Nữ nhân viên ngân hàng bị ép nấu ăn, rửa bát, giặt đồ

Theo lời nữ nhân viên ngân hàng, trong suốt 2 năm, cô đã phải nấu ăn, rửa bát thậm chí là giặt đồ theo yêu cầu của cấp trên.

Tại Hàn Quốc, tình trạng lạm quyền, chèn ép, bắt nạt ở các công ty, doanh nghiệp không phải hiếm (Ảnh minh họa)

Tại Hàn Quốc, tình trạng lạm quyền, chèn ép, bắt nạt ở các công ty, doanh nghiệp không phải hiếm (Ảnh minh họa)

Theo Gapjil 119 (một nhóm vận động chống lại nạn bắt nạt nơi công sở), nữ nhân viên ngân hàng ở thành phố Namwon, tỉnh Bắc Jeolla (Hàn Quốc) phải nấu cơm lúc 11h và báo cáo với giám đốc chi nhánh đã hoàn thành như thế nào. Cô cũng cho biết đã phải dọn dẹp tủ lạnh và đem khăn ở nhà vệ sinh ngân hàng về nhà giặt.

Khi phản ánh những yêu cầu này không liên quan đến chuyên môn công việc, cô được cấp trên phản hồi: "Cô nên hiểu vì đây là ở vùng quê". Các cấp trên cũng nói rằng nữ nhân viên là "người duy nhất làm ầm ĩ".

Ngày 25/8, các quan chức Liên đoàn cộng đồng tổ chức tín dụng Hàn Quốc đã đến ngân hàng trên để làm việc với nữ nhân viên. Một nhóm điều tra cũng được thành lập để theo dõi vụ việc và đang trong quá trình xác minh các cáo buộc.

Tại Hàn Quốc, tình trạng lạm quyền, chèn ép, bắt nạt ở các công ty, doanh nghiệp không phải hiếm, đến nỗi có hẳn một cái tên cho nó: Gapjil. Trong đó "gap" - chỉ người có quyền lực và "jil" - hậu tố tiêu cực khi nhắc đến một số hành động cụ thể.

Trong xã hội phân cấp thứ bậc sâu sắc ở Hàn Quốc, nơi địa vị xã hội của một người được xác định bằng nghề nghiệp, chức danh và sự giàu có, hầu như không ai thoát khỏi "móng vuốt" của gapjil.

Trong cuộc khảo sát của Gapjil 119 năm 2021, gần 29% nhân viên cho biết họ bị lạm dụng tại nơi làm việc.

Theo cuộc khảo sát của Embrain Public, được thực hiện từ ngày 10 đến 16/6 trên 1.000 nhân viên văn phòng từ 19 tuổi trở lên, 29,6% cho biết từng trải qua một số hình thức quấy rối tại nơi làm việc trong năm 2021, bao gồm lạm dụng, bắt nạt bằng lời nói hoặc thể chất. Trong số này, 39,5% đánh giá mức độ bị lạm dụng là “nghiêm trọng”; 11,5% có ý định tự tử; 67,6% không dám phản kháng trong khi 25,3% khiếu nại và 23,6% bỏ việc.

Năm 2018, mạng xã hội Hàn Quốc từng dậy sóng với video ghi lại cảnh Yang Jin-ho, chủ tịch một công ty công nghệ, tát nhân viên cũ một cách tàn nhẫn. Năm 2017, các đoạn ghi âm được tung lên mạng cho thấy Lee Jang-han, chủ tịch công ty dược phẩm Chong Kun Dang, sử dụng loạt lời lẽ lăng mạ tài xế.

Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phản đối gapjil hiện nay, giới quan sát cho rằng Hàn Quốc có thể còn chặng đường dài phía trước để xây dựng môi trường làm việc công bằng và một xã hội bình đẳng hơn.

Luật chống quấy rối tại nơi công sở có hiệu lực từ năm 2019, song chỉ quy định hình thức xử lý kỷ luật hoặc phạt hành chính tối đa 8.000 USD với người vi phạm. "Gapjil vẫn được coi là vấn đề nội bộ của các công ty", Yun Ji-young, luật sư chuyên giúp đỡ các nạn nhân gapjil, nhận định. "Các nhân viên trong công ty vẫn rất ác cảm với những trường hợp “vạch áo cho người xem lưng'".

Nguồn: [Link nguồn]

Nhân viên tử vong sau khi nhậu với cấp trên, công ty từ chối bồi thường và cái kết

Gia đình nam nhân viên xấu số đã kiện công ty để yêu cầu chi trả trợ cấp cho người thân và chi phí lo tang lễ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Hoa (t/h) ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN