Món đặc sản bình dị gợi nhắc cả "bầu trời tuổi thơ" của người Phú Thọ

Không chỉ nổi tiếng bởi mảnh đất quê cha đất tổ, Phú Thọ còn đi vào lòng người với những món ăn thân quen qua câu ca dao truyền miệng. Cơm nắm lá cọ qua năm tháng đã trở thành món thương, món nhớ của người Phù Ninh (Phú Thọ).

Cơm nắm không cầu kì, hoa mĩ nhưng chứa tất cả hồn quê và tinh túy của đất trời. Với người Phù Ninh, Phú Thọ, xứ cọ của miền Bắc, cơm nắm lá cọ chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất xanh này và cả hồn quê: “Dù ai đi ngược về xuôi/Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh” (ca dao).

Cơm nắm lá cọ - Đặc sản Phú Thọ (Ảnh nguồn Internet)

Cơm nắm lá cọ - Đặc sản Phú Thọ (Ảnh nguồn Internet)

Phú Thọ có diện tích trồng cọ đứng đầu cả nước. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với cây cọ. Nói Phú Thọ là thủ đô của lá cọ hay lá cọ là đặc sản của nơi đây quả không sai. Cơm nắm lá cọ vốn bình dị mà tạo nên thú ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng của xứ sở trung du này.

Lá cọ được cắt thành từng đoạn, lau sạch để gói cơm. (Ảnh nguồn Internet)

Lá cọ được cắt thành từng đoạn, lau sạch để gói cơm. (Ảnh nguồn Internet)

Lá cọ để nắm cơm phải được chọn lựa cẩn thận, những cây cọ non, mới cao tầm ngang người, lấy những lá bánh bẻ, nhỏ như miệng nón, còn e ấp chưa xòe hết. Lá cọ này còn màu vàng phớt xanh, chưa chuyển sang xanh đậm như lá già. Lá cọ mang về, cắt thành những miếng vuông, hơ qua lửa, rồi lau sạch rồi nắm với cơm. Kỹ thuật nắm cơm dường như chỉ có được ở những phụ nữ khéo tay. Gạo nấu cơm nắm phải là gạo mới, dẻo, thơm ngon. Nấu cơm nắm phải dùng nước mưa để giữ nguyên hương vị của gạo, phải chế cơm dẻo hơn cơm ăn hàng ngày.

Trước khi nắm phải dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn kỹ nắm cơm cho thật nhuyễn đến khi nào hạt cơm không còn nguyên vẹn và dính quyện vào nhau thành một khối. Bỏ khối cơm vào trong lòng lá cọ túm lại, lăn đi lăn lại lần nữa cho thật chặt.

Cơm nắm ăn cùng với muối vừng lạc mới cảm nhận hết được vị ngon của món ăn dân dã. (Ảnh nguồn Internet) 

Cơm nắm ăn cùng với muối vừng lạc mới cảm nhận hết được vị ngon của món ăn dân dã. (Ảnh nguồn Internet) 

Từng nắm cơm với những viền sọc được tạo hình từ lá cọ đượm thơm mùi gạo quê quyện với chút hương của lá cọ. Bẻ đôi nắm cơm chấm với muối vừng lạc mới thấy hết được vị ngon của món ăn dân dã này. Cái vị ngai ngái của lá cọ như gửi trọn vào trong nắm cơm nho nhỏ ấy.

Một món ăn rất bình dị mà gợi nhớ cả một miền quê, gợi nhớ những ngày trẻ thơ, khi mùa lúa chín, cả làng đua nhau làm cơm nắm lá cọ, mang ra đồng ăn vui như trẩy hội, mọi người chia nhau từng miếng cơm, từng chút muối vừng, chia nhau từng chút tình người, thấm bao nhọc nhằn mà thơm bùi, mà ngọt lành.

Nguồn: Trung tâm Top Việt Nam - Vietkings

Nguồn: [Link nguồn]

Đặc sản Bắc Giang độc lạ từ cái tên đến hương vị: nham cá, bánh vắt vai, bánh hút

Đến Bắc Giang bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn rất độc đáo như nham cá, bánh vắt vai,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PV ([Tên nguồn])
Top 100 Món Ăn Đặc Sản Việt Nam 2020-2021 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN