Shark Tank: Startup "một trời một vực" so với Google gọi vốn 1 triệu USD

Shark Bình đánh giá sản phẩm của startup này đang như “một trời một vực” so với Google.

Vừa qua, Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 5 đã quay trở lại. Cũng như các mùa trước, mùa 5 ghi nhận nhiều startup công nghệ tới gọi vốn. Ở tập đầu tiên, EM & AI với sản phẩm Voicebot AI là một startup nổi bật. Họ đề nghị shark Liên ký quỹ 100.000 USD để thẩm định cam kết đạt KPI trong 2 tháng, nếu không đạt sẽ hoàn tiền.

Hai đại diện của EM & AI là Lê Ngọc Trí - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup EM & AI, và Võ Hữu Trường Ân - phụ trách sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, đến Shark Tank gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần để cung cấp ra toàn cầu giải pháp Voicebot AI tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo.

Đại diện startup EM & AI gọi vốn tại Shark Tank mùa 5.

Đại diện startup EM & AI gọi vốn tại Shark Tank mùa 5.

Theo khảo sát của EM & AI, quy mô thị trường Việt Nam với giải pháp Voice AI là hơn 240 triệu USD. Ngọc Trí cho biết, hiện tại startup này đang đẩy nhanh quá trình R&D và triển khai phiên bản tiếng Anh để cung cấp dịch vụ cho toàn cầu với quy mô thị trường ước tính hơn 23,5 tỷ USD. 

Mới được startup này cho ra mắt từ tháng 3/2022, hiện giải pháp này đã có hơn 30 khách hàng với 10.000 cuộc hội thoại diễn ra mỗi ngày bởi AI. Theo giới thiệu của Trường Ân, một khách hàng bất động sản của EM & AI khi ứng dụng giải pháp này đã giải quyết được khối lượng công việc 1 tháng chỉ trong 2 ngày, từ 7 nhân sự giảm xuống còn 1 nhân sự vận hành, chi phí chỉ còn 20% so với trước đây.

EM & AI đã đóng gói thành công theo dạng AI as-a-service (dịch vụ có sẵn). Hiện tại, startup này đang áp dụng 2 hình thức thu phí: Thu phí định kỳ 6 hoặc 12 tháng và thu phí theo cam kết. Ngoài Voicebot AI, startup này còn cung cấp các giải pháp khác như AI chatbot; Virtual QC đánh giá tổng đài viên qua môi trường điện thoại; giám sát, hỗ trợ nhân viên theo thời gian thực; gắn nhãn và huấn luyện AI.

Qua trải nghiệm, shark Bình đánh giá con bot (robot) nói chuyện chưa được tự nhiên. Ông nghi ngại nếu người dùng phát hiện ra đây là bot sẽ ngay lập tức dập máy, tăng tỷ lệ churn rate (rời bỏ), làm ảnh hưởng xấu đến nhãn hàng. Ông cho rằng, sản phẩm của startup đang như “một trời một vực” so với Google.

Các "cá mập" trong tập 1 của Shark Tank mùa 5.

Các "cá mập" trong tập 1 của Shark Tank mùa 5.

Tranh luận với shark Bình dưới góc độ kỹ thuật, Ngọc Trí cho rằng, khi shark nghe băng thông rộng như dùng ứng dụng thì tần số âm thanh khoảng 48kHz, nghe rất rõ. Trong khi đó, Voicebot AI do EM & AI triển khai là ứng dụng qua môi trường viễn thông, thuộc về băng thông hẹp nên âm thanh bị nén xuống với tần số chỉ còn 8kHz. Nếu chọn một API của Google gắn vào giải pháp và so sánh trực diện 2 giọng, EM & AI tự tin trội hơn một chút.

Để tăng trải nghiệm cho người dùng khi nhận cuộc gọi từ Voicebot, EM & AI đã cho khách hàng toàn quyền thu âm giọng thực của mình dựa trên từng đoạn văn bản phản hồi với khách hàng đầu cuối. Thậm chí khi khách hàng muốn tư vấn chuyên sâu hơn thì giọng bot thu âm chuyển ngay cho người thu để tạo 2 giọng liền mạch với nhau.

Ngọc Trí cho biết thêm, 4 công nghệ hiện có của EM & AI được phát triển dựa trên open source (mã nguồn mở) và hiện tại startup đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ.

Khuyến khích người Việt Nam tự làm chủ công nghệ AI. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT NextTech vẫn lo ngại cuộc chơi AI này không đơn giản cho startup. “Em có thể phát triển đến 98%, nhưng từ 98 lên 99% thì có thể phải đầu tư 100 triệu USD”, shark Bình cho biết.

Shark Nguyễn Hòa Bình.

Shark Nguyễn Hòa Bình.

Shark Liên cho biết, bà muốn công ty bảo hiểm tư nhân có khoảng hơn 30 triệu khách hàng của mình được ứng dụng toàn bộ bằng công nghệ. Do đó bà muốn biết con bot AI này giúp gì cho khách hàng được trải nghiệm nhiều hơn.

Trường Ân cho biết, hệ thống của startup sẽ gửi thông báo cho cấp trên khi khách có dấu hiệu không hài lòng trong cuộc hội thoại với Voicebot AI. Khi đó, cấp trên có thể trực tiếp nghe được cuộc điện thoại và chỉ đạo nhân viên giải quyết. Chỉ sau 1 - 2 giây, nhân viên sẽ nhận được chỉ đạo và giải quyết cho khách hàng.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Ngọc Trí cho biết, EM & AI bắt đầu từ năm 2017 và đây là lần khởi nghiệp thứ 7 của anh. Sau 5 năm, doanh nghiệp này đã “đốt” 1,8 triệu USD tiền mặt, trong đó 40% là tiền từ đội ngũ sáng lập, 60% đến từ các angel investor (nhà đầu tư thiên thần). Ngoài ra, hơn 8 tỷ đến từ hơn 15 giải thưởng trong và ngoài nước, cũng được startup đầu tư cho doanh nghiệp. Đội ngũ founder (sáng lập) đã làm việc không lương trong 5 năm, tương ứng với số tiền khoảng 700.000 USD.

Ngọc Trí cũng tiết lộ, thời gian và chi phí xây dựng giải pháp theo nghiệp vụ cụ thể sẽ tùy thuộc vào cấu trúc, mức độ phức tạp, số lượng kịch bản, tình huống. Nếu nghiệp vụ đơn giản, khoảng 100 intent (trạng thái) sẽ mất khoảng 1 tháng với chi phí khoảng 200 triệu đồng.

Chia sẻ về doanh thu, nhà sáng lập cho biết, năm 2021 EM & AI thu về 500.000 USD từ hợp đồng với một khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, nguồn thu chính của startup đến từ voucher (phiếu mua hàng) của giải pháp AI Self-Service. Tính đến thời điểm tham gia Shark Tank, doanh thu EM & AI đã đạt 330 triệu đồng. Dự kiến cuối năm 2022, doanh thu của startup sẽ đạt 500.000 USD với mục tiêu 1.000 khách hàng. Vốn vận hành hiện tại là 4 USD/phút, chi phí hàng tháng khoảng 45.000 USD. 

Nói về thời gian thu hồi vốn đầu tư, Ngọc Trí cho biết, các shark có 2 hình thức thu hồi vốn. Thứ nhất là đợi startup gọi vốn vòng tiếp theo thì shark sẽ bán cổ phần. Thứ 2 là startup sẽ IPO vào cuối năm 2024. Để IPO thì điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có lãi. Dự tính đến tháng 3/2023, EM & AI sẽ hòa vốn.

Về phía shark Hùng Anh, ông đánh giá, bức tranh tài chính của startup gần như thua lỗ. Nếu tiếp tục đầu tư thêm 1 triệu USD thì sẽ tiếp tục lỗ, startup “đốt” trong 2 năm là sẽ hết. “Cái quan trọng của startup là không hình dung được khi nào mình sẽ có lãi, mình quản lý chi phí ra sao chứ không phải chuyện công nghệ. Công nghệ này anh không làm được thì người khác cũng làm được”, shark Hùng Anh nêu quan điểm.

Tranh luận với shark, Ngọc Trí cho biết, tất cả các công ty đều đang bơm tiền để có người dùng trả tiền. Riêng startup của anh đã tự xây dựng 4 giá trị lõi, chi phí vận hành cực kỳ thấp, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 70%. Ngoài ra, giải pháp của EM & AI chạy được trên tất cả các đám mây trong và ngoài nước như Amazon Web Services, Google,…

Shark Phú cho rằng, đã nghe startup nói nhiều về sản phẩm tuy nhiên bức tranh tài chính chưa sáng sủa để có thể thu hồi vốn. Do đó, ông quyết định không đầu tư.

Đồng quan điểm với shark Phú, shark Hùng Anh cho rằng, dự án này tiềm năng nhưng vì không tin tưởng về mặt quản trị tài chính của startup nên anh quyết định không đầu tư. 

Shark Bình chia sẻ rằng, ông không nghi ngờ gì về việc starup sẽ đạt điểm hòa vốn và có lãi trong vòng 1 - 2 năm tới. Tuy nhiên, ông cho rằng, điều quan trọng nhất trong xây dựng các phần mềm trí tuệ nhân tạo thông minh không nằm ở kỹ thuật mà nằm ở dữ liệu.

Shark Bình nhận định thêm, doanh nghiệp hiện đang nắm được nhiều nhất dữ liệu về âm thanh và giọng nói của người Việt Nam là Facebook, Google, Microsoft,… khi mỗi ngày có hàng tỷ phút gọi của người Việt qua các ứng dụng của những doanh nghiệp này. Với nguồn dữ liệu lớn như vậy thì các doanh nghiệp có thể phát triển ra các con bot hoàn toàn tự nhiên như con người và họ ở gần vạch đích nhất.

Chính vì thế ông quan ngại startup sẽ khó cạnh tranh được về mặt sản phẩm. Đánh giá định giá của startup cao so với các nguy cơ trong tương lai mà người Việt Nam có thể gặp phải trong lĩnh vực dữ liệu nên shark Bình quyết định không đầu tư.

Thuyết phục shark Hưng và shark Liên chốt deal (thương vụ), Ngọc Trí vẫn giữ nguyên mức đề xuất 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên, anh cam kết nếu đến cuối tháng 3/2023, startup không đạt được điểm hòa vốn như đã nói thì anh sẽ trả lại cho shark 2% cổ phần của riêng anh.

Ngọc Trí tiết lộ thêm, dự kiến cuối tháng, EM & AI sẽ chốt một deal khoảng 5 triệu USD cho 25% cổ phần từ một công ty chuyên về công nghệ đã sử dụng giải pháp của công ty. Anh cho rằng, các shark khi đầu tư vào startup sợ nhất là mất vốn, thứ 2 là sản phẩm dễ sao chép thì doanh nghiệp của anh đã khắc phục được hai điểm này. Ngọc Trí cũng cho biết, hiện tại Cen Land cũng đang là đối tác của mình.

Shark Hưng cho rằng, startup nên duy trì mối quan hệ đối tác giữa hai bên. Và shark sẽ kiểm tra lại hiệu quả triển khai trong doanh nghiệp, nghiên cứu để giúp startup có thêm thị trường mới, khách hàng mới. Còn trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam, ông không đầu tư cho startup.

Shark Liên chia sẻ, bà thực sự cần một đội ngũ công nghệ đứng bên cạnh mình. Muốn đi đường dài cùng startup, bà đề nghị đầu tư 1 triệu USD để đổi lấy 35% cổ phần của startup. Khi tái tục được khách hàng, trừ tất cả các chi phí, còn lại tiếp tục cùng sở hữu.

Ngọc Trí vẫn giữ nguyên đề nghị 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên, anh đề xuất shark ký quỹ trước 100.000 USD. Sau 2 tháng thẩm định KPI, nếu không đạt anh sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cho shark. Cuối cùng, shark Liên đồng ý đề xuất này của startup EM & AI.

Nguồn: [Link nguồn]

Shark Tank: Shark Bình cam kết hơn 37 tỉ thổi 9 startup ”lên mặt trăng, sao Hỏa”

Đây đều là các startup đúng khẩu vị của shark Bình là công nghệ và "có long mạch" nên ông quyết định đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN