Nhà phố - khách sạn quận trung tâm treo biển nửa năm vẫn ế khách, rao bán hàng loạt

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trên nhiều tuyến phố lớn thuộc quận trung tâm như Cầu Giấy, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Gỗ… xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển “cho thuê”, thậm chí nhiều mặt bằng đóng cửa trong thời gian dài nhưng chưa có khách thuê.

Khảo sát được biết, mặt bằng kinh doanh trên các phố này có giá cho thuê dao động từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/tháng tùy diện tích, vị trí.

Vị trí ngã tư Ngô Thì Nhậm - Hòa Mã, một tòa văn phòng hai mặt tiền cũng treo biển rao cho thuê. Hiện nơi này đang được sửa chữa, chưa thể đưa vào sử dụng ngay.

Hàng loạt nhà phố đóng cửa treo biển "cho thuê"

Hàng loạt nhà phố đóng cửa treo biển "cho thuê"

Trên phố Trần Xuân Soạn, một căn nhà 3 tầng có diện tích sử dụng tầng 1 lên tới 170m2, không ngăn vách nên thích hợp cho văn phòng thuê lâu dài. Chị Thu Hương (chủ nhà) cho biết, giá thuê hiện tại của mặt bằng này là 90 triệu đồng, đã giảm giá.

"Chục năm trước giá thuê đã là 75 triệu đồng. Khi đó là một cửa hàng xe máy, sau này chuyển sang hợp đồng với ngân hàng. Vừa hết thời hạn thuê nên họ đã chuyển đi. So về giá chung thì tôi đang để là rẻ", nữ chủ nhà nói.

Tương tự, anh Đ. chủ căn nhà ở phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho biết căn nhà của anh có diện tích 60m2 đã cho khách thuê với mức giá 50 triệu đồng/tháng ổn định nhiều năm. Tuy nhiên, cuối năm ngoái khách thuê trả mặt bằng. Từ thời điểm đó, anh đã đăng cho thuê nhưng nhiều tháng qua không tìm được khách mới. 

"Giá cho mặt bằng kinh doanh trên tuyến phố này đang rơi vào khoảng 50 triệu đồng/tháng. Tôi cũng treo biển cho thuê và giữ giá này, nhưng khách đến hỏi đều lắc đầu", anh Đ. thông tin.

Nhiều nhà phố treo biển "cho thuê" trong nhiều tháng qua không tìm được khách mới

Nhiều nhà phố treo biển "cho thuê" trong nhiều tháng qua không tìm được khách mới

Chị Thoa – một môi giới BĐS trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ, nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh trong giai đoạn hiện nay cũng lớn. Tuy nhiên, nhiều chủ mặt bằng không nhận giảm giá cho thuê dù để trống thời gian dài, trong khi tình hình kinh tế khó khăn, đa số người thuê mặt bằng kinh doanh phải cân nhắc về giá thuê và các chi phí cố định đi kèm. “So với thời điểm 3 năm trước, giá thuê và nhu cầu thuê mặt bằng kém hơn nhiều” – chị Thoa cho hay. 

Không chỉ mặt bằng kinh doanh, nhiều khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) do lượng khách giảm sút nên thời gian gần đây liên tục bị rao bán.

Có thể kể đến như khách sạn 4 sao cao 13 tầng, diện tích 323 m2, nằm ngay mặt phố Hàng Bông hiện đang được rao bán với giá 500 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ đồng/m2.

Một khách sạn 8 tầng trên phố Hàng Bông đang được rao "sang nhượng" trên các trang mạng xã hội

Một khách sạn 8 tầng trên phố Hàng Bông đang được rao "sang nhượng" trên các trang mạng xã hội

Hay một khách sạn khác cũng nằm tại mặt phố Hàng Bông có diện tích 350 m2, với 14 tầng, có mức giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ đồng/m2.

Một khách sạn nằm tại mặt phố Lương Ngọc Quyến, 338 m2, 10 tầng cũng được rao bán với giá 530 tỷ đồng, tương đương 1,57 tỷ đồng/m2. 

Nằm trên phố Mã Mây, một khách sạn 4 sao có diện tích 327,9 m2, 10 tầng, mặt tiền 8m được rao bán với giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,59 tỷ đồng/m2.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều người kinh doanh cũng như chủ sở hữu nhà phố - khách sạn đã gặp khó khăn về dòng tiền.

Bước sang năm 2023, hoạt động kinh doanh, nghỉ dưỡng cũng khôi phục chậm do du khách có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, điều này làm gia tăng áp lực trong việc duy trì hoạt động vận hành khách sạn, đặc biệt với các chủ đầu tư vừa và nhỏ.

Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, các khách sạn đang rao bán, chuyển nhượng hầu hết thuộc đầu tư cá nhân, đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau dịch COVID-19 do du lịch bị hạn chế và gặp sức ép lãi vay.

Với loạt nhà phố cho thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm Hà Nội đang rơi vào tình trạng ế ẩm, theo các chuyên gia do chủ cho thuê vẫn giữ mức giá cao trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đang tìm cách thu gọn, giảm chi phí.

Bên cạnh đó, khách hàng có sự dịch chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, khiến tỉ lệ bỏ trống mặt bằng kinh doanh tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà mặt phố, nhất là mặt bằng bán lẻ đắc địa trên tuyến phố lớn hay khối đế chung cư, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn vẫn đang tăng cao.

Thị trường ghi nhận thực trạng một số nhà có mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn bỏ trống do giá chào thuê quá cao. Tuy nhiên, theo ông Đính, hiện tượng này không phải số nhiều. "Đây lại là khu vực "đất vàng", nhưng tại khu vực này nhiều mặt bằng vẫn ế khách, tuy nhiên nó không nhiều", ông Đính nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Mua nhà đất thổ cư, nhất định không chọn những kiểu nhà sau dù giá rẻ đến mấy

Không ít người đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi bỏ tiền mua đất nhưng không thể nào xây nhà được do chưa có sổ đỏ hay mệt mỏi kéo dài do dính vào những tranh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN