Ông chủ ngân hàng muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu là ai?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau khi huy động thành công hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trong quãng thời gian chưa đầy 2 tháng, nhà băng này tiếp tục muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng trái phiếu trong phần còn lại năm 2024.

Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) do đại gia Trần Hùng Huy giữ vị trí Chủ tịch đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.

Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu trong 15 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tuỳ thuộc theo nhu cầu của thị trường.

Theo công bố của ACB, mục đích phát hành trái phiếu là phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

ACB hiện có 41 lô trái phiếu đang còn hiệu lực lưu hành trên thị trường

ACB hiện có 41 lô trái phiếu đang còn hiệu lực lưu hành trên thị trường

Trước khi công bố kế hoạch huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm 2024, theo dữ liệu từ sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong thời gian từ 4/6 đến 24/7, ngân hàng ACB đã phát hành thành công 8 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 23.670 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có thời hạn từ 2-5 năm cùng lãi suất dao động từ 4,5%/năm đến 6,1%/năm. Dù vậy, nhà băng này đã hoàn tất mua lại trước thời hạn 2 lô trái phiếu tổng trị giá 10.000 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành.

Theo dữ liệu từ sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngân hàng ACB hiện có 41 lô trái phiếu đang còn hiệu lực lưu hành trên thị trường.

Theo số liệu được ACB công bố, cá nhân nắm giữ cổ phần nhiều nhất tại ngân hàng là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,427%, tính theo giá thị trường khối tài sản của ông Huy tại ACB có giá trị hơn 3.500 tỷ đồng. Người có liên quan đến ông Huy sở hữu 367 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ là 8,218%.

Cá nhân thứ hai là bà Đặng Thu Thuỷ, Thành viên HĐQT ACB là mẹ của ông Trần Hùng Huy đang nắm 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ sở hữu là 1,194%. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thuỷ là 10,457%, trong đó riêng bà Đặng Thu Hà, Phó giám đốc Chi nhánh TP. HCM, người có liên quan của bà Thuỷ sở hữu 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương 1,19% vốn của ngân hàng ACB.

Ông Trần Hùng Huy là cổ đông cá nhân lớn nhất của ACB

Ông Trần Hùng Huy là cổ đông cá nhân lớn nhất của ACB

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của ACB, ba tổ chức có tỷ lệ sở hữu trên 1% vốn điều lệ của Ngân hàng này có liên quan đến 2 cá nhân trên gồm: CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sơn nắm giữ 80,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,07%; CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn nắm gần 44,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,14%; CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm gần 55,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,44%.

Ngoài ra, ba tổ chức ngoại là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ lần lượt hơn 112 triệu cổ phiếu, 82,3 triệu cổ phiếu và 76,6 triệu cổ phiếu ACB, tổng tỷ lệ sở hữu là hơn 6% vốn điều lệ. Cổ đông tổ chức còn lại theo trong danh sách công bố là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam với hơn 69,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 1,5% vốn điều lệ của ngân hàng ACB.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 10,5 nghìn tỷ. Riêng quý 2/2024 lợi nhuận trước thuế đạt 5,6 nghìn tỷ, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ. Hoạt động huy động vốn của ACB đạt 512 nghìn tỷ, tăng trưởng 6% so với đầu năm, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành.

Ông chủ ngân hàng muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu là ai? - 3

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này tăng 0,27 điểm phần trăm từ mức 1,21% hồi đầu năm lên 1,48% vào cuối quý 2/2024. Tổng nợ xấu của ACB tại thời điểm 30/6/2024 ở mức 8.123 tỷ đồng, tăng 2.236 tỷ đồng, tương đương 38% so với đầu năm.

Các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh như nợ dưới tiêu chuẩn tăng 36,9% (tương đương tăng 347 tỷ đồng) lên 1.288 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 24,9% (+261 tỷ đồng) lên 1.309 tỷ đồng và đáng chú ý nhất là nợ có khả năng mất vốn tăng đến 41,8% (+1.628 tỷ đồng) lên 5.526 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong ngày thị trường chứng khoán đứt mạch tăng điểm và cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai nằm sàn khiến khối tài sản của bầu Đức ghi nhận mức giảm hàng trăm tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN