Tiết lộ để có nồi cháo ngon, dễ làm cần những bí quyết riêng này

Sự kiện: Cách nấu cháo

Nấu cháo thì dễ, nhưng nấu được nồi cháo ngon thì phải có những bí quyết riêng sau mới cung cấp được dưỡng chất và phù hợp với thời tiết, thể trạng từng người.

Bắt đầu vào đông trời lạnh, nhiều người bị cảm cúm, đau ốm, mệt mỏi... nên ăn uống khó tiêu, giảm ngon miệng, nhất là người có thể trạng và hệ tiêu hóa yếu, đau ốm, bệnh tật chưa hồi phục sức khỏe. Vì vậy các bác sĩ thường khuyên nên dùng món cháo ăn mềm, dễ tiêu, dễ cung cấp dinh dưỡng và năng lượng để tái phục hồi sức khỏe. Nhưng nếu không biết cách nấu cháo ngon thì món cháo sẽ trở thành cực hình cho người thân nằm trên giường bệnh.

Nấu cháo nên để mở vung để tránh trào. Ảnh minh họa.

Nấu cháo nên để mở vung để tránh trào. Ảnh minh họa.

Tùy bệnh mà nấu cháo

Tùy bệnh mà nấu cháo khác nhau sao cho hợp với thể trạng của người ốm đau, mệt mỏi... đôi khi căng thẳng vì chăm sóc người bệnh. Vì vậy muốn có nồi cháo ăn ngon miệng, nhanh phục hồi sức khỏe cần lên thực đơn cháo mỗi ngày bằng các nguyên liệu theo khẩu vị, sở thích của người ăn (chú ý các món kiêng khem cho người bệnh kẻo lại gây hại cho sức khỏe). Theo đó:

- Người ốm, mệt phổ biến cần ăn cháo thịt gà, cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo tôm…

- Người ốm sốt nên ăn cháo trứng gà tía tô, cháo đậu xanh, cháo gà…

- Người bị cảm cúm, mệt mỏi nên ăn cháo thịt băm gừng tươi, cháo bí đỏ, cháo hành tiêu…

- Người mới ốm dậy nên bồi bổ cháo lươn, cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo thịt băm…

- Người bình thường, người khỏe, hoặc người đã hồi phục tốt thì cho ăn xen kẽ cháo hàu, cháo nấm, cháo cải bó xôi, cháo tôm, cháo cá chép…

- Những ngày lạnh lẽo nên ăn cháo sườn, cháo cá giải cảm rất tốt.

Món cháo cần ăn nóng, thêm các rau gia vị cũng là thảo dược như tía tô cắt nhỏ, gừng cắt sợi, rắc hạt tiêu thật nhiều.

Cháo phải có thêm các rau gia vị ăn mới ngon. Ảnh minh họa.

Cháo phải có thêm các rau gia vị ăn mới ngon. Ảnh minh họa.

Bí quyết để có nồi cháo ngon dễ làm

Bí quyết nấu cháo ngon đơn giản và dễ dàng hơn với công đoạn chuẩn bị và chế biến, nhưng cần lưu ý:

- Chọn nguyên liệu tươi ngon và sạch. Nên nấu cháo và nguyên liệu riêng, sau đó kết hợp lại để đảm bảo hương vị của từng loại nguyên liệu.

- Gạo nấu cháo cần là gạo mới, dẻo và thơm để cháo có vị béo ngọt, hương thơm của gạo (không nên dùng gạo nở nấu cháo vì khô hạt và nhạt nhẽo). Cách 1 là trộn gạo tẻ với một ít gạo nếp tạo độ quánh vừa phải, tăng hương vị (nên ngâm trước khi nấu sẽ nhừ và ngon hơn). Cách 2 là rang vàng gạo trước khi nấu càng thêm thơm ngon hơn.

- Chọn nồi nấu cháo nên dùng nồi có đế dày, nồi đất, hoặc nồi không dính, miệng nhỏ thành cao để cháo sôi không bị trào, hoặc dính đáy. Nồi áp suất, nồi cơm điện nấu cháo cũng ngon, nhưng phải khéo canh lửa và nước để cháo không bị trào mà khó rửa, lâu dài có thể hỏng nồi.

- Nước nấu cháo tỷ lệ 1 gạo 3 nước sẽ vừa ngon. Đun nước hơi nóng mới đổ gạo vào. Nếu cần thêm nước thì chờ nước gần cạn mới đổ thêm nước sôi vào (vì đổ thêm nước lạnh làm cháo giảm mất hương vị).

- Nấu cháo không nên đậy nắp nồi để tránh cháo bị trào. Lúc đầu cần đun to lửa cho cháo sôi bùng lên, rồi hạ lửa ninh tới khi gạo nở bung là đã nhừ. Cháo sôi mới dùng muôi to để khuấy cháo giúp gạo không bị dính nồi, và thỉnh thoảng lại khuấy lại. Lưu ý là khuấy cháo theo 1 chiều kẻo quấy ngược lại cháo nóng bắn ra dễ bị bỏng. Khi gạo đã nở bung thì khuấy thêm một lúc rồi tắt lửa, đậy nắp để yên 30 phút thì cháo mới ngon.

Cháo thịt thường cho thêm gừng để có hương vị thơm, ấm. Ảnh minh họa.

Cháo thịt thường cho thêm gừng để có hương vị thơm, ấm. Ảnh minh họa.

Cách nấu cháo thịt băm, thịt gà, vịt ngon

Món cháo gà, vịt muốn nấu ngon cần chọn thịt tươi sống, sơ chế sạch rồi thả vào nồi nước hơi nóng luộc chín. Cho thêm gừng đập giập, hoặc gừng cắt lát vào cho có hương vị thơm và ấm bụng. Vớt gà, vịt ra để riêng.

- Gạo vo xong để ráo, trộn với chút muối rồi rang sơ cho hạt gạo trong để nấu thì sẽ mềm nhừ, không bị ra nhựa. Đổ gạo vào nước luộc nấu lửa to cho sôi bùng lên một lúc thì vặn lửa liu riu ninh cho tới khi hạt gạo nở bung là đã nhừ.

Lưu ý là nấu cháo gà, vịt 1 lượng gạo cần cho 4-5 lượng nước để cháo hơi loãng ăn mới ngon, và cần canh nước để không bị trào.

Nếu nấu cháo sườn, giò lợn thì chần sơ thịt qua nước sôi cho sạch mới thả vào nồi cháo nêm nếm rồi hầm cháo đến chín nhừ.

Nấu cháo thủy sản nên cho thêm nấm, cả rốt để tăng hương vị. Ảnh minh họa.

Nấu cháo thủy sản nên cho thêm nấm, cả rốt để tăng hương vị. Ảnh minh họa.

Cháo thủy sản

Cháo thủy sản nhiều đạm nhưng nấu lâu dễ bị mất chất, dễ bị khô cứng, không ngon. Vì vậy để có nồi cháo ngon cần nấu cháo riêng trước, khi ăn mới cho thủy sản vào.

Khi sơ chế thủy sản cần rửa sạch với rượu - gừng, hoặc muối - gừng để khử mùi tanh.

Để tăng vị đậm đà cho cháo thủy sản, hãy hầm xương lấy nước dùng, sau đó lấy nước này nấu cháo, khi cháo sôi cho vài giọt dầu ăn vào cháo sẽ thơm béo.

Có thể cho cà rốt, nấm vào nấu cùng để tăng thêm hương vị và giảm mùi tanh của thủy sản.

Trước khi ăn để cháo đang sôi thì đổ gừng cắt sợi vào cháo, rồi hãy múc thủy sản vào, khuấy nhanh rồi tắt bếp ngay để thủy sản không bị nát và tươi ngon.

Lưu ý:

- Không nêm cháo với nước mắm vì khiến cháo có vị chua. Nếu cháo nhạt thì khi ăn mới nêm thêm nước mắm và phải ăn ngay.

- Bí quyết để người ốm, mệt ăn cháo ngon miệng là ăn thật nóng, và thêm các loại rau gia vị hành, mùi, gừng, tía tô… (người ốm, bệnh chú ý kiêng khem).

- Nên cho thêm các loại nguyên liệu thịt, cá, tôm và rau củ... vào cháo cho ngon và đủ dinh dưỡng.

- Không nên nấu cháo quá nhừ vì dễ ngán. Các món cháo dễ ăn là cháo gà, cháo tía tô, cháo hành, cháo thịt bò và cháo thịt băm… Nhưng không nên lặp lại một món cháo suốt 3 bữa vì sẽ rất chán và gây cảm giác sợ ăn cháo.

Cách rang gạo nấu cháo

- Nên rang gạo cho thơm rồi cho vào nồi áp suất, nồi ủ, hoặc bình ủ cháo để qua đêm sẽ nhanh nhừ và hương thơm ngon hơn.

- Cách rang gạo là cho gạo vào chảo và đặt lên bếp, đảo đều tay để gạo không bị cháy. Khi gạo có mùi thơm, lấm tấm vàng thì tắt bếp.

- Đổ gạo rang vào nồi nấu cháo, thêm nước theo sở thích ăn cháo đặc hay loãng.

- Một số người cho lá dứa vào nấu cùng cháo để lấy hương thơm, khi cháo nở thì vớt lá dứa ra bỏ đi; Một số người lại thích cho vài giọt dầu oliu vào cháo để có vị thơm ngon riêng, tốt cho sức khỏe.

Nguồn: [Link nguồn]

Thêm 1 thao tác này, nấu cháo ngon bất bại, ăn hết đau ốm, tan mỏi mệt và bị ghiền

Giao mùa nhiều người già yếu, người ốm, người thể trạng mệt mỏi... hay bị đắng miệng, khó tiêu do hệ tiêu hóa kém...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phương ([Tên nguồn])
Cách nấu cháo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN