Chủ mới mua lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức có tiềm lực thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau hơn 10 tháng được bầu Đức bán đi để thu về số tiền 180 tỷ đồng, chủ mới của khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Pleiku đã chính thức lộ diện.

Tập đoàn Mường Thanh liên quan đến đại gia Lê Thanh Thản tiếp quản Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức

Tập đoàn Mường Thanh liên quan đến đại gia Lê Thanh Thản tiếp quản Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức

Mới đây, đại diện của Tập đoàn Mường Thanh (Mường Thanh Hospitality), cho biết doanh nghiệp này đang trong quá trình tiếp quản Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku. Các thông tin cụ thể hơn sẽ được Mường Thanh công bố trong thời gian sắp tới.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh (Tập đoàn Mường Thanh) được thành lập tháng 10/2012, đây cũng là doanh nghiệp liên quan đến “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản. Bà Lê Thị Hoàng Yến giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Mường Thanh từ năm 2014 đến nay.

Ở lần thay đổi vốn điều lệ tháng 3/2017, Tập đoàn Mường Thanh tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, đại gia Lê Thanh Thản góp 1.540 tỷ đồng, tương đương 70% vốn góp, bà Lê Thị Hoàng Yến góp 440 tỷ đồng tương đương 20% vốn góp và cổ đông Đỗ Trung Kiên góp 220 tỷ đồng, tương đương 10% vốn góp.

Đến tháng 12/2017, Tập đoàn Mường Thanh tăng vốn điều lệ lên 2.554,4 tỷ đồng. Trong đó, đại gia Lê Thanh Thản góp 1.719 tỷ đồng, tương đương hơn 67% vốn góp, bà Lê Thị Hoàng Yến góp hơn 510 tỷ đồng, tương đương gần 20% vốn góp, cổ đông Đỗ Trung Kiên, con rể ông Thản góp 220 tỷ đồng, tương đương gần 9% cổ phần và cổ đông Lê Hải An góp 105 tỷ đồng, tương đương hơn 4,111% vốn góp.

Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, đến tháng 8/2022, Tập đoàn Mường Thanh tăng vốn điều lệ lên hơn 2.799 tỷ đồng. Tuy nhiên, lần thay đổi này cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố cụ thể. Bà Lê Thị Hoàng Yến vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Trong khi đó, từ năm 2019, ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội Lừa dối khách hàng do sai phạm về quy hoạch tại dự án CT6 khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Tại dự án này, ông Thản đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số tiền ông Thản thu lời bất chính sau khi đối trừ tiền thuế giá trị gia tăng là 481,2 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm bị khởi tố điều tra, ngày 23/5/2023, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) ra trước Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử về tội Lừa dối khách hàng.

Ngày 10/8/2023, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản bị đưa ra xét xử về tội danh trên. Tuy nhiên, tại tòa, trước những ý kiến khác nhau về phương án khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, hôi đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau khi hội ý, chủ tọa cho biết hội đồng xét xử thấy một số vấn đề không thể làm rõ tại phiên tòa nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Mới đây, ngày 8/5/2024, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) Hà Nội họp đánh giá kết quả công tác quý I/2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án Lừa dối khách hàng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án CT6 khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) liên quan đến ông Lê Thanh Thản.

Nguồn: [Link nguồn]

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bán cho Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai, trước khi về tay Tập đoàn Mường Thanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN