Xem lại lỗ hổng của U19 Việt Nam trước U19 Nhật
Nhìn vào hai trận thua của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản từ đầu năm 2014 đến nay, có thể thấy các cầu thủ của HLV Graechen còn nhiều việc phải làm để chơi ngang ngửa với đối thủ.
Cùng xem lại điểm yếu của U19 Việt Nam trong hai trận gặp U19 Nhật Bản:
Từ cuộc đối đầu ở giải quốc tế U19 tại TP HCM hồi tháng 1/2014 đến giải U19 Đông Nam Á – Cúp NutiFood 2014, U19 Việt Nam đã có những trận cọ xát hữu ích với U19 Nhật Bản, đội bóng trẻ hàng đầu châu Á.
Được biết U19 Nhật Bản không mang đến giải đấu lần này đội hình mạnh nhất, thiếu một số cầu thủ quan trọng trong chiến thắng 7-0 trước U19 Việt Nam đầu tháng 1. Nhưng học trò của HLV Masakazu lại luôn khiến đối thủ phải dè chừng bởi lối chơi khoa học, kỷ luật và các cầu thủ luôn có kỹ thuật chơi bóng tốt, tận dụng cơ hội hiệu quả.
Trước U19 Nhật Bản, các học trò của ông Giôm đã gặp nhiều khó khăn. Cho dù U19 Việt Nam thể hiện lối chơi tấn công hoa mỹ, các cầu thủ có kỹ thuật tốt và hiểu nhau trong từng bước di chuyển, nhưng người hâm mộ luôn cảm thấy thấp thỏm trước những pha phản công nhanh của đối thủ.
Bởi U19 Việt Nam vẫn thiếu một tiền vệ đánh chặn đích thực trong những pha bóng tấn công của U19 Nhật. Tuy Xuân Trường và Tuấn Anh tạo thành cặp tiền vệ trung tâm ăn ý, nhưng điều họ còn thiếu là khả năng “càn lướt”. Cả 2 đều có thiên hướng tấn công, hỗ trợ tấn công rất hay, nhưng họ chưa phải là những "máy quét" chơi mạnh mẽ từ giữa sân để hỗ trợ phòng ngự.
U19 Nhật Bản luôn là đối thủ đáng gờm của U19 Việt Nam
Một vấn đề khác nằm ở vị trí hậu vệ biên nơi Văn Sơn và Hồng Duy trấn giữ. Hai cầu thủ này hỗ trợ tấn công tốt nhưng khả năng phòng ngự còn phải mài giũa nhiều. Nhìn lại bàn thua thứ hai trong trận thua 0-7 hồi tháng 1 của U19 Việt Nam người ta thấy rõ hơn khi cầu thủ số 5 của Nhật Bản đi bóng từ cánh phải vượt qua hai đến ba cầu thủ Việt Nam rồi căng ngang trước khung thành tạo điều kiện thuận lợi cho Takumi ghi bàn.
Những bất cập ở hàng phòng ngự U19 Việt Nam được tái diễn ở trận thua 2-3 tại giải U19 ĐNÁ trên sân Mỹ Đình ngày 09/09/2014. Ở bàn thua của U19 Việt Nam mà U19 Nhật Bản nâng tỷ số lên 2-1, Hồng Duy đã dâng lên cao và không về kịp tham gia hỗ trợ phòng ngự, để Masaomi ghi bàn trong tư thế đối mặt với thủ môn.
Ngoài ra, người trấn giữ khung thành cũng là mối bận tâm của U19 Việt Nam. Văn Trường hay Minh Toàn còn chơi chưa an toàn trong những tình huống ra vào, hay chống bóng bổng.
Và điều không thể không đề cập đến là thể lực của U19 Việt Nam, các cầu thủ của ông Giôm sẽ cần phải nỗ lực tối đa để chạy đua với đối thủ trong suốt 90 phút, thậm chí cả đá hiệp phụ (hay phân định thắng thua bằng loạt đấu penalty).
Một đội bóng khiến khán giả ngất ngây với những pha tấn công, hay những bàn thắng tuyệt đẹp thôi chưa đủ, điều cuối cùng người hâm mộ cần đó là chiến thắng. Vì thế hàng triệu cổ động viên cả nước đang trông chờ thầy trò HLV Graechen sẽ chơi với hơn 100% phong độ để khắc phục những điều trên khi gặp lại U19 Nhật Bản tại trận CK lúc 19h ngày 13/09/2014, tại SVĐ Mỹ Đình.