Vì sao Trường Gateway không để giáo viên liên lạc trực tiếp với phụ huynh?

Trường Gateway quy định phụ huynh không được lấy số điện thoại cô giáo chủ nhiệm và ngược lại, cô giáo cũng không có số của cha mẹ học sinh. Điều này khác với các trường khác. Vì sao trường Gateway lại không để giáo viên liên lạc trực tiếp với phụ huynh như vậy?

Phụ huynh và giáo viên liên lạc qua phần mềm

Trong buổi trao đổi với báo chí ngày 7/8 tại trường Gateway (Hà Nội), ông Trương Tất Thành - Trưởng ban phụ huynh lớp Tokyo, nơi có bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe cho hay ở ngôi trường quy định phụ huynh không được lấy số điện thoại cô giáo chủ nhiệm và ngược lại, cô giáo cũng không có số của cha mẹ học sinh. Trường có ứng dụng riêng trên điện thoại và yêu cầu phụ huynh tải về trong ngày khai giảng. Mọi thông tin về học sinh sẽ được trường thông báo qua mạng nội bộ này.

Điều này cho thấy mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh rất lỏng lẻo. Cách kết nối của Nhà trường này với các bậc phụ huynh cũng khác với những trường khác là giáo viên thường sẽ liên hệ với phụ huynh qua điện thoại khi có việc cần.

Phụ huynh trường Gateway chỉ nắm được thông tin của con qua phần mềm, không cho lấy số điện thoại của giáo viên. Ảnh TL

Phụ huynh trường Gateway chỉ nắm được thông tin của con qua phần mềm, không cho lấy số điện thoại của giáo viên. Ảnh TL

Có nhiều ý kiến chia sẻ rằng, chính sự thiếu chuyên nghiệp trong việc quản lý học sinh của nhà trường và có lẽ một phần cũng vì giữa lái xe, cô đưa đón học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp với phụ huynh không có sự liên kết chỉ được liên lạc qua phần mềm riêng, khiến thông tin học sinh kẹt trên ô tô bị chậm trễ.

Tại sao lại không để cho phụ huynh và giáo viên tương tác trực tiếp với nhau mà phải thông qua một phần mềm? Thời đại công nghệ thông tin, ai cũng có điện thoại bên mình mà không áp dụng vào để có tiện ích chăm sóc trẻ quả thật là đang đi ngược lại sự phát triển của xã hội.

Có thể qua phần mềm vẫn có sự trao đổi về tình hình của con nhưng không hẳn phụ huynh nào cũng rành về phần mềm. Hơn nữa, cách thức liên lạc này việc nắm bắt tình hình học sinh không hề được đảm bảo do phải qua quá nhiều khâu trung gian, khó có thể sát sao với các con. Và đôi khi vì sự chậm trễ mà có thể gây hậu quả đáng tiếc như việc này.

Trên thực tế, việc liên hệ của giáo viên với phụ huynh là rất quan trọng. Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh tốt sẽ là điều lý tưởng trong phối hợp giáo dục trẻ.

Sự tương tác giữa phụ huynh và giáo viên rất quan trọng

Nhìn nhận về sự việc đau lòng này, Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP HCM) cho rằng, sự việc đau lòng khiến trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe cho thấy một tinh thần tắc trách, vô trách nhiệm của cả ban giám hiệu, giáo viên lẫn người tài xế. Các tài xế khi lái xe chở học sinh cũng phải được huấn luyện các kỹ năng quan sát để biết về hành vi của trẻ trên xe. Còn các giáo viên bắt buộc phải nắm rõ về số lượng trẻ mà mình đưa đón.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, việc liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh sẽ mang lại nhiều điều: Giáo viên nhắc nhở, tư vấn cho phụ huynh biết cách hỗ trợ con tại gia đình. Giáo viên trao đổi với phụ huynh về các hành vi, thái độ và phản ứng (ngoan và chưa ngoan) của trẻ bộc lộ tại lớp để phụ huynh nhận biết, qua đó có các biện pháp tác động kịp thời. Giáo viên cũng nói lên được các cảm xúc của mình và phụ huynh cũng có thể trao đổi với giáo viên về các cảm xúc, từ đó tìm được sự động viên, chia sẻ lẫn nhau, giúp cho việc giáo dục trẻ có hiệu quả hơn.

"Trên thực tế, thì nhiều khi giáo viên cũng không thiết tha lắm việc có số của phụ huynh và phụ huynh có số của giáo viên. Cứ hình dung trong giờ học mà điện thoại của hàng chục phụ huynh cứ réo gọi để hỏi về "cục cưng" của mình thì giáo viên sẽ "tụt huyết áp" luôn ấy chứ. Quan trọng là cần sự tương tác giữa phụ huynh và giáo viên và điều đó có "trong sáng" không. Nhưng nhìn chung thì đây là một tai nạn do thiếu kỹ năng và sự quan tâm của người lớn với trẻ em" – chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho hay.

Đồng quan điểm, một giáo viên chủ nhiệm trường Tiểu học Tây Mỗ đã chia sẻ rằng, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, phụ huynh và cô giáo là rất quan trọng. Tất cả những cuộc trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh đều là chiếc cầu nối hỗ trợ hiệu quả cho việc giáo dục con trẻ.

Khi có kết nối, trẻ mới đón nhận được sự quan tâm thường xuyên giúp trẻ phát triển tốt nhất, đặc biệt là với bước vào lớp 1 cần sự phối kết hợp giữa phụ huynh và giáo viên ngay từ những ngày đầu. Mục tiêu giáo dục cho trẻ là giáo dục toàn diện, hướng đến hình thành nhân cách cho trẻ rất cần có sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường để dõi theo sự phát triển của trẻ từng ngày.

Bởi trẻ khi đến trường, mỗi ngày thời gian trẻ ở với giáo viên sẽ nhiều hơn với bố mẹ. Trung bình, mỗi đứa trẻ sẽ có khoảng 6 giờ mỗi ngày tiếp xúc với giáo viên ở trường. Họ chính là người có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sự phát triển về nhân cách, trí tuệ của trẻ. Thông qua giáo viên, cha mẹ sẽ biết được con mình ở lớp ra sao, học tốt hay kém môn nào, cần bổ sung kiến thức ở môn gì, hoạt động nào…

Việc trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và chân tình với giáo viên cũng giúp phụ huynh nắm bắt tình hình sức khỏe của con ở trường. Ngược lại, qua cha mẹ, giáo viên cũng biết được hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục ở nhà cùng một số tính cách, sở trường riêng của từng em để uốn nắn và dạy trẻ phù hợp.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo nóng vụ học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe

Liên quan đến vụ bé 1 học lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe của trường, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đồng loạt lên tiếng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN