V-League 2013: Đi tìm những giá trị cũ
Lượt đấu thứ hai của V-League đã kết thúc, điều đáng mừng là khán giả đến sân khá đông, nhưng người ta đến bởi mong ước tìm lại những giá trị cũ sau một thời bóng đá Việt vật vã suy thoái cùng nền kinh tế.
Lâu lắm rồi sân Pleiku mới đông khán giả đến vậy, xe gửi chen chật kín, trước phòng vé hàng dài người xếp hàng chờ mua. Người hâm mộ chờ xem lại trận “siêu kinh điển” của bóng đá Việt ngày nào giữa Gỗ – Gạch. Thời bóng đá vừa lên chuyên, trận đấu nào giữa hai đội bóng của bầu Thắng và bầu Đức đều căng như dây đàn với số tiền thưởng luôn ở hàng kỷ lục thời điểm đó.
Nhưng, đã có lúc Gạch Đồng Tâm Long An của bầu Thắng không chịu nổi nhiệt khi cả thị trường bóng đá bị phá giá. Gạch rớt hạng, phải chơi ở giải hạng Nhất, Gỗ bơ vơ ở V-League và bầu Đức cũng thấm mệt trong cuộc cạnh tranh tiền thưởng, tiền lót tay nên chỉ nuôi đội bóng ở mức vừa phải.
Bóng đá Việt được xem những cuộc đấu mà đại diện là những đội bóng bị coi là “nhà giàu mới nổi” như Đà Nẵng, Hà Nội T&T dưới sự tài trợ của một ông bầu hay những đội bóng được điều hành bởi những ông cò. Ở đó, khán giả xem bóng đá thì ít, xem chiêu trò và dự đoán xem đằng sau trận đấu là gì thì nhiều.
Thế nên chẳng lạ, khi Gạch trở lại V-League ở mùa này, trận đấu của họ với Gỗ lại được nhiều người quan tâm đến thế. Đơn giản, người ta kỳ vọng vào một trận đấu mà hai bên đều muốn thắng bởi danh dự, cầu thủ đều ra sân bằng tất cả nhiệt huyết và còn bởi, khán giả muốn kiểm chứng xem sự hồi sinh của giá trị cũ đến đâu.
HLV Cho Toon Hwan của Bình Dương đang đứng trước tin đồn bị sa thải
Thật ra những giá trị cũ còn được nhắc nhiều đến bởi sự hiện diện hoặc vắng mặt của những ngôi sao.
Trên sân Gò Đậu của Bình Dương, sau khi bị Đà Nẵng dẫn trước 2 – 0, khán giả đội chủ nhà kìn kìn kéo nhau bỏ về sau khi quá chán nản trước tình cảnh: “Lắm thầy thối ma” của đội nhà. Họ nhắc đến cái tên Philani, một cầu thủ vừa bị lãnh đạo đội chuyển xuống chơi ở giải hạng nhất để nhường chỗ cho những cầu thủ mới mà họ lấy về. Giá trị cũ mà họ mong đợi đã không còn thấy, thay vào đó là những giá trị mới mà lãnh đạo đội bóng thích đã không như mong đợi.
Philani, cầu thủ luôn tận tuỵ với đội bóng, có đạo đức tốt, không ăn chơi, thậm chí đến huấn luyện viên khó tính như ông Lê Thuỵ Hải cũng cảm mến khi nhắc đến cầu thủ này với những câu chuyện, xin giày cũ của đồng đội để cho những trẻ em nghèo ở quê anh chơi bóng. Cầu thủ này luôn là thủ lĩnh trên sân của Bình Dương bởi các cầu thủ khác nể thật sự từ chuyên môn đến tính cách. Nhưng có vẻ như giá trị của Philani đã bị chính những người có quyền, có tiền ở Bình Dương cho rằng đã cũ. Họ gạt phăng Philani để nhường cho những cú chuyển nhượng bom tấn nhiều tỉ đồng để rồi, giờ thì một đội hình đến “bảy ông Tây” nhưng mạnh ai nấy đá, ai cũng thích thể hiện mình khiến đội Bình Dương chỉ kể tên cầu thủ thôi thì như ông kẹ, nhưng khi vào sân thì đá chẳng ra làm sao. Hai trận thua muối mặt ngay đầu mùa giải, những lời đồn về chuyện trảm tướng, nhưng vẫn như mọi khi, chuyện thay huấn luyện viên ở Bình Dương gần như chỉ để lãnh đạo đội bóng có cớ để thanh minh cho thất bại có sự góp phần không nhỏ của họ.
Sự kiện Công Vinh chấp nhận về quê sau năm năm trời làm sao ở khắp phương với những bản hợp đồng tổng số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, cũng được coi là cách để tìm lại giá trị xưa.
Cùng với giá chuyển nhượng một mùa 500 triệu đồng, thậm chí nếu về Sông Lam lương Vinh có khả năng còn không cao bằng nếu ở Ninh Bình. Nhưng ở xứ Nghệ, Vinh có các đồng đội cùng chung tiếng nói, chí ít khi gọi nhau Vinh không phải sửa sang giọng Hà Nội. Ở Sông Lam, Vinh có người đàn anh Hữu Thắng đang làm huấn luyện viên hết lòng giúp đỡ. Và ở Nghệ An, Vinh có được cảm giác của những ngày xưa, ngày mà Vinh phải cố hết sức để thể hiện mình, dành một suất có mặt trong đội hình chính thức trong khi Văn Quyến là nghiễm nhiên. Và Vinh đã làm được điều đó ở hai trận đấu đầu tiên, dù đối thủ không phải là mạnh nhất, nhưng điều ấy đâu quan trọng bằng việc Vinh đã ghi bàn, Vinh được cổ động viên xứ Nghệ ưu ái trở lại và tên Vinh bắt đầu được nhắc.
Đôi khi, những giá trị cũ không thể đo bằng tiền, nó được đo bằng sự phấn khích của người xem và bóng đá Việt đang phải tìm lại những giá trị ấy.