Những tỉnh nào từng được tách, sáp nhập ở nước ta?

Sự kiện: Quiz

Từ năm 1975 đến nay, những tỉnh này trải qua nhiều giai đoạn thành lập, giải thể, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính địa phương.

1

Bắc Giang và Bắc Ninh từng hợp nhất thành tỉnh nào?

Hà Bắc

Ninh Giang

Bắc Hà

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Năm 1962, Bắc Giang nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Trung tâm tỉnh lỵ đóng ở thị xã Bắc Giang. Tỉnh Hà Bắc gồm 14 huyện và hai thị xã. Theo Báo Bắc Ninh, đề xuất nhập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được thống nhất cao nhưng đặt tên tỉnh mới là gì thì có nhiều ý kiến phân vân. Bởi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều muốn giữ lại một chút tên làm kỷ niệm. Nhưng đặt là Ninh Giang hay Giang Ninh đều không xuôi, không ổn. Khi đó, Bác Hồ đã tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Đình Ngân, người từng đỗ cử nhân năm 19 tuổi, làm đến chức Tham tri (hàm Thứ trưởng hiện nay) trong triều đình Huế, sau năm 1945 đã đi theo cách mạng. Cụ Nguyễn Đình Ngân cho rằng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều có chung chữ Bắc. Chữ ấy có ý nghĩa về lịch sử và địa lý nên giữ lại. Chữ thứ hai cần cân nhắc, tỉnh mới gần thủ đô Hà Nội, quanh thủ đô đã có Hà Đông và Hà Nam, nếu gọi Hà Bắc là thuận. Chữ Bắc nhất định phải để sau để tránh trùng cụm từ Bắc Hà. Bắc Hà trong lịch sử là vùng đất Đàng ngoài, từ sông Gianh trở ra trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm. Sĩ phu Bắc Hà là trí thức Đàng ngoài, sinh ra chủ yếu ở đất Thăng Long và các vùng phụ cận. Sau 34 năm có tên trên bản đồ hành chính Việt Nam, đến cuối năm 1996, Quốc hội đã ban hành nghị quyết tái lập thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Hai tỉnh mới tái lập chính thức hoạt động từ ngày 1/1/1997.

2

Cao Lạng từng là tên gọi của tỉnh nào?

Cao Bằng

Cao Bằng và Lạng Sơn

Bắc Kạn và Cao Bằng

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Cao Lạng là tên gọi của một tỉnh cũ, trên cơ sở hợp nhất Cao Bằng và Lạng Sơn, từ tháng 12/1975. Lúc này, tỉnh Cao Lạng có 20 đơn vị hành chính gồm hai thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và 18 huyện: Bắc Sơn, Bảo Lạc, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Hà Quảng, Hòa An, Hữu Lũng, Lộc Bình, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Thông Nông, Trà Lĩnh, Tràng Định, Trùng Khánh, Văn Lãng, Văn Quan. Tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Cao Bằng. Dân số của tỉnh vào năm 1976 gần 900.000 người với diện tích hơn 13.000 km2. Đến tháng 12/1978, tỉnh Cao Lạng được tách thành hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.

3

Tên gọi Đồng Tháp Mười bắt nguồn từ đâu?

Vùng đất có tháp của vị vua thứ 10

Vùng đất có tháp có 10 tầng

Cả hai ý kiến trên

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Cho đến nay, nguồn gốc của tên gọi Đồng Tháp Mười vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Đa phần học giả đồng ý rằng tên gọi này gồm hai phần chính. "Đồng" là danh từ chung chỉ cánh đồng, vùng đất hoang hóa, ngập nước. Còn "Tháp Mười" lại có nhiều giả thuyết khác nhau. Có người cho rằng ngày xưa vùng này thuộc một quốc gia cổ rất giàu có. Mỗi vua cai trị đất nước đều xây cho mình một ngôi tháp để làm nơi yên nghỉ. Tháp Mười chính là ngôi tháp của vị vua thứ 10. Giả thuyết khác cho rằng ở vùng này có ngôi tháp cổ 10 tầng.

4

Đồng Tháp được sáp nhập từ hai tỉnh nào?

Châu Đốc và Sa Đéc

Sa Đéc và Kiến Phong

Sa Đéc và Kiến Tường

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Đồng Tháp ngày nay là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trên 3.300 km2, nằm hai bên bờ sông Tiền. Đồng Tháp có 50 km đường biên giới với Campchia (phía tây bắc); giáp các tỉnh Long An, Tiền Giang (phần phía bắc sông Tiền); các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và thành phố Cần Thơ (phía nam sông Tiền). Tỉnh Đồng Tháp được thành lập tháng 2/1976 trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ. Ban đầu, 3 tỉnh Long Châu Tiền, Sa Đéc, Kiến Tường được dự kiến sáp nhập thành tỉnh mới. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình thực tế ở miền Nam, nhà nước đã quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất một số tỉnh từ khu 6 trở vào, trong đó tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong cũ được hợp nhất thành Đồng Tháp.

5

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 thành phố trực thuộc?

Đúng

Sai

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 thành phố trực thuộc tỉnh, gồm: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự. Một tỉnh khác của khu vực này cũng có 3 thành phố trực thuộc là Kiên Giang, với thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc. Tính chung cả nước, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước có 3 thành phố trực thuộc vào năm 2011 với thành phố Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí. Năm 2012, con số này nâng lên thành 4 khi thị xã Cẩm Phả lên phành phố. Tương tự, Bình Dương có 3 thành phố trực thuộc vào năm 2020 với thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Đến năm 2023, Bình Dương có thêm thành phố Tân Uyên.

6

Vĩnh Phúc được sáp nhập từ hai tỉnh nào?

Phú Thọ và Vĩnh Yên

Vĩnh Yên và Phúc Yên

Vĩnh Thọ và Phúc Yên

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 1.235 km2, phía bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía nam giáp thủ đô Hà Nội, phía đông giáp huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên), 136 xã, phường, thị trấn. Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

7

Vĩnh Phúc từng sáp nhập với tỉnh nào?

Hà Nội

Phú Thọ

Yên Bái

Lào Cai

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Năm 1968, Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Việt Trì. Sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103 km2, gần 1,3 triệu dân. Các đơn vị hành chính gồm: thành phố Việt Trì, 3 thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã. Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1997. Khi tái lập, tỉnh có diện tích hơn 1.370 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và huyện Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.

8

Tỉnh nào sau đây được tách ra từ Bắc Ninh?

Bắc Giang

Hải Dương

Hưng Yên

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Bắc Ninh xưa là vùng đất bên bờ bắc sông Hồng, đối diện kinh đô Thăng Long, gồm toàn bộ đất đai tỉnh Bắc Ninh bây giờ và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm của Hà Nội; Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên và phần Nam Bắc Giang. Từ thời nhà nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam, Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh. Thời Lý - Trần, vùng Bắc Ninh thuộc lộ Bắc Giang. Đến thời Lê, Bắc Ninh thuộc đạo thừa tuyên Bắc Giang, sau đổi tên thành thừa tuyên Kinh Bắc. Năm 1490, thừa tuyên Kinh Bắc trở thành xứ Kinh Bắc. Đến đầu nhà Nguyễn vẫn gọi là xứ Kinh Bắc, sau đổi là trấn Kinh Bắc. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), trấn Kinh Bắc được đổi tên là trấn Bắc Ninh. Năm 1831, năm Minh Mệnh thứ 12, nhà Nguyễn chia cả nước thành 18 tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh gồm 4 phủ (Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An, Lạng Giang) với 20 huyện (Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương, Yên Phong, Đông Ngàn, Thiên Phúc, Kim Hoa, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lương Tài, Gia Lâm, Văn Giang, Gia Bình, Siêu Loại, Yên Thế, Yên Dũng, Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhãn, Lục Ngạn). Tháng 10 năm 1895, thực dân Pháp chia tỉnh Bắc Ninh thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Nguồn: [Link nguồn]

Ngôi chùa này được xây dựng từ những năm 187 cho đến năm 226 mới hoàn thành. Nếu tính thời gian thì ngôi chùa này đã có ngót nghét gần 1.800 năm tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Quiz Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN