Kiwi liên tục chết dần, thiệt hại tỷ đô nhưng cả nước không tìm ra lý do

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Italia là đất nước sản xuất kiwi lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng trong tám năm qua, nông dân nước này phải chiến đấu với một kẻ thù bí ẩn đã giết chết hơn 20% số cây kiwi trên cả nước.

Căn bệnh bí ẩn bắt đầu với những chiếc lá. Chúng khô héo và nhanh chóng rụng xuống. Trong vòng 10 ngày, tất cả số lá trên cây sẽ rụng khiến trái kiwi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Dưới đất, rễ của cây chuyển sang sẫm màu và bắt đầu thối rữa. Trong một hoặc hai năm, toàn bộ cây sẽ bị khô héo và chết. Hiện chưa có cách xử lý nào được công bố, và vào thời điểm người nông dân bắt đầu nhận thấy các triệu chứng được mô tả ở trên thì đã không thể cứu được những cây kiwi đó nữa. Những người nông dân gọi nó là morìa, hay “chết chóc” do nó đã tàn phá những đồn điền nơi cây kiwi từng phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ và tàn phá nghiêm trọng ngành nông nghiệp thế mạnh của đất nước.

Ngành xuất khẩu kiwi của Italia bị tàn phá nặng nề vì căn bệnh chưa thể giải đáp (Nguồn: Oddycentral)

Ngành xuất khẩu kiwi của Italia bị tàn phá nặng nề vì căn bệnh chưa thể giải đáp (Nguồn: Oddycentral)

Nói morìa là một căn bệnh có lẽ không hoàn toàn chính xác vì các nhà khoa học không thực sự biết tình trạng đó thực sự là gì. Họ đã cố gắng tìm ra thứ đang giết chết cây kiwi kể từ khi hiện tượng này lần đầu tiên được quan sát thấy ở Verona vào năm 2012. Họ đã xem xét nhiều yếu tố khác nhau, từ nấm và vi khuẩn, đến thành phần đất và nồng độ oxy, nhưng tất cả đều không giúp ích được gì trong quá trình tìm ra câu trả lời.

Lorenzo Tosi, nhà nghiên cứu của công ty nghiên cứu Agrea, nói với The Guardian: “Rất khó để nghiên cứu một cái gì đó như thế này. Khi chúng tôi muốn hiểu nguyên nhân của điều gì đó, chúng tôi cố gắng cô lập nó và thử nghiệm. Nhưng điều đó không hiệu quả với thứ bệnh này vì một số yếu tố đang diễn ra. Mọi thứ dường như mâu thuẫn với những căn bệnh thông thường khác.”

Các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều mầm bệnh khác nhau trên những cây kiwi nhiễm bệnh, nhưng không thể phân tích được mầm bệnh nào trong các mẫu vật đó. Nông dân đã thử nhổ những cây kiwi già cỗi và trồng những cây mới vào khu đất của họ. Họ trồng trên đất nguyên sinh và những trang trại hàng chục năm tuổi nhưng cuối cùng thì morìa vẫn quay trở lại.

“Năm nay, mọi cây kiwi đều chết hết”, Corrado Mazzi, một nông dân trồng kiwi từ Verona, cho biết. “Bạn có thể thử tất cả những gì bạn có thể làm nhưng không có gì thay đổi, trong hai hoặc ba năm, bạn sẽ trở lại tình trạng ban đầu.”

Mazzi, và những nông dân trồng kiwi khác quanh Verona, đã thử mọi cách trong vài năm qua. Anh ấy đã nhổ tất cả các cây kiwi của mình vào năm 2015 và trồng cây mới vào năm 2016 và 2018. Anh đã tuân thủ các quy trình canh tác tốt nhất, nhưng morìa vẫn quay trở lại.

Với rất ít câu trả lời được tìm ra, các nhà khoa học đã bắt đầu suy đoán rằng sự nóng lên toàn cầu có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của kiwi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiệt độ lý tưởng để trồng kiwi là từ 25°C đến 27°C, tuy nhiên nhiệt độ mùa hè đã tăng vọt lên 30°C trong những năm gần đây.

Dù nguyên nhân là gì, morìa hiện vẫn đang đẩy nhanh tốc độ tàn phá các đồn điền trồng kiwi và gây ra thiệt hại tỷ đô cho ngành xuất khẩu kiwi Italia. Chỉ riêng ở Verona, nó đã tàn phá 84% diện tích đồn điền và vẫn đang lan nhanh. Các triệu chứng tương tự đã được quan sát thấy ở Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng nó dường như đang di chuyển với tốc độ nhanh hơn nhiều ở Italia. Điều đáng sợ là không ai biết nó là gì hoặc làm thế nào để ngăn chặn nó.

Nguồn: [Link nguồn]

Phun thứ không ai ngờ lên cây lựu, nông dân ”hốt” hàng trăm triệu/năm

Trái cây có thêm thứ này như “hổ mọc thêm cánh”, quả to hơn và hương vị cũng thơm ngon hơn nhiều lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Nguyễn (Theo Oddycentral) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN