu”, chị Giang chia sẻ.

Được chồng ủng hộ như vậy, chị Giang tiến hành đăng bài lên các hội nhóm chị em văn phòng để gom đơn rồi nấu. Lần đầu tiên chị bán được 52 cốc với giá 10 nghìn đồng/cốc.

Từ những đơn hàng vài chục cốc/ngày, chị Giang đã nhận được đơn đặt hàng với hàng trăm cốc chè/ngày.

Từ những đơn hàng vài chục cốc/ngày, chị Giang đã nhận được đơn đặt hàng với hàng trăm cốc chè/ngày.

“Sáng chồng đi làm thì tôi ở nhà mua bưởi về lấy cùi, hì hục làm. Chiều chờ chồng đi làm về thì hai vợ chồng đi ship. Vì mới khởi nghiệp nên chưa tự tin mua máy dập cốc, có lần chè đổ tung toé, mồ hôi ướt đẫm áo nhưng vẫn động viên nhau cố gắng”, chị Giang cho hay.

Giao hàng xong, chị lại nhắn tin hỏi ý kiến từng người để rút kinh nghiệm, đồng thời học hỏi dần để nâng cao tay nghề. Đồng thời chị cũng đầu tư 1,5 triệu đồng để mua máy dập cốc, cốc nhựa, nồi, muôi và một số nguyên liệu nấu chè.

Quãng thời gian đầu, chị cho biết mình không nhớ phải đổ đi biết bao nhiêu nồi chè không đạt chất lượng. Có những hôm 2-3 giờ sáng vẫn lụi cụi trong bếp nấu chè để bán mặc dù bụng bầu. Sinh con xong 4 tháng chị lại quay lại bán tiếp.

Hàng loạt các món chè hấp dẫn được chị Giang làm để bán và chia sẻ công thức với nhiều chị em khác.

Hàng loạt các món chè hấp dẫn được chị Giang làm để bán và chia sẻ công thức với nhiều chị em khác.

Từ việc chỉ bán một món duy nhất là chè bưởi, chị Giang còn nấu thêm chè dừa dầm, chè thập cẩm và một số món chè khác. Một tuần chị gom và trả đơn 3 lần, mỗi lần là một loại chè khác nhau.

“Mọi người ăn ngon rồi bảo nhau cùng đặt. Nhiều công ty đặt một lúc 30-40 cốc cho các chị em. Ngoài món chè nấu phải thật ngon và hợp khẩu vị thì những khách đặt nhiều như thế mình không chiết khấu gì cho họ mà sẽ mua thêm túi xoài, túi ổi hay túi cóc tặng kèm để “lấy lòng” khách”, chị Giang cho hay.

Từ vài chục cốc/ngày, chị Giang dần dần bán được hàng trăm cốc, thậm chí có đợt cao điểm, chỉ từ 7-11 giờ sáng, chị vừa trông con vừa bán được 400 cốc chè, cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Từ việc bán chè, chị Giang vừa có thể chăm con vừa có thêm thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Từ việc bán chè, chị Giang vừa có thể chăm con vừa có thêm thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Ngoài bán chè, chị còn làm thêm bánh bao để bán, đồng thời chia sẻ những video, bài viết về cách nấu những món ăn ngon hàng ngày chị nấu cho gia đình ăn, thu hút một lượng lớn khách hàng quan tâm, theo dõi.

Bán chè được khoảng 2 năm thì dịch Covid-19 ập tới, công việc của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ hoặc không có việc làm. Khi đó, nhiều chị em từng là khách ăn chè của chị Giang ngỏ ý muốn chị chia sẻ cách nấu chè để tự nấu ở nhà hoặc mở cửa hàng bán. Vì vậy, chị Giang bắt đầu mở bán khoá học dạy nấu chè online.

“Tôi quay video, chia sẻ công thức chuẩn từng gram, các bước nấu chè cho học viên. Khoá đầu tiên có 7 người, học phí chỉ 300 nghìn đồng/người. Công việc nhẹ nhàng mà kiếm được nhiều tiền hơn nấu chè nên tôi nghỉ luôn bán chè để đi dạy”, chị Giang kể.

Từ khoá học chỉ vài người nhưng mọi người học rồi làm theo, thấy hay nên lại chia sẻ cho nhiều người khác nên lớp của chị Giang ngày một đông. Đến nay, chị đã có khoảng 100 khoá học online, dạy nấu chè và các món ăn vặt với chi phí từ 99-500 nghìn đồng/khoá và đào tạo được khoảng 22 nghìn học viên.

Chị Giang đã chia sẻ công thức nấu chè và các món ăn vặt cho hàng nghìn học viên qua các khoá học online.

Chị Giang đã chia sẻ công thức nấu chè và các món ăn vặt cho hàng nghìn học viên qua các khoá học online.

Không chỉ mở các khoá học nấu chè và đồ ăn vặt có tính phí, chị Giang còn chia sẻ nhiều video, bài viết và công thức nấu những món ăn ngon hàng ngày.

Đầu năm 2023, chị Giang chính thức mở công ty thực phẩm, đầu tư nhà xưởng với số vốn khoảng 3 tỷ đồng để sản xuất và phân phối các loại nước sốt phở nấu từ xương ống bò tươi như nước sốt phở bò, nước sốt phở gà, nước sốt bún bò Huế với giá bán 39,5 nghìn đồng/gói.

Theo chị Giang, mỗi gói nước sốt phở có thể nấu được từ 4-5 tô phở hoặc nấu các loại canh, phù hợp với các chị em văn phòng bận rộn có thể tối ưu hơn trong việc nấu ăn.

Sản phẩm nước sốt phở được nhiều khách hàng đón nhận, trung bình, mỗi tháng doanh nghiệp chị Giang bán được khoảng 13.000 sản phẩm, mang lại doanh thu gần 500 triệu đồng.

Sản phẩm nước sốt phở được chị Giang bán ra thị trường đầu năm 2023.

Sản phẩm nước sốt phở được chị Giang bán ra thị trường đầu năm 2023.

“Sau 10 năm làm việc online từ đi làm thuê cho đến làm chủ công việc của mình, theo tôi thì bài học đắt giá đầu tiên là niềm tin. Chúng ta tin chúng ta làm được thì khó khăn mấy cũng cố gắng tìm cách vượt qua. Khi chúng ta cho phép mình được thử thì cơ hội sẽ đến và ngược lại.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch cụ thể về công việc mình làm, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng trước, sau đó lựa chọn sản phẩm phù hợp. Trên hết là bán hàng từ tâm và trách nhiệm. Đặc biệt, tìm cho mình một người đồng hành để chia sẻ, động viên trước những áp lực”, chị Giang bày tỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

9x làm mâm cơm 5 món cho 2 người ăn chỉ với 20 nghìn đồng gây tranh cãi

“Tôi chưa từng tin mình có thể nấu liên tục 5 mâm cơm, mỗi bữa 20 nghìn đồng cho 2 người ăn. Vậy nên, tôi tự đưa ra thử thách cầm 20 nghìn đồng đi chợ xem thế nào”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp với số vốn nhỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN