Loại cổng USB nào hiện đang "nắm trùm" về tốc độ?
Cổng USB-C nào cũng như nhau? Sai lầm, đây là sự thật về USB4 và Thunderbolt 5 mà bạn cần biết.
Cổng kết nối USB-C đã trở nên quá phổ biến, xuất hiện trên mọi thiết bị từ laptop, điện thoại cho đến các phụ kiện công nghệ. Tuy nhiên, chính hình dáng đồng nhất của nó lại che giấu một "mớ bòng bong" các tiêu chuẩn tốc độ khác nhau, khiến người dùng thông thường không khỏi bối rối. Vậy, đâu mới là loại cổng nhanh nhất?
Chuẩn USB nào đang giữ ngôi vương về tốc độ ở thời điểm hiện tại?
Câu trả lời ngắn gọn là USB4 và Thunderbolt 5 là nhanh nhất. Cả hai tiêu chuẩn USB4 (phiên bản 2) và Thunderbolt 5 đều đang giữ ngôi vương về tốc độ, với khả năng truyền dữ liệu hai chiều lên đến 80 Gbps (gigabit mỗi giây). Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có vậy, bởi vì có những khác biệt và lưu ý quan trọng mà bạn cần nắm rõ.
USB4: Nhanh, nhưng cần "xem kỹ hướng dẫn sử dụng"
USB4 là tiêu chuẩn chính thức và phổ biến hơn. Điểm thú vị và cũng là điểm gây nhầm lẫn nhất của nó là sự linh hoạt trong tốc độ.
- Tốc độ sàn (tối thiểu): Để được chứng nhận là USB4, một cổng phải đạt tốc độ tối thiểu 20 Gbps.
- Tốc độ trần (tối đa): Có khả năng đạt tới tốc độ tối đa 80 Gbps.
Điều này có nghĩa là, chỉ vì một thiết bị ghi là có cổng "USB4", không có nghĩa là bạn sẽ nhận được tốc độ 80 Gbps. Nó có thể chỉ là 20 Gbps hoặc 40 Gbps. Để biết chắc chắn, bạn bắt buộc phải kiểm tra bảng thông số kỹ thuật chi tiết của sản phẩm.
Không phải cổng USB4 nào cũng có tốc độ đỉnh cao 80 Gbps.
Thunderbolt 5: Tốc độ đỉnh cao được đảm bảo
Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Thunderbolt 5. Là một công nghệ độc quyền do Intel và Apple phát triển, Thunderbolt 5 mang lại "sự yên tâm" tuyệt đối cho người dùng về độ ổn định. Tiêu chuẩn này bắt buộc mọi cổng Thunderbolt 5 phải có khả năng đạt tốc độ tối đa 80 Gbps.
Biểu tượng hình tia sét "trứ danh" của chuẩn Thunderbolt.
Nếu bạn thấy logo tia sét của Thunderbolt 5 trên một thiết bị, có thể chắc chắn rằng mình đang có được tốc độ truyền dữ liệu nhanh nhất hiện nay mà không cần phải tìm xem bảng thông số kỹ thuật. Nhược điểm duy nhất là Thunderbolt 5 hiện chỉ có trên một số ít thiết bị cao cấp và đắt tiền.
Nhưng tốc độ này có thực sự cần thiết?
Câu trả lời cho hầu hết mọi người là "chưa". Hiện tại, các thiết bị ngoại vi phổ biến như USB flash, ổ cứng di động hay điện thoại thông minh vẫn chưa hỗ trợ tốc độ 80 Gbps. Tốc độ "khủng" này chủ yếu phục vụ cho các nhu cầu chuyên nghiệp và cao cấp như kết nối chuỗi nhiều màn hình 4K/8K cùng lúc, sử dụng card đồ họa gắn ngoài (eGPU) để tăng sức mạnh cho laptop hoặc truyền các tệp video dung lượng cực lớn trong vài giây.
Card đồ họa gắn ngoài với tốc độ Thunderbolt 5.
Nhìn chung, đừng "trông mặt mà bắt hình dong", hình dáng cổng USB-C không cho bạn biết tốc độ của nó. Nếu bạn cần sự đảm bảo về tốc độ cao nhất cho công việc chuyên nghiệp, hãy tìm các thiết b có Thunderbolt 5. Nếu không, USB4 vẫn là một lựa chọn tuyệt vời, miễn là bạn kiểm tra kỹ thông số. Còn đối với các nhu cầu hàng ngày, các chuẩn USB 3.x vẫn hoàn toàn đủ dùng trong thời điểm hiện tại.
Bạn có biết về "sát thủ" giấu mặt trong cổng USB? Chỉ một giây tò mò, toàn bộ máy tính có thể biến thành "cục gạch".
Nguồn: [Link nguồn]
-19/07/2025 15:00 PM (GMT+7)