Rao bán nhiều lần bất thành, nhà đầu tư ôm đất vùng ven chờ "sóng mới"

“Đầu tư nhà đất không phải cứ ôm tiền đi mua là có lãi, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ thị trường. Có người lãi hàng tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn nhưng cũng không ít trường hợp “khóc không ra tiếng” vì bán mãi chẳng ai mua.

Đó là chia sẻ của anh Ngô Văn Trọng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) về câu chuyện đầu tư BĐS vùng ven. Hiện anh đang rao bán hơn 1.500m2 đất tại Hòa Bình với giá 4,6 tỷ đồng, dù đã xuống giá 2 lần nhưng vẫn không thể bán. “Có lẽ mình không có lộc đường nhà đất” – anh Trọng nói.

Được biết, đầu năm 2021, sau khi đi xem đất tại một số khu vực ven Hà Nội, anh Trọng nhận thấy tiềm năng của đất nông thôn do nhu cầu nghỉ dưỡng tăng cao nên anh bàn với vợ rút khoản tiền tiết kiệm 4 tỷ đồng và vay thêm một phần để đầu tư đất Hòa Bình. Theo tính toán, thị trường đất ven đô đang sốt, nếu vào đúng nhịp, anh có thể lãi cả tỷ đồng trong thời gian ngắn.

Thị trường BĐS vùng ven chững lại, nhà đầu tư rao giảm giá nhiều lần nhưng vẫn khó thanh khoản

Thị trường BĐS vùng ven chững lại, nhà đầu tư rao giảm giá nhiều lần nhưng vẫn khó thanh khoản

Anh dự tính, sau khi mua lô đất lớn này sẽ chia nhỏ, tách sổ bán lại cho các nhà đầu tư khác. Lợi nhuận thu về trong 1 năm khoảng 1-2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, anh chưa kịp chia lô thì thị trường chững. Đến nay, sau nhiều lần nhờ qua môi giới và nhiều hội nhóm rao bán cắt lỗ nhưng mảnh đất vẫn đang "nằm im" không bán được.

Tương tự, mua căn nhà phố tại khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cuối năm 2019, từ cuối năm 2020, do cần tiền, chị Bùi Thanh Nga (Hà Nội) "khổ sở" vì rao bán mãi không ra được hàng. Chị Nga cho biết, thời điểm chị mua, giá đất khu vực đó đang sôi động. Thực ra, đó là dự án bán khá tốt. Lúc chị nhận nhà, hàng của chủ đầu tư còn vài căn của đợt cuối.

Thế nhưng, tìm hiểu được biết, lý do chị không bán được nhà là do bị cạnh tranh bởi chủ đầu tư. Chủ đầu tư có những chính sách ưu đãi tốt cho việc thanh toán, hỗ trợ vay ngân hàng,... ở đợt bán hàng sau; trong khi đợt mua đầu khách hàng không được hỗ trợ như vậy. Mà ngân hàng không hỗ trợ nhiều nên tính ra giá vốn – gốc sẽ tăng so với giá của chủ đầu tư.

Loạt nhà liền kề cũng khó bán do nguồn cung quá nhiều

Loạt nhà liền kề cũng khó bán do nguồn cung quá nhiều

"Trong khi đó, tâm lý người đi mua luôn thích mua hàng của chủ đầu tư hơn, nên dù giá có thể cao hơn khách vẫn sẽ khó mà chọn mua lại của nhà đầu tư như mình", chị Nga cho biết.

Đó là lý do chị Nga khó khăn “thoát hàng”, thậm chí rao "năm lần bảy lượt" và chấp nhận “cắt lỗ”, giảm lợi nhuận để ra hàng nhưng cũng không thể tìm người mua.

“Quá chán nản, tôi đành bán mảnh đất ở quê để xoay sở khoản vay 2 tỷ đồng ở ngân hàng. Giờ tôi sẽ không bán nữa, để đó chờ thị trường ổn rồi tính tiếp” – chị Nga nói thêm.

Theo khảo sát, nhiều khu vực ven đô Hà Nội, thị trường nhà đất có dấu hiệu giảm mạnh khi giá bị đẩy lên cao và nhu cầu ở thực không nhiều. Phần lớn các nhà đầu tư mua đi bán lại với kỳ vọng hưởng chênh lệch. Khi hết “sóng”, rất nhiều người trong số họ đã “mắc cạn” dù chấp nhận cắt lỗ sâu.

Không chỉ nhà đầu tư, nhiều môi giới cũng ngán ngẩm do thị trường nguội lạnh

Không chỉ nhà đầu tư, nhiều môi giới cũng ngán ngẩm do thị trường nguội lạnh

Nhận định về thị trường BĐS thời gian tới, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, thời điểm và khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn, sản phẩm phù hợp.

Nếu như giai đoạn “đáy” năm 2011 – 2013, ở quy mô nhỏ hơn, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi hiện nay, thị trường phát triển mạnh ở rất nhiều địa phương. Giá bán hiện ở mức cao hơn và việc điều chỉnh giảm cũng không rõ nét.

“Thị trường đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn trước đó về tiếp cận nguồn vốn phát triển, đầu tư cũng như việc giải quyết các vấn đề pháp lý dự án kéo dài khiến nguồn cung hạn chế, thiếu các sản phẩm phù hợp, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào dự kiến tăng. Đi kèm với việc này là sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi”... bà Hằng phân tích.

Nguồn: [Link nguồn]

Quảng Ninh: Chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Nghị quyết số 101/NQ-CP, chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN