Sản phẩm chưa ra mắt, startup vẫn gọi vốn thành công 1 triệu USD

Sự kiện: Khởi nghiệp

Với các con số mới chỉ dừng lại ở sự giả định nhưng giấc mơ đi kèm tham vọng lớn, dự án của Nguyễn Tiệp thuyết phục thành công Shark Hưng gật đầu rót vốn cả triệu USD.

Thương vụ gây chú ý nhất trong tập 9 đến từ dự án Mạng xã hội du lịch Astra của Nguyễn Tiệp. Startup gửi đến nhà đầu tư lời mời 1 triệu USD cho 10% cổ phần với tham vọng chiếm 5% thị phần du lịch online toàn cầu và trở thành một trong những công ty công nghệ du lịch hàng đầu thế giới và khu vực trong vòng 5 năm tới.

Nguyễn Tiệp - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Astra giới thiệu đây là mạng xã hội đầu tiên có công nghệ trả thưởng cho người dùng, áp dụng công nghệ Blockchain để minh bạch trả thưởng. Hiện, Nguyễn Tiệp hiện chiếm 28% cổ phần, các Co-founder còn lại chiếm 24% cổ phần. Dự án cũng nhận được vốn góp từ nhà đầu tư thiên thần với tổng số 100 nghìn USD cho 6% cổ phần công ty.

Nói tiếp về dự án, Nguyễn Tiệp cho biết ứng dụng của Astra hiện tại vẫn đang đóng trên cả CH Play lẫn App store. Startup giả định trong vòng 3-6 tháng, Astra sẽ cán mốc 200 nghìn users và ước lượng nếu bỏ ra 5 USD để lôi kéo được một người dùng thì doanh nghiệp sẽ thu về được khoảng 50 USD/ mỗi user.

Giải thích lý do có được mức giá trên, Nguyễn Tiệp dùng cách tính của các công ty lớn: “Năm 2014 Facebook mua WhatsApp thì họ định giá 55 USD/user, bọn em cũng dựa trên nền tảng đó nhưng ở đây, mạng xã hội Astra là cả hệ sinh thái về ngành du lịch thế giới. Em ước tính sẽ kiếm được 50 USD/user”.

Dù chưa ra mắt, startup này đã gọi vốn thành công 1 triệu USD.

Dù chưa ra mắt, startup này đã gọi vốn thành công 1 triệu USD.

Quan điểm này ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ “cá mập công nghệ” Dzung Nguyễn: “Bạn đang đốt tiền cho user, còn user của WhatsApp là vào tự nhiên. Với số user đấy, Facebook có thể kiếm tiền được bất cứ lúc nào. Instagram đóng góp rất lớn trong mảng doanh thu quảng cáo với một lượng lớn người dùng nhảy từ Facebook sang Instagram. User đấy là đang kiếm tiền cho Instagram. User của bạn thì ngược lại, bạn phải trả tiền để kêu gọi họ đóng góp cho cộng đồng của bạn chứ không phải user mà bạn kiếm tiền được”.

Trình bày thắc mắc của nhà đầu tư về sự khác biệt của công nghệ Blockchain áp dụng vào Astra so với các nền tảng khác, Nguyễn Tiệp cho hay: “Với hệ thống Blockchain của bọn em, tất cả đều được mã hóa dù chỉ một comment nhỏ, trừ khi người dùng yêu cầu hệ thống xóa thông tin đấy thì sẽ có việc xóa bỏ. Chưa có hệ thống OTA nào tương tự sử dụng công cụ này trong việc trả thưởng”.

Dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu Blockchain nên cho rằng đây vẫn là công nghệ của tương lai, Shark Bình đưa ra đánh giá: “Tại thời điểm hiện nay trên thị trường bản thân công nghệ Blockchain nói chung chưa đi vào thực tế, chưa có công ty ứng dụng Blockchain nào thành công thực sự trừ các cơn sốt ảo về Coin. Bản thân công nghệ Blockchain vẫn còn đang phải đi chứng minh nó. Một lời khuyên ở đây là hãy tập trung vào các Spint point thực sự của xã hội. Khi chúng ta làm startup, thị trường và nhu cầu thị trường mới là cái quan trọng nhất”.

Quay trở lại với tham vọng chiếm 5% thị trường OTA toàn cầu, Nguyễn Tiệp chia sẻ: “Agoda hay Tripadvisor là những công ty nổi tiếng nhất của du lịch bây giờ đang chiếm 35 tỷ USD/năm. Em chỉ ước tính chúng ta chiếm 5% trong số đó thôi như là Booking chẳng hạn, họ chỉ là phương tiện để book phòng hay là Tripadvisor có hệ thống đánh giá nhưng không khách quan”. Mạng xã hội của Astra sẽ thu hút user bằng cách cho họ điểm thưởng và ngoài doanh thu đến từ quảng cáo, Astra sẽ có thêm các dịch vụ booking…

Cách làm xây dựng mạng xã hội dựa trên giả định thưởng và cho tiền user của Astra khiến các nhà đầu tư khá băn khoăn. Shark Bình một lần nữa lên tiếng cho rằng đây là mô hình đã được làm từ cách đây 20 năm và tất cả mô hình kinh doanh kiểu ấy đều tạo ra rất nhiều rác và phiền toái.

Do đó, vị cá mập này là người đầu tiên đưa ra lời từ chối đầu tư vào Astra và nhận xét mô hình trả thưởng mà Astra hướng đến ngay từ đầu là không khả thi, không bền vững. Hơn nữa, mức định giá 10 triệu USD của nhà sáng lập Astra đưa ra khiến nhà đầu tư không thể chấp nhận được. Đồng quan điểm, lần lượt Shark Dzung Nguyễn, Shark Việt và Shark Liên tuyên bố rút lui.

Thương vụ thành công bằng cái bắt tay giữa startup và shark Hưng.

Thương vụ thành công bằng cái bắt tay giữa startup và shark Hưng.

Bày tỏ sự quan tâm đến dự án, Shark Hưng yêu cầu đầu tư 100 nghìn USD cho 5% cổ phần, phần còn lại đổi lấy 15% nhưng 900 nghìn USD chỉ được giải ngân khi mô hình kinh doanh của Astra được các chuyên gia đánh giá tin cậy.

Trước lời đề nghị này, Nguyễn Tiệp có chút lưỡng lự. Startup thương lượng nhà đầu tư có thể nhượng bộ 1 triệu USD cho 15%, với 200 nghìn USD cho 5%, 800 nghìn USD cho 10% tiếp theo.

Hai bên rơi vào cuộc cò kè mặc cả về giá, vị cá mập này nói: “Số tiền này chỉ để các bạn ăn bánh mì, nước lọc thôi chứ đừng nghĩ startup. Cái này để các bạn tồn tại, kéo dài hơi thở thêm một thời gian nữa để suy nghĩ việc này”.

Cuối cùng, trước sự dồn ép của “cá mập”, Astra và nhà đầu tư đã tìm thấy nhau ở ngưỡng 1 triệu USD cho 15% cổ phần, trong đó 200 nghìn USD cho 5%, 800 nghìn USD cho 10% cổ phần còn lại.

Ước mơ biến cỏ thành tiền, startup đã khiến “cá mập” giành giật quyết liệt

Với mong muốn lan tỏa tinh thần sống xanh và phát triển bền vừng đến cộng đồng, startup này khiến các dàn cá mập ra giành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN