Gần 200 nghìn tấn gà nhập khẩu về Việt Nam, giật mình giá chỉ hơn 19.000 đồng/kg

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong khi gà công nghiệp trong nước giảm giá thê thảm, xuống chỉ còn 16.000-18.000 đồng/kg thì 195 nghìn tấn gà nhập khẩu vẫn được nhập về Việt Nam, giá dao động từ 19.500-20.000 đồng/kg. Theo Bộ Công Thương, gà nhập khẩu không phải là nguyên nhân khiến gà trong nước giảm giá.

Bộ Công Thương dẫn số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt gà các loại đạt 195 nghìn tấn, trị giá 166,6 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 48% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. 

Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Hoa Kỳ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. 

Thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà (ảnh minh họa).

Thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà (ảnh minh họa).

Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%). 

Bộ Công Thương cho biết, theo dõi số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019, so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. 

Ngược lại, giá gà nhập khẩu có xu hướng tăng khá mạnh từ tháng 6 đến nay. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm là 850 USD/tấn, tương đương 19.500 - 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...). 

Trong khi đó, ở trong nước, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Đối với tỉnh Đồng Nai - là địa phương chăn nuôi trọng điểm về lợn, gà của cả nước, khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà. Tính đến giữa tháng 9/2019, tổng đàn gà của Đồng Nai đạt 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với tháng 4/2019. 

Đáng chú ý, trong khi giá gà nhập khẩu có xu hướng tăng thì gà trong nước lại giảm giá. Tại các tỉnh phía Bắc, vào thời điểm giữa tháng 9, giá gà chuyên thịt nuôi công nghiệp, nguyên lông dao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg (quy ra giá thịt gà khoảng 37.000 - 39.000 đồng/kg), giảm 3% so với cùng kỳ 2018. 

Giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông màu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ - giảm 35 - 40% so với cùng kỳ 2018, xuống còn 16.000 - 18.000 đồng/kg. 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát. 

Việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và tháng 9/2019. 

Theo Bộ Công Thương, số liệu thống kê chứng minh rằng, vào thời điểm giá gà tại khu vực ĐôngNam Bộ sụt giảm mạnh (trong tháng 8 và tháng 9) thì lượng thịt gà nhập khẩu cũng đã giảm từ trước đó mấy tháng (giảm dần từ tháng 6). 

Giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9/2019 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ. 

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi vì việc chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn khá hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp. 

“Như vậy, việc nhập khẩu thịt gà không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá gà công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian qua. Dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào”, Bộ Công Thương cho hay.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến cáo, các hộ, các cơ sở chăn nuôi cần cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. 

Lo gà nhập khẩu đánh bật gà nội, Cục trưởng Chăn nuôi nói “không sợ”

“Dù trong khó khăn, chúng ta vẫn phải có niềm tin sẽ làm được. Thực tế là thịt gà Việt Nam đã được xuất khẩu sang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN