Liên tục bị ngân hàng siết nợ, doanh nghiệp của bầu Đức đang nợ bao nhiêu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ trong một thời gian ngắn, ngân hàng đã liên tục thanh lý hàng trăm tỷ đồng tài sản doanh nghiệp bầu Đức làm Chủ tịch để thu hồi nợ vay.

Theo công bố mới nhất từ ngày 15/2 đến 1/3 vừa qua, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã bán xong 25,4 triệu cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Ước tính theo giá đóng cửa bình quân trong khoảng thời gian trên, giao dịch có giá trị hơn 236 tỷ đồng.

Theo đăng ký trước đó, mục đích của đợt bán cổ phiếu HNG là ngân hàng bán để thu hồi nợ.

Sau giao dịch, tỷ lệ cổ phiếu HAG nắm giữ tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) giảm xuống còn 9,4% (tương đương 104,68 triệu cổ phiếu).

Trước đó, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, HAG cũng đã bán 48,1 triệu cổ phiếu HNG với tổng giá trị ước tính đạt gần 468 tỷ đồng, chiếu theo giá đóng cửa bình quân thời gian giao dịch, cũng với mục đích ngân hàng bán cổ phiếu để thu hồi nợ.

Bầu Đức liên tục phải bán bớt cổ phần tại HNG để trả nợ ngân hàng thời gian gần đây

Bầu Đức liên tục phải bán bớt cổ phần tại HNG để trả nợ ngân hàng thời gian gần đây

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của HAGL, tại thời điểm cuối năm doanh nghiệp của bầu Đức đang có hơn 8.286 tỷ đồng vay nợ, giảm 54% so với đầu năm.

Đáng chú ý, doanh nghiệp của bầu Đức có khoản vay nợ ngắn hạn tại Sacombank với dư nợ 500 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản vay dài hạn với các ngân hàng trị giá gần 1.212 tỷ đồng, trong đó hơn 694 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng 1 năm.

Mặt khác, HAG cũng có các khoản trái phiếu được thu xếp phát hành bởi các tổ chức, bao gồm BIDV và Công ty Chứng khoán BIDV lên tới 5.876 tỷ đồng, TPBank (300 tỷ đồng) và Công ty TNHH Chứng khoán ACB (300 tỷ đồng).

Trước đó, bầu Đức đã chia sẻ về kế hoạch giảm bớt những chi phí tài chính của doanh nghiệp để tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo bầu Đức, HAGL hiện xác định hai mục tiêu chính là: Cần vốn đầu tư mạnh cây chuối cùng con heo, và trả nợ ngân hàng.

Do đó, HAGL sẽ bán hết cổ phần HNG để thu hồi tiền về. Mặt khác, HAGL không chủ trương là công ty tài chính, nên việc đầu tư lượng lớn vào cổ phiếu HNG cũng không có nhiều ý nghĩa.

Về kết quả kinh doanh của HNG, trong năm 2021 vừa qua doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận khoản lỗ nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thuần của HNG trong năm 2021 ghi nhận gần 1.199 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn chỉ giảm 26%, dẫn đến tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, khiến Công ty lỗ gộp hơn 453 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí còn lại, HNG lỗ ròng hơn 1.119 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 21 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, lỗ lũy kế của HAGL Agrico lên tới 3.426 tỷ đồng. Khoản lỗ tăng mạnh khiến vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ gần 8.700 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.000 tỷ đồng.

Tại thời 31/12/2021, tổng tài sản của HNG giảm 43% so với đầu năm, chỉ còn ghi nhận hơn 14 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các khoản mục chính yếu như khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định lần lượt giảm mạnh ở mức 70%, 30% và 40%.

Cùng với đó, nợ phải trả của Công ty cũng giảm mạnh 49%, còn hơn 8 ngàn tỷ đồng. Đây là kết quả sau khi công ty đổi chủ từ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức sang nhóm Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Sau đó, Thaco đã cấn trừ nhiều khoản nợ của HAGL Agrico.

Nguồn: [Link nguồn]

Trở lại Top 1000 người giàu nhất hành tinh, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long biến động thế nào?

Với đà tăng mạnh của tài sản trong sáng ngày 3/3, tỷ phú Trần Đình Long trở thành gương mặt thứ 2 của Việt Nam góp mặt trong Top 1000 người giàu nhất hành tinh của Forbes.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN