Người Trung Quốc đón tết như thế nào

Sự kiện: Du lịch Châu Á

Cũng như nhiều nước châu Á khác, dịp Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc là một kỳ nghỉ lễ lớn nhất. Họ làm những gì để đón ngày lễ cổ truyền này?

Dọn dẹp nhà cửa

Dọn dẹp nhà cửa là một truyền thống năm mới của Trung Quốc. Nền nhà, tường và mọi góc của ngôi nhà đều được quét, lau sạch sẽ. Trong tiếng Trung, từ "bụi bẩn" có phát âm gần giống với "cũ kỹ" (đều là "chen"), vì vậy mọi người cần phải dọn dẹp cuối năm để xua đuổi những thứ cũ hoặc xui xẻo ra khỏi nhà, và sẵn sàng cho một khởi đầu mới.

Mua sắm

Sau khi dọn dẹp mọi người sẽ đi mua sắm, từ đồ gia dụng tới nội thất mới. Người dân Trung Quốc tin rằng mua các mặt hàng mới tượng trưng cho việc chào đón những điều vui và sẵn sàng cho một khởi đầu tươi sáng hơn. Các loại thực phẩm như thịt, rau, trái cây, kẹo và các loại hạt là những mặt hàng phổ biến nhất dịp này.

Dán giấy cắt lên cửa sổ

Cắt giấy dán cửa sổ là một nét văn hoá cổ truyền từ rất lâu đời và mang đến cho mọi người những lời chúc tốt đẹp. Tất cả những hình dán được cắt trên giấy đỏ, ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống hoặc những mong ước trong năm mới rồi dán chúng lên cửa sổ hoặc đồ nội thất.

 Hình ảnh vị thần cửa

Thần cửa, là một trong những vị thần phổ biến nhất đối với người Trung Quốc cổ đại, thường là 2 vị tướng được phong thần của nhà Đường (618 -907) - Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức. Trong Tết Nguyên đán, mọi người dán hình ảnh của 2 vị thần này lên cửa để xua đuổi tà ma, giữ cho ngôi nhà an toàn và cầu mong vận may đến với gia đình.

Bữa tối đoàn tụ gia đình

Đêm giao thừa là thời khắc đoàn tụ gia đình và đã trở thành thông lệ với mỗi người Trung Quốc. Bất kể các thành viên trong gia đình cách nhau bao xa, họ sẽ trở về nhà cho cuộc đoàn tụ quan trọng nhất năm. Một bữa tối ấm cúng tại nhà với nhiều món ăn không chỉ ngon, mà còn đẹp và mang ý nghĩa tốt lành.

Gala năm mới của CCTV

Gala Năm mới là một sự kiện nghệ thuật và biểu diễn vào đêm giao thừa. Được phát sóng lần đầu tiên vào năm 1983, chương trình này đã trở thành một màn trình diễn được yêu thích bao gồm tiểu phẩm, trò chuyện, các bài hát và điệu nhảy.

Gửi tin nhắn chúc mừng

Các tin nhắn chúc mừng sẽ được gửi trong dịp tết và đặc biệt là vào đêm giao thừa, mọi người gửi lời chào đến người thân, đồng nghiệp và bạn bè qua điện thoại và các trang mạng xã hội.

Tặng lì xì

Phong bao lì xì đỏ còn gọi là tiền may mắn, được người già chuẩn bị cho trẻ em và tặng sau bữa tối đoàn viên. Trong văn hóa dân gian, trẻ em sẽ sống an toàn và khỏe mạnh trong cả năm nếu nhận được tiền lì xì.

Mặc quần áo mới

Người dân Trung Quốc thích mọi thứ mới cho lễ hội, và nhiệm vụ mỗi năm đều có việc mua một bộ quần áo mới cho tất cả các thành viên trong gia đình. Mặc dù một số người lớn không theo phong tục này nữa, nhưng mọi trẻ em đều mặc quần áo mới vào ngày Tết.

Ghé thăm bạn bè và người thân

Một cách đặc biệt để mọi người bày tỏ những lời chúc tốt đẹp cho nhau và một truyền thống năm mới quan trọng của Trung Quốc nữa là đến thăm họ hàng. Mọi người ghé vào nhà của người thân và bạn bè, mang theo quà tặng hoặc lì xì. Ở một số vùng nông thôn, nơi gia đình có nhiều người thân, hoạt động này kéo dài trong vài ngày. Thật là bất lịch sự khi đến thăm một người mà không có một món quà. Do đó, các đặc sản địa phương, trái cây và rượu vang là những món quà rất phổ biến.

Đi chùa đầu năm

Đầu năm đi chùa là một tập quán cũ của phong tục năm mới của Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh. Mọi người đến các ngôi chùa địa phương và cầu chúc mọi điều bình yên, sức khỏe… cho người thân trong gia đình.

Nguồn: [Link nguồn]

Những điểm đến tuyệt đẹp nhưng bí ẩn nhất ở châu Á

Châu Á là một lục địa rộng lớn với rất nhiều nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Từ những công viên quốc gia tuyệt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hàn Ly (Theo travelchinaguide) ([Tên nguồn])
Du lịch Châu Á Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN