Shark Tank: Startup biến ánh sáng thành dữ liệu vào "mắt xanh" nữ "cá mập" 9X

Nữ "cá mập" duy nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 6 đã chốt "deal" đầu tiên.

Trong tập 1 của Shark Tank Việt Nam mùa 6, Tràng Nguyễn - Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Ánh sáng số (HuePress) đã đến kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty, tương đương mức định giá là 15 tỷ đồng.

Tràng Nguyễn - Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành HuePress.

Tràng Nguyễn - Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành HuePress.

Tràng Nguyễn tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp tiến sĩ ngành Điện - Điện tử ở Hàn Quốc, và sau đó sang Anh làm cho Viện nghiên cứu LiFi. Anh có 3 năm kinh nghiệm làm việc cho IEEE Standards Association và là thành viên biểu quyết của tổ chức này. Sau khi quay về Việt Nam, Tràng Nguyễn sáng lập nên HuePress. Hiện, HuePress đã có gần 100 sáng chế độc quyền liên quan đến công nghệ LiFi.

LiFi là công nghệ giao tiếp bằng ánh sáng quang học, biến ánh sáng thành dữ liệu. HuePress hiện triển khai các dịch vụ, giải pháp IoT (Internet of Things - internet vạn vật) cho smarthome, hướng đến cung cấp giải pháp toàn diện cho thành phố thông minh.

Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6, Tràng Nguyễn giới thiệu tới các Shark một số sản phẩm ứng dụng công nghệ LiFi do HuePress thiết kế dành cho nhà thông minh và tòa nhà thông minh. 

Để các Shark hiểu rõ thế mạnh khác biệt của công nghệ, sản phẩm, Tràng Nguyễn lấy ví dụ về việc bị mất GPS khi vào tòa nhà, vào tầng hầm. Khi đó, đèn thông minh là điểm mấu chốt để triển khai định vị chính xác trong tòa nhà với sai số 1cm. Một ví dụ khác là ứng dụng trong khách sạn: Khi khách thuê phòng trả tiền, một mã khóa sẽ được chia sẻ qua ứng dụng để khách hàng có thể tùy ý điều khiển toàn bộ thiết bị IoT trong không gian sống.

Sau khi lắng nghe chia sẻ của nam startup, Shark Hưng tổng hợp lại: “Nói nôm na LiFi tức là bạn dùng sóng ánh sáng thay thế cho sóng vô tuyến điện của Wi-Fi. Tức là chức năng của nó thì tương tự như vậy nhưng tất nhiên nó sẽ bổ sung trong một số ứng dụng cụ thể”.

Quay trở lại bức tranh tài chính, Tràng Nguyễn cho biết, tổng vốn đầu tư của HuePress là 13 tỷ 250 triệu đồng. Trong đó, 11 tỷ 300 triệu là tiền huy động cổ phần của các cổ đông, còn lại gần 2 tỷ là tiền vốn vay. Doanh số bán hàng hơn một năm qua là 1 tỷ 835 triệu từ các loại đèn. Còn những phân khúc cao cấp khác đang bán với số lượng rất ít. Hiện tại, HuePress chỉ bán trực tuyến với mục đích giới thiệu sản phẩm, hệ sinh thái tới người dùng.

Shark Hưng nhận định, hướng nghiên cứu này mang lại những lợi ích nhất định như giảm bớt sóng vô tuyến để tốt cho trẻ em và cho trí não, khả năng truyền tải dữ liệu tốc độ cao. Tuy vậy, ông cho rằng công nghệ này còn mông lung, và startup đang trông chờ vào Shark trong việc ứng dụng công nghệ và kinh doanh. Vì thế, mặc dù thích thú với công nghệ này nhưng ở góc độ nhà đầu tư thì ông từ chối.

Shark Hưng cũng khuyên startup nên sống bằng năng lực cốt lõi là phát minh sáng chế, và biến nó thành tiền bằng cách bán sáng chế. “Bạn cứ bán cái này ra tiền thì chắc chắn là sẽ đủ nuôi những sản phẩm còn lại để thành sản phẩm cuối cùng”, Chủ tịch Hội đồng đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners nêu quan điểm.

Shark Bình là người tiếp theo từ chối đầu tư, vì chưa nhìn thấy sự khác biệt của sản phẩm. Cùng quan điểm với Shark Hưng và Shark Bình, Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư.

Hai Shark còn lại đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm lại có những góc nhìn khác. Trong đó, có nữ "cá mập" duy nhất nhận được nhiều sự chú ý là Lê Hàn Tuệ Lâm. Lê Hàn Tuệ Lâm (sinh năm 1994) là Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, từng lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30.

Quỹ Nextrans đã từng đầu tư một công ty tương tự ở Hàn Quốc nên Shark Tuệ Lâm không ngại những rào cản mà ba Shark đã nêu. Tuy vậy, Shark nữ duy nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 6 cũng chỉ ra rằng tính ứng dụng của các bằng sáng chế chưa cao.

Shark Lê Hàn Tuệ Lâm.

Shark Lê Hàn Tuệ Lâm.

“Với kinh nghiệm đã đầu tư ở thị trường Hàn Quốc vào các startup tương tự như thế này, tôi nhận ra một điều ấy là họ gọi vốn không chỉ một lần. Họ sẽ cần gọi những lần tiếp theo, và thường những lần tiếp theo vốn họ gọi rất nhiều để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Để có thể mở rộng thị trường thì những công nghệ mới sẽ cần rất nhiều vốn”, Shark Tuệ Lâm chia sẻ.

Lúc này, Shark Erik Jonsson bất ngờ đề nghị đầu tư 2,5 tỷ và mời Shark Tuệ Lâm cùng tham gia thương vụ này.

Nhận lời Shark Erik, Shark Tuệ Lâm cho biết cô sẽ đầu tư khi startup đạt doanh thu 200.000 USD. Bởi đó là con số có thể chứng minh được thị trường này ở Việt Nam.

Sau khi tham khảo ý kiến từ một nhà đầu tư trước đó, Tràng Nguyễn đã đồng ý với đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty từ Shark Erik và Shark Tuệ Lâm, đồng thời cam kết trong vòng một năm sẽ đạt doanh số là 200.000 USD.

HuePress có sự hậu thuẫn từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Antler và Nextrans.

HuePress có sự hậu thuẫn từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Antler và Nextrans.

Như vậy, thương vụ đã khép lại với việc HuePress có sự hậu thuẫn từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Antler và Nextrans.

Nguồn: [Link nguồn]

”Cá mập” công nghệ Nguyễn Hòa Bình tiếp tục ”săn” startup tại Shark Tank mùa 6

Shark Nguyễn Hòa Bình là một cái tên gây nhiều chú ý trong "bể cá mập" những mùa Shark Tank đã qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN