Bầu Đức khó khăn, bóng đá Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Thời gian qua, thông tin về Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cứ ra rả quanh những khoản nợ lớn của ông bầu tên tuổi số 1 làng bóng đá Việt Nam.
Thậm chí là những phần nổi của bóng đá liên quan đến học viện của ông cũng được thông báo là đã thế chấp để vay vốn; hay chuyện nợ lương cầu thủ vốn chưa từng xảy ra ở HAGL cũng được khai thác rất đậm.
Sau lần thay Chủ tịch VFF chủ trì cuộc họp ban chấp hành VFF vào đầu năm 2016, bầu Đức ít xuất hiện chính thức trong các cuộc họp gắn với LĐBĐVN mà ông là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Bản thân ông từ thời điểm đó trở đi ít can thiệp trực tiếp vào những vấn đề ở tổ chức này, dù ai cũng biết trước đó ông là người quyết liệt với việc sa thải HLV Miura và đưa HLV Hữu Thắng lên thay.
Bầu Đức gần đây ít xuất hiện trong các hoạt động bóng đá
Song song với việc ít xuất hiện trong những hoạt động bóng đá, là thời gian bầu Đức bay ra bay vào Hà Nội liên tục. Tất nhiên ai cũng hiểu chuyện sống còn của tập đoàn của bầu Đức là chuyện sống còn của Học viện HAGL – Arsenal JMG, là chuyện sống còn của lứa cầu thủ trẻ đang là một phần bộ khung đội tuyển lẫn đội U.23 Việt Nam…
Nhiều người thắc mắc liệu những khó khăn của tập đoàn mà bầu Đức đang nắm quyền điều hành chính có ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam hay không, bởi ông bầu này có ảnh hưởng rất lớn đến phần nội dung và chất lượng của đội tuyển hiện tại?
Chắc chắn là có, bởi ngay từ khi ông Đức được mời làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, những người ở tổ chức bóng đá đã nhắm đến phần “tài sản” của ông và cả tiếng nói của ông.
Cũng cần phải trở lại trước Đại hội ban chấp hành VFF khóa VII. Thời điểm đấy nếu bầu Đức không có lứa U.19 Việt Nam gây nổi đình nổi đám và không phải là doanh nhân thành đạt có số tài sản lớn trong top đầu quốc gia, ông có lẽ đã không được ông Lê Hùng Dũng kéo vào cho “cùng hội cùng thuyền”.
Đến khi bầu Đức chính thức tuyên bố sẵn sàng làm Phó cho ông Lê Hùng Dũng nếu ông này làm Chủ tịch VFF thì nhiều người tin rằng ông Dũng sẽ đắc cử ở khóa VII. Nguyên do là sự bảo đảm của bầu Đức, bởi ở thời điểm đấy tiếng nói của ông rất giá trị với Liên đoàn và với cả truyền thông.
Cũng nhờ tiếng nói của bầu Đức mà những thành phần muốn “đấu” với ông Dũng vào chiếc ghế Chủ tịch VFF trong tư cách người của Nhà nước, hay người của Tổng cục TDTT, của Bộ VH-TT&DL đều phải suy nghĩ lại, rồi sau đó rút lui để ông Dũng một mình về đích.
Nói bầu Đức từ người có thế đã bị người khác kéo vào cuộc chơi của họ cũng đúng, mà nói bầu Đức muốn dựng một người bạn trong ngành tài chính và thời điểm đấy đang là Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn để cùng nhau làm bóng đá và cùng nhau làm ăn cũng không sai.
Chỉ có điều là bầu Đức rất nhạy trong việc làm ăn và kiếm tiền nhưng trong lĩnh vực bóng đá thì nhiều lúc ông lại ngây thơ, đặc biệt là khi quyết định làm phó cho ông Lê Hùng Dũng. Đấy cũng là lý do “giúp bạn” làm Chủ tịch VFF nhưng có lúc ông bầu này lại phải “phang” thẳng những thành viên “cùng hội cùng thuyền” với mình, đặc biệt là ông Chủ tịch và ông Phó Chủ tịch trực về những điều họ qua mặt ông.
Mãi cho đến khi ông Miura bị dư luận chỉ trích nhiều quá, các thành viên ở thường trực VFF mới dựa lại bầu Đức và trao cho ông cái quyền chủ trì hội nghị bất thường ban chấp hành nhằm biểu quyết việc sa thải HLV Miura để tìm HLV nội.
Bầu Đức đang gặp nhiều khó khăn
Nói chung phần ảnh hưởng của bầu Đức với bóng đá Việt Nam là lớn mà phần ông bị lèo lái cũng không phải là nhỏ. Nguy hiểm nhất là Thường trực VFF có 5 ông, nhưng có đến hai là bầu Đức (Phó chủ tịch phụ trách tài chính) và ông Nguyễn Xuân Gụ (Phó chủ tịch phụ trách truyền thông) đã bị đặt hẳn ra ngoài đến độ có những quyết định của chủ tịch VFF bị đặt dấu hỏi về chuyện vi phạm quy chế và điều lệ Liên đoàn, những chẳng ai dám phản biện cả.
Bầu Đức, người rất hay lên tiếng giờ đã không còn thời gian và đầu óc để nghĩ đến chuyện banh bóng, chuyện nội bộ liên đoàn trong khi Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ thì vừa bị “khóa miệng” bằng một quy chế mà người ta tự hỏi có vi phạm điều lệ khi không thông qua ban chấp hành lẫn thường trực.
Điều nhiều người lo là những người dám phản biện giờ đã bị vô hiệu hóa, hoặc không mặn mà tham gia do phải lo cứu tập đoàn khiến tổ chức bóng đá Việt Nam giờ đây lại có nguy cơ là công ty trách nhiệm hữu hạn 2-3 thành viên, như lời Ủy viên Ban chấp hành VFF Nguyễn Hồng Thanh cảnh báo.