Áo phao cứu sinh “cháy” hàng, tiểu thương chợ mạng tự ý tăng giá gấp đôi để kiếm lời

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khoảng 1 tuần trở lại đây, các mặt hàng đồ bảo hộ dưới nước đặc biệt là áo phao được “săn lùng” và nhanh chóng trở thành hàng hiếm chỉ trong vài ngày. Nhiều tiểu thương chợ mạng đã lợi dụng thời cơ tự ý tăng giá gấp đôi để kiếm lời.

Các tỉnh thành miền Trung nước ta đang trải qua giai đoạn khó khăn khi phải đối diện với thiên tai, bão lũ. Trước tình trạng này, nhiều nhà hảo tâm không chỉ quyên góp tiền mà cả thực phẩm, vật phẩm thiết yếu ủng hộ người miền Trung. Trong đó, phao; áo phao được coi là một trong những đồ dùng mang tính sống còn trong cuộc chạy đua với lũ.

Các đơn vị từ thiện và nhiều cá nhân tìm mua hàng nghìn chiếc áo phao để ủng hộ bà con miền Trung. (Ảnh: Hà Hoàng Anh)

Các đơn vị từ thiện và nhiều cá nhân tìm mua hàng nghìn chiếc áo phao để ủng hộ bà con miền Trung. (Ảnh: Hà Hoàng Anh)

Khoảng 1 tuần trở lại đây, áo phao trở thành mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất. Song ngay cả khi có tiền, nhiều người cũng khó có thể mua được áo phao số lượng lớn vào thời điểm này. Trên các trang mạng xã hội, tập thể, cá nhân các nhà hảo tâm liên tục kêu gọi, tìm kiếm những địa chỉ bán đồ bảo hộ uy tín, không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn bán đúng giá để mua ủng hộ bà con chống lũ.

Theo ghi nhận của phóng viên, mức giá trung bình của một chiếc áo phao cứu hộ dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/chiếc. Trước mùa lũ, đây không phải mặt hàng phổ biến, chủ một cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cho biết, anh thường chỉ nhập khoảng vài trăm chiếc chiếc áo phao để bán lẻ trong 4 – 5 tháng.

Ngay sau khi xuất hiện rầm rộ nhiều nhóm tình nguyện, tấm lòng hảo tâm gom áo phao số lượng lớn để giúp đỡ bà con miền Trung, các cửa hàng nhanh chóng nhập thêm, thậm chí, áo phao còn xuất hiện tràn lan trên các trang thương mại điện tử.

Một chủ cửa hàng đồ bảo hộ ở Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Tại cửa hàng chị, ao phao cỡ người lớn (cỡ 5 – 6) đã bán hết trong 2 đợt đầu, hiện cửa hàng đang đợi nhập thêm. Trước đó đã có một số đơn vị tới đặt 1000 – 2000 chiếc nhưng vẫn phải đợi khoảng 2 ngày mới có hàng.

Không chỉ nhiều đơn vị hỏi mua, mà mỗi lần mua đều mua số lượng lớn từ 600 – 2000 chiếc, các cửa hàng chuyên dụng khó đáp ứng kịp. (Ảnh: Phước Hạnh)

Không chỉ nhiều đơn vị hỏi mua, mà mỗi lần mua đều mua số lượng lớn từ 600 – 2000 chiếc, các cửa hàng chuyên dụng khó đáp ứng kịp. (Ảnh: Phước Hạnh)

Điều đáng nói, một bộ phận những “con buôn” nắm bắt được thời cơ đã đầu cơ tích trữ áo phao sau đó tự ý tăng giá gấp đôi, gấp ba thông thường, khoảng 100.000 – 120.000 đồng/chiếc. Việc đẩy giá lên phi mã thường được những người này lý giải là hiếm hàng, không nhập được giá tốt…

Anh Nguyễn Việt Anh (27 tuổi, Hà Nội) có chuyến thiện nguyện vào miền trung từ 25/10 nhưng đến nay anh vẫn chưa tìm được nguồn áo phao giá cả hợp lý: “Tôi đã tìm từ đầu tuần nhưng những nơi bán đúng giá đều đã hết hàng, chỉ còn của các tiểu thương trên các trang thương mại điện tử nhưng họ hét giá cao quá. Kinh phí đoàn có giới hạn, nếu đến ngày đi vẫn không tìm được nguồn tốt tôi buộc phải cắt giảm số lượng áo trong đợt này”.

Các cá nhân, đơn vị từ thiện gấp rút tìm nguồn mua áo phao. Nhiều nơi phải cắt giảm số lượng áo do kinh phí cao hơn dự kiến ban đầu.

Các cá nhân, đơn vị từ thiện gấp rút tìm nguồn mua áo phao. Nhiều nơi phải cắt giảm số lượng áo do kinh phí cao hơn dự kiến ban đầu.

Trước diễn biến mưa lũ, bộ Công Thương đã chỉ đạo sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, trong đó tập trung tổ chức các điểm cung ứng và bán hàng bình ổn giá.

Về việc giá áo phao cứu sinh bị thương buôn thổi giá, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (bộ Công Thương) - cho biết, Tổng cục đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá. Đồng thời, yêu cầu các cục quản lý thị trường các tỉnh xảy ra lũ lụt phải tìm các biện pháp để bình ổn giá cả và đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đảm bảo không vì lũ lụt mà tăng giá, gây khó khăn cho người dân vùng lũ. Đặc biệt việc găm hàng, tăng giá các loại thực phẩm, đồ ăn, nước uống, áo phòng hộ, đồ cứu nạn sẽ bị xử lý nghiêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Những đại gia Việt có sở thích... ”đốt tiền” để độ xe

Một bản độ có thể dư tiền để… tậu thêm 1 chiếc siêu xe khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Châu Dương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN