Ngọt bùi chè củ ấu

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

"Quê mình, ấu đã vào mùa!" - bức ảnh chụp cánh đồng ấu vào mùa thu hoạch kèm theo lời ghi chú của anh bạn cùng quê trên Zalo khiến tôi vừa háo hức, ngóng mong vừa rưng rưng, cay xè trong đáy mắt.

Tôi nhớ những ngày theo mẹ dầm mình đi bẻ ấu, những ngày cùng bạn bè rong ruổi mót ấu, chia nhau ăn. Tôi nhớ những món ngon từ củ ấu ngọt bùi, mát thơm qua đôi bàn tay tảo tần, khéo léo mẹ làm. Nhớ hơn cả là hương vị chè củ ấu dân dã thân thương mỗi độ cuối thu về.

Củ ấu là loài thực vật thủy sinh thuộc họ sen, súng, thích nghi tốt ở môi trường đầm lầy, ao, hồ... Ấu thuộc dạng thân đốt, lá hình tròn mép răng cưa, nổi trên mặt trước. Ấu được chia thành nhiều loại: ấu trụi, ấu gai, ấu sừng. Chúng thường cho hoa vào khoảng tháng 5, tháng 6 và thu hoạch vào khoảng tháng 7, tháng 8 mỗi năm.

Điều lạ ở cây ấu không chỉ ở cách gọi tên "củ ấu" thay vì "quả ấu" mà còn ở hình thù đặc biệt với hai bên đầu nhọn trông như hai cái sừng trâu. Dù khoác bên ngoài tấm áo xù xì, đen đủi nhưng bên trong lại chứa lượng tinh bột lớn, với vị bùi ngọt, thơm ngon đặc trưng hiếm có. Vì thế, củ ấu chẳng những được xem là lương thực "cứu đói" một thời mà còn là món ăn vặt "gây nghiện", có thể dùng nấu canh, xào, chiên, nấu chè, làm thuốc...

Củ ấu với những đứa trẻ quê nghèo ngày trước là "đặc sản" đáng nhớ. Mẹ tôi thường bảo: "Thưởng thức củ ấu phải ăn thật từ từ, chậm rãi mới có thể cảm nhận được hết cái dư vị ngọt bùi của thức quà đồng quê này".

Củ ấu Ảnh: T.l

Củ ấu Ảnh: T.l

Thế nên, cứ vào mùa ấu, sau một ngày phụ giúp bố mẹ thu hoạch vất vả, mẹ lại "trả công" cho chị em tôi bằng một nồi ấu luộc ngon hết ý. Mẹ dạy chúng tôi cách nhận biết củ ấu già, ấu non; củ bở, củ sượng. Mẹ còn chỉ cho chúng tôi cách ăn ấu ra sao để gai ấu không làm môi, lưỡi, nướu bị trầy xước và cả cách biến vỏ ấu thành đồ chơi…

Mẹ bảo, củ ấu nấu chè bùi ngọt phải là những củ to già, vỏ cứng, cầm chắc tay. Củ ấu được rửa sạch, luộc chín, đổ ra rổ cho nguội. Sau đó, mẹ dùng dao tách vỏ, lấy phần thịt bên trong, giã nhuyễn. Tùy vào khẩu phần ăn cả nhà, mẹ sẽ ước chừng phần thịt ấu cho phù hợp. Chè củ ấu sẽ ngon hơn khi có thêm đậu xanh. Hạt đậu xanh được mẹ cà cho vỡ đôi rồi đem ngâm nước cho mềm, đãi vỏ, rửa sạch, để ráo. Đường phèn cũng được mẹ chuẩn bị sẵn để làm nên vị ngọt cho món chè củ ấu.

Đầu tiên, mẹ cho một lượng nước vừa ăn vào nồi, sau đó cho thịt ấu, đậu xanh vào và đẩy lửa. Khi thịt ấu đã mềm, đậu đã nhừ thì cho đường vào, khuấy đều, một lát sau thì tắt bếp. Món chè củ ấu nghi ngút khói, hương thơm lừng và vô cùng hấp dẫn. Mẹ múc chè ra từng bát cho cả nhà. Biết chị em tôi thích ăn ngọt nên mẹ vẫn cho thêm đường phèn.

Bưng một bát chè lên ăn, cảm giác bùi béo, thơm ngọt quyện hòa bởi thịt củ ấu và đậu xanh ngon đến khó cưỡng. Càng ăn càng thèm. Có lần tôi bị đầy bụng, khó tiêu, mẹ liền nấu chè củ ấu cho ăn. Không ngờ, món ăn này lại có tác dụng kỳ diệu đến thế.

Món chè củ ấu ngon là thế nhưng hơn hết vẫn là tình yêu của mẹ gửi vào món ăn. Một mùa ấu nữa lại về… Lòng lại da diết nhớ món chè củ ấu ngọt bùi mẹ nấu năm nào!

Nguồn: [Link nguồn]

Nhớ cơm mẹ nấu, học cách làm món ăn ký ức, ăn 1 miếng cả bầu trời tuổi thơ tìm về

Món thịt kho tiêu của mẹ khiến con gái ám ảnh của tuổi thơ, hóa ra món ngon không phải từ nguyên liệu mà chính từ những điều ngọt ngào, thân thương nơi góc bếp của mẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thị Xuyên ([Tên nguồn])
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN