Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Lắng nghe tiếng mã đầu cầm, đi xe kéo trên mặt hồ Khuvsgul đóng băng, khám phá cuộc sống du mục của bộ lạc tuần lộc cuối cùng… là những trải nghiệm khó quên trong chuyến đi Mông Cổ đầu năm 2024 của blogger Vinh Gấu.

Mông Cổ - quê hương của vị thủ lĩnh nổi tiếng trong lịch sử thế giới Thành Cát Tư Hãn. Mùa đông ở Mông Cổ kéo dài, thảo nguyên xanh sẽ được tuyết phủ lấp tạo nên khung cảnh đẹp tựa cổ tích. Ngoài cảnh sắc, cuộc sống sinh tồn ở nơi nhiệt độ có thể xuống âm 50 độ C luôn thu hút các tín đồ đam mê khám phá.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 1

“Mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 2) thường là mùa du lịch thấp điểm ở Mông Cổ, vì sự khắc nghiệt của thời tiết. Tuy nhiên, mùa nào cũng có cái hay riêng. Mùa hè sẽ có những thảo nguyên xanh rì mát mắt với những chàng trai Mông Cổ lực lưỡng phi vó ngựa. Mùa đông sẽ là một màu trắng tinh của tuyết, đẹp như xứ sở thần tiên”, blogger Vinh Gấu chia sẻ.

Vậy đến Mông Cổ mùa đông, du khách sẽ được trải nghiệm những gì?

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 2

Ấp ủ dự định đến Mông Cổ, blogger Vinh Gấu đã xăm hẳn hình tuần lộc trên cánh tay trái từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 1/2024 giấc mơ của anh mới thành hiện thực.

Ngay khi vừa đặt chân đến sân bay Thành Cát Tư Hãn (thủ đô Ulaanbaatar), nam du khách Việt đã nhận được thông tin từ tiếng loa phát thanh - nhiệt độ ngoài trời đang là âm 20 độ C.

“Mùa đông ở Mông Cổ tuyết rơi dày, nhiệt độ có khi âm 50 độ C khiến các loài vật sống ở đây cũng phải tìm nơi trú ẩn cho qua mùa rét. Tuy nhiên, đây là thời điểm dễ hơn để gặp bộ lạc tuần lộc nguyên thủy còn sót lại trên thế giới ở Mông Cổ”, anh Vinh cho biết.

Bộ lạc Dukha (còn được gọi Tssaatan) sinh sống ở vùng xa xôi phía bắc Mông Cổ. Họ là bộ lạc chăn tuần lộc du mục cuối cùng trên thế giới. Cuộc sống của người Dukha hoàn toàn phụ thuộc vào việc chăn dắt tuần lộc. Bởi vậy tuần lộc được coi là linh hồn và nguồn sống chính của bộ lạc.

“Tuần lộc mang đến cho người Tssaatan nhiều nguồn lợi. Họ có thể uống sữa tuần lộc, dùng sữa của chúng làm phô mai, dùng da phủ lều giữ ấm hoặc làm da giày. Sừng tuần lộc dùng làm đồ mỹ nghệ, trang trí. Tuần lộc làm phương tiện vận chuyển đồ đạc mỗi khi di cư hay xuống thị trấn… Và gần đây, tuần lộc còn tạo ra nguồn thu nhập cho người trong bộ tộc khi cho du khách trải nghiệm cuộc sống du mục. Bởi vậy hiếm khi người Tsaatan giết hại tuần lộc để lấy thịt bán”, anh Vinh cho hay. Theo CNN, để được chụp hình cùng tuần lộc, du khách sẵn sàng chi trả 2,5 USD cho người dân bộ lạc.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 3

Mỗi mùa trong năm người Tsaatan sẽ cùng đàn tuần lộc di cư đến một nơi khí hậu thích hợp nhất. Tuần lộc là loài vật thích sống ở những nơi mát lạnh. Vào mùa hè họ sẽ đưa tuần lộc vào tận rừng sâu, vùng cao hơn để kiếm ăn. Còn mùa đông, họ đưa chúng ra gần bìa rừng, gần với thị trấn để dễ sống hơn. Vì vậy, vào mùa hè, chỉ có cưỡi ngựa khoảng 9-10 tiếng mới vào được tới nơi di cư của bộ lạc ở sâu trong rừng. Mùa đông, khi nhiều con sông, mặt hồ bị đóng băng, xe ô tô địa hình có thể chạy thẳng vào tới bìa rừng nơi họ di cư và chỉ mất khoảng 2 tiếng từ ngôi làng Tsagaan Nuur gần đó.

“Ngồi trên chiếc xe bon bon trên con đường tuyết giữa không gian rộng lớn, không một bảng chỉ dẫn, chạy xe hàng chục cây số mới thấy một mái nhà hay trại gia súc, tôi tự hỏi: “Nếu không phải đi với người bản địa, làm sao tôi có thể tự đến đây được cơ chứ?”. Cậu em người Mông Cổ nói rằng: “Chú đã lái xe khu này hơn 20 năm nay rồi, anh đừng lo” khi thấy tôi vẫn cứ lo lắng vì không biết mình đang ở đâu giữa không gian rộng lớn và chỉ có một màu trắng xóa của tuyết, liệu mình có đi đúng đường không, nhỡ chuyện gì xảy ra ở nơi chạy xe cả ngày trời mới gặp một xe hướng ngược chiều,… Thôi thì, cậu em mình đã nói vậy rồi thì cũng yên tâm ngồi tận hưởng vẻ đẹp mùa đông của nơi này”, blogger Vinh Gấu nhớ lại.

Kể từ khi hạ cánh xuống thủ đô Ulaanbaatar, đến ngày thứ 5 du khách Việt mới tiếp cận được với bộ lạc tuần lộc người Tsaatan. Quãng đường khoảng 1000km, tuyết rơi dày cộm, những đoạn bắt đầu rẽ từ đường nhựa lớn để hướng vào khu rừng chẳng khác nào… chơi trò tàu lượn.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 4

““Tới rồi kìa!” - tôi thốt lên khi thấy chiếc lều tam giác nhọn nhọn thường thấy trên phim ảnh về Mông Cổ. Bao nhiêu mệt mỏi cho chặng đường dài tan biến, tôi xuống xe và bước đến khu lều ấy. Ông chú Davaajav chống chiếc gậy, đứng dậy và bắt tay chào mọi người”.

Với việc phải di cư nhiều lần trong năm, dân du mục ở đây thường sử dụng các loại lều dễ tháo gỡ, lắp đặt. Đơn giản nhất là lều ortz hay còn gọi là teepes. Loại thứ hai là lều Gor hay còn gọi là Yurt. Loại này có dáng lều hình tròn, trần thấp và có không gian sinh hoạt rộng hơn ortz. Dù là kiểu lều nào, bên trong luôn có bếp củi để giữ ấm và là nơi để cả gia đình sum vầy vào những ngày đông lạnh giá của vùng miền Bắc Mông Cổ.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 5

Cuộc sống của bộ lạc Tsaatan ngày càng “khởi sắc” hơn khi có sự hỗ trợ của một số phương tiện hiện đại. Những chiếc lều giờ đã có tấm pin năng lượng mặt trời, có chảo vệ tinh để xem truyền hình. Tuy nhiên, người dân vẫn giữ được những nét độc đáo riêng biệt về tập tục, văn hoá và những nét bí ẩn của quá khứ.

Do sự thay đổi khí hậu của Trái Đất và sự phát triển của xã hội, bộ lạc tuần lộc Tsaatan đang đối mặt với nguy cơ biến mất. Số lượng người trong bộ lạc hiện chỉ còn khoảng 300 - 400 người. Hiện tại chính phủ Mông Cổ đang hỗ trợ mỗi người trong gia đình từ trẻ đến già một khoản tiền mỗi tháng để góp phần giúp họ bảo tồn bộ lạc.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 6

Khi đã tới được bộ lạc tuần lộc, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị. Ngồi sưởi ấm trong chiếc lều ấm áp, vừa hơ tay trên bếp, vừa ngắm cảnh rừng thông lá kim phủ tuyết xa xa. Khung cảnh trở nên cổ tích hơn khi những chú tuần lộc đi ngang qua, dừng lại dùng chân để đào lớp tuyết ra khỏi mặt cỏ, rồi cúi xuống gặm lấy gặm để. Khung cảnh bình yên và thú vị khiến du khách quên bẵng đi sự lạ lẫm ban đầu.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 7

Đàn tuần lộc sinh sống và được thuần dưỡng trong môi trường tự nhiên nhưng du khách dễ dàng tiếp cận và chụp ảnh kỷ niệm. Tinh ý một chút, bạn sẽ dễ dàng nhận ra đàn tuần lộc đang thay sừng, chỉ vài con trong đàn là sừng còn nguyên vẹn. Những chiếc sừng rụng đi sẽ được người dân tô vẽ lên nhiều hoa văn độc đáo và bán cho khách du lịch.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 8

“Khách du lịch dưới 70kg có thể tham gia trải nghiệm cưỡi tuần lộc quanh làng dưới sự hỗ trợ của người Tsaatan. Cá nhân tôi thì không khuyến khích hoạt động này, vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của tuần lộc, bạn có thể đi bộ cùng chúng quanh khu làng cũng rất thú vị”, nam blogger hài hước chia sẻ.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 9

Ngoài ra, khi đến với Mông Cổ, du khách còn có nhiều trải nghiệm thú vị như ngồi xe ngựa kéo trên mặt hồ băng Khuvsgul hơn 2 triệu năm tuổi rộng lớn. Mỗi xe kéo sẽ có khoảng 4 người và do người nài ngựa điều khiển.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 10

Khám phá bức tượng cưỡi ngựa bằng thép cao nhất thế giới tại Quần thể tượng Thành Cát Tư Hãn và còn được biết thêm về lịch sử và văn hóa Mông Cổ.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 11

Thưởng thức giai điệu từ loại đàn ngựa (Mã đầu cầm) truyền thống của Mông Cổ và cách hát bằng cuống họng cực ấn tượng. Nhắc đến cách hát độc đáo này, không thể không nhắc tới The HU, một rock band nổi tiếng của Mông Cổ.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 12

Khám phá suối Jargant ở gần làng Tsagaan Nuur ih, chiếc suối không bao giờ đóng băng dù có âm 50 độ C. Nước suối rất trong và mát.

Hay khám phá suối Bahdag cũng không đóng băng. Nhưng có điều lạ thú vị đó là nếu bạn hát hoặc huýt sáo đủ lớn, các bọt nước ở suối sẽ sủi lên. Âm lượng càng lớn, độ sủi càng nhiều.

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 13

Đi xe chó kéo: mỗi xe 2-3 người và được kéo bởi hơn chục chú chó trên mặt sông băng 2-3km. Trước khi bắt đầu, bạn sẽ được hướng dẫn cách vận hành chiếc xe, cách lái, cách thắng xe lại,… Loài chó này không phải gốc Mông Cổ mà đến từ nhiều nơi như là Alaska, Phần Lan…

Xuất hành đầu năm: Xuyên rừng tuyết, đến làng nuôi tuần lộc tách biệt với thế giới - 14

Hành trình đến làng tuần lộc Mông Cổ tuy vất vả nhưng đem lại nhiều trải nghiệm có một không hai. Bạn sẽ không thể nào quên cái lạnh giá buốt cả chân tay, những khoảnh khắc thả mình trên lớp tuyết dày cộm, hay lần đầu tiên trong đời được chạm vào những chú tuần lộc, mục sở thị cuộc sống du mục đơn sơ nhưng lại ẩn chứa nhiều bí ẩn của người Tssaatan…

Nguồn: [Link nguồn]

Việc thiếu tuyết dẫn đến các khu trượt tuyết thất thu, nhiều tour nghỉ dưỡng ở dãy núi Himalaya, Ấn Độ bị hủy bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thoa ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN