Làm thế nào giúp trẻ thông minh?

Sự kiện: Dạy con

Người ta cho rằng trí thông minh là rất cần thiết cho trẻ, là một thành phần quan trọng mà các bậc phụ huynh mong muốn trẻ có được để có tương lai xán lạn, thành công sau này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra di truyền không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến trí thông minh. Ước tính chỉ có 40 - 60% trí thông minh là do di truyền, các yếu tố quan trọng khác như: môi trường sống, sự hỗ trợ của gia đình cũng giúp cho trẻ đạt tới tiềm năng của mình. Một số hỗ trợ khoa học có lợi trong việc giúp bé thông minh hơn mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng cho trẻ như sau:

1. Tiếp xúc sớm với âm nhạc

Các nghiên cứu cho thấy nghe nhạc có thể giúp bé tăng cường trí nhớ, phát triển khả năng ngôn ngữ, sự tập trung, mục tiêu

phấn đấu và học tập tốt hơn. Howard Gardne, cha đẻ của thuyết trí thông minh đa dạng đã khẳng định có mối liên hệ giữa khả năng âm nhạc và khả năng lý luận không gian, đặc biệt là toán học. Ngoài ra, âm nhạc cũng giúp tinh thần bé luôn thư giãn, thoải mái, phát huy trí tưởng tượng, sự tự tin và cộng hưởng với mọi người xung quanh, qua đó phát triển óc sáng tạo và sự tự tin. Cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận sớm với âm nhạc, tham gia các lớp âm nhạc hay các buổi văn nghệ ở lớp học sẽ mang lại những lợi ích cho trí thông minh của trẻ.

Làm thế nào giúp trẻ thông minh? - 1

2. Khuyến khích tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục vốn có lợi cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Với trẻ em, tập thể dục không chỉ giúp bé phát triển về thể chất mà còn hoàn thiện về trí não. Nếu tập thể dục mang lại cho người lớn tinh thần minh mẫn và tràn đầy năng lượng thì với bé, nó không chỉ có tác dụng phát triển về thể chất, còn làm tăng lưu lượng máu đến não và xây dựng các tế bào não mới qua đó hoàn thiện về trí não. Nghiên cứu về con người thực hiện tại Đức đã phát hiện ra rằng người ta học từ vựng nhanh hơn 20% so với trước khi tập thể dục. Chế độ tập luyện kéo dài 3 tháng làm tăng lưu lượng máu đến vùng tập trung vào trí nhớ và học tập lên 30%. Sự tăng dung lượng, diện tích não bộ này tỉ lệ thuận với sự phát triển trí tuệ ở trẻ.

3. Đọc sách cùng trẻ

Đọc sách cùng trẻ gây cho trẻ sự chú ý đến các từ. Đọc sách cùng trẻ giúp xây dựng kỹ năng đọc của trẻ. Với trẻ đang tập đọc, đừng để trẻ chỉ nhìn chăm chú vào những bức ảnh trong khi cha mẹ đọc tất cả. Đọc sách cùng trẻ là phương tiện hiệu quả nhằm thúc đẩy khả năng biết chữ sớm ngay cả đối với những trẻ có vấn đề. Đối với trẻ lớn hơn đây là một cách giúp trẻ khám phá và giải đáp các thắc mắc về thế giới. Giúp trẻ tự đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời cũng hỗ trợ bé rất nhiều trong việc học ở trường.

4. Tập thói quen ngủ đúng giờ

Ngủ đủ giấc cho cơ thể cơ hội nghỉ ngơi, não bộ sắp xếp các thông tin, bổ sung hóa chất để có thể hoạt động tiếp ngày hôm sau. Thức khuya và đi ngủ không đúng giờ giấc có thể làm trẻ kém thông minh do nhịp sinh học của cơ thể bị rối loạn và khả năng tiếp nhận thông tin mới bị suy yếu. Đi ngủ không đúng giờ rất phổ biến khi trẻ 3 tuổi. Cứ 5 trẻ có 1 trẻ ngủ không đúng giờ. Nghiên cứu về ảnh hưởng của giấc ngủ với não bộ, thu thập thông tin thói quen giấc ngủ ở trẻ 3, 5, 7 tuổi và nhận thức về không gian đối chiếu với điểm kiểm tra các bài tập đọc, làm toán. Kết quả là những trẻ không bao giờ đi ngủ đúng giờ có điểm số thấp hơn hẳn trong các bài kiểm tra đọc, làm toán và nhận thức về không gian so với các trẻ ngủ đủ giờ và có xu hướng cộng dồn, càng đi ngủ không đúng giờ hoặc trễ giờ điểm số càng thấp. Những yếu tố góp phần ảnh hưởng là trẻ có hoàn cảnh gia đình kém thuận lợi, thường không được cha mẹ đọc sách hay kể chuyện cho nghe vào giờ đi ngủ và hay xem tivi nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài ngoài ảnh hưởng đến khả năng học tập còn ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi sau này khi trưởng thành. Để trẻ em phát huy tốt nhất khả năng của mình, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có một giấc ngủ đêm đủ và thật ngon.

5. Rèn luyện tính kỷ luật

Kỷ luật có nghĩa là dạy trẻ hành vi ứng xử thích hợp, giúp trẻ thấu hiểu mỗi hành động của trẻ đều đi kèm với kết quả, hậu quả nhất định. Tính kỷ luật để giúp trẻ sống thích hợp chứ không phải là một biện pháp kiểm soát trẻ. Các nghiên cứu cho thấy sức mạnh ý chí là một thói quen quan trọng nhất cho thành công cá nhân.Trẻ có năng lực ý chí cao có thể đạt điểm cao hơn trong lớp học và được xếp vào những lớp chuyên, trường chuyên nhiều hơn. Trẻ ít nghỉ học hơn, dành ít thời gian hơn để xem truyền hình và dành nhiều giờ làm bài tập về nhà hơn. Tính kỷ luật cũng giúp dự đoán sẽ cải thiện điểm số của trẻ trong suốt năm học, trong khi IQ cao đơn thuần thì không thể. Tùy theo độ tuổi của trẻ, ba mẹ luôn cần chiến thuật cụ thể, hình thức kỷ luật trẻ thích hợp khi trẻ hành xử không đúng.

6. Học đi đôi với hành

Học tập là một quá trình không chỉ đọc mà phải trải nghiệm bản thân.  Khuyến khích trẻ thực hành thói quen học tập tốt từ khi còn nhỏ là một trong những điều quan trọng nhất phụ huynh cần làm.

Học tập thực ra không chỉ là quá trình tiếp thu thụ động, mà là một quá trình đang hoạt động. Bộ não của trẻ phát triển để học bằng cách làm việc, không đơn thuần bằng cách đọc và nghe. Đây là lý do nên dành thời gian cho trẻ trải nghiệm thay vì chỉ tiếp thu thụ động. Có thể lưu ý nguyên tắc 2/3. Muốn ghi nhớ một đoạn văn, tốt hơn hết là dành 30% thời gian để đọc, và 70% thời gian trải nghiệm bản thân về kiến thức đó. Được trải nghiệm cuộc đời cũng là cơ hội để các em ý thức được tầm quan trọng của việc học tập và quyết tâm nỗ lực cố gắng hơn nữa trong các lĩnh vực hoạt động của bản thân. Vì thế, trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần cho trẻ có cơ hội trải nghiệm và kiểm chứng, tập tính tự lập, sự dũng cảm, hình thành những kỹ năng xã hội cần thiết cho cuộc sống như tinh thần tập thể, làm việc theo nhóm. Từ đó giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, năng động, tự chủ và tích cực hơn.

7. Dinh dưỡng ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ

Dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số thông minh, khả năng học tập, sự tập trung, giấc ngủ và hành vi của trẻ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ăn uống ảnh hưởng sự khác biệt trẻ hay ăn thức ăn nhanh có xu hướng đạt điểm số thấp hơn trong một số môn học như toán, khoa học hay bài đọc hiểu. Có hai giả thiết được đưa ra để giải thích cho tác động đối với quá trình học của trẻ. Tình trạng thiếu chất dinh dưỡng đặc biệt như sắt, liên quan đến tiêu thụ thức ăn nhanh, sẽ làm chậm lại một số quá trình trong não bộ. Mất tập trung gây giảm điểm số cũng có thể ảnh hưởng từ sự gia tăng lượng đường và chất béo. Một nghiên cứu khác ở Phần Lan phát hiện những trẻ ăn ít đường và chất béo bão hòa thường có khả năng đọc, viết và hiểu tốt hơn. Những trẻ em ăn nhiều trái cây, rau, cá và ngũ cốc nguyên hạt trong 3 năm đầu đến trường thường làm bài kiểm tra tốt hơn bạn cùng trang lứa có chế độ ăn nghèo nàn. Như vậy, các loại thực phẩm lành mạnh sẽ ảnh hưởng tốt đến não bộ trẻ em. Cho trẻ ăn đúng cách cũng là quan trọng để làm cho bé thông minh. Phụ huynh và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh cho trẻ.

8. Kết bạn tốt

Trẻ học ở bạn bè nhiều hơn cha mẹ. Kết nối với bạn sẽ giúp não trẻ phát triển, bởi vì các tế bào thần kinh kết nối thông qua kết nối xã hội và ngôn ngữ.Học tập thời thơ ấu cũng thường được thúc đẩy bởi các mối quan hệ thân thiết. Chơi với bạn còn là cơ hội cho trẻ thực hành các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, thương lượng, giải quyết mâu thuẫn, ra quyết định. Bạn bè có tác động mạnh mẽ đến trẻ ngay từ thời thơ ấu, khi các giá trị bản thân trẻ vẫn đang được hình thành. Các khảo sát cho thấy những ảnh hưởng bên ngoài như bạn bè đồng lứa có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của trẻ hơn là những bài học kinh nghiệm trong nhà. Nguy cơ bị các vấn đề về hành vi và cảm xúc sớm xảy ra ở những trẻ không có bạn. Ngược lại, tình bạn sớm và mối quan hệ tích cực với các nhóm bạn bè có thể bảo vệ trẻ trước các vấn đề tâm lý sau này. Sống trong một môi trường tốt đẹp, học qui củ và đảm bảo trẻ chơi với bạn tốt có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Như vậy thông minh không phải là một năng lực đơn độc, nó là sức mạnh tổng hợp của nhiều loại năng lực, bao gồm khả năng quan sát, khả năng của trí nhớ, sức suy nghĩ, óc tưởng tượng, kỹ năng thực hành và sáng tạo. Giúp trẻ thông minh hơn từ những điều cụ thể quanh trẻ, những nhân tố liên quan cuộc sống, sinh hoạt, học tập hàng ngày. Luyện tập thành những thói quen tốt ở trẻ để trẻ thông minh hơn đạt nhiều kết quả tốt đẹp như cha mẹ mong muốn.

12 dấu hiệu kỳ lạ cho thấy có thể bạn thông minh hơn mình tưởng

Dù khó tin nhưng chiều cao và trí thông minh lại có mối liên hệ đặc biệt với nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS.CKII. Nguyễn Thị Kim Thoa (Sức Khỏe & Đời Sống)
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN