Bắn hay không bắn tên lửa Triều Tiên: Chuyện "đau đầu" của Mỹ - Nhật

Mỹ và Nhật Bản lo sợ nếu đánh chặn thất bại tên lửa Triều Tiên, hệ thống phòng thủ tên lửa của hai quốc gia này sẽ tự chứng minh khả năng hoạt động yếu kém dù Bình Nhưỡng đã hai lần cho phóng tên lửa bay qua Nhật Bản.

Vụ phóng tên lửa hôm 15/9 của Triều Tiên đã khiến giới chức Nhật Bản ra thông báo yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn nhưng cả hệ thống phòng thủ tên lửa của Tokyo và Washington đều không bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Triều Tiên cũng đã cho phóng một quả tên lửa bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.Trong vụ việc này, năng lực phòng thủ tên lửa được ca ngợi bấy lâu nay của Mỹ và Nhật cũng không được sử dụng.

Bắn hay không bắn tên lửa Triều Tiên: Chuyện "đau đầu" của Mỹ - Nhật - 1

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập khả năng triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3 ở căn cứ không quân Yokota, ngoại ô thủ đô Tokyo hồi cuối tháng Tám. 

Đây là lý do khiến không ít người dân Mỹ đặt ra câu hỏi tại sao các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại lại không được triển khai để đánh chặn tên lửa Triều Tiên trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh Bình Nhưỡng quyết tâm phát triển tên lửa hạt nhân có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.

"Nếu lần tới, Triều Tiên lại cho phóng tên lửa bay qua lãnh thổ quốc gia đồng minh Nhật Bản, tôi hy vọng chúng ta sẽ bắn hạ tên lửa và xem đây là thông điệp gửi tới Triều Tiên cũng như những người dân Nhật Bản đang trông chờ vào chúng ta. Nếu như chúng ta không chứng minh sẵn sàng sử dụng vũ lực, Triều Tiên sẽ không có lý do gì để tin chúng ta có thể hành động", tờ Japan Times dẫn lời nghị sĩ đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher chia sẻ hồi tuần trước.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận loại tên lửa Triều Tiên cho phóng hôm 15/9 là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Còn theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa của Triều Tiên đã bay xa khoảng 3.700 km và đạt độ cao tối đa 770 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là tên lửa phóng thử nghiệm bay xa nhất của Triều Tiên từ trước tới nay.

Theo ông Evans Revere và Jonathan Pollack tại Viện Brookings, Washington nên thông báo rõ ràng rằng, nếu tên lửa Triều Tiên còn tiếp tục hướng về hay bay qua lãnh thổ Mỹ và các quốc gia đồng minh của Washington, nó sẽ bị coi là mối đe dọa trực tiếp và buộc "Mỹ cùng các đồng minh kích hoạt toàn bộ khả năng phòng thủ".

Hiện tại, cả Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên cho phóng thử nghiệm nhưng trong vụ phóng hôm 15/9, giới chức hai nước đều cho rằng, mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên chưa đạt ngưỡng phải bắn hạ.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Rob Manning nhấn mạnh, "nếu Mỹ và các đồng minh xác nhận đó là mối đe dọa trực tiếp, chúng ta nên bán hạ tên lửa" và khẳng định "quân đội Mỹ có cả kho vũ khí đủ năng lực". 

Đối với Nhật Bản, quốc gia này đang sở hữu hệ thống phòng thủ PAC-3 có thể đánh chặn các tên lửa hoạt động tầm thấp. Ngoài ra, các tên lửa SM-3 được phát triển cùng với Mỹ có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới trung.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao tại Heritage Foundation, ông Bruce Klingner nhấn mạnh, khi Triều Tiên cho phóng tên lửa về phía Nhật Bản, tên lửa của Triều Tiên bay ở độ cao mà không một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào được triển khai gần đó bao gồm SM-3 có thể vươn tới.

Còn theo Giáo sư Hideshi Takesada tại Đại học Takushoku ở Tokyo, Nhật Bản chỉ bắn hạ tên lửa một khi tên lửa này bay qua không phận thuộc chủ quyền quốc gia hoặc sắp rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Trong khi, những tên lửa gần đây của Triều Tiên lại bay phía trên cao không phận Nhật Bản và không rơi xuống đất. "Đó là lý do chính phủ Nhật Bản không ra lệnh bắn hạ tên lửa Triều Tiên", ông Takesada chia sẻ. 

Nhưng theo Japan Times, các chuyên gia đánh giá năng lực phòng thủ tên lửa của Nhật Bản hiện hiện còn nhiều giới hạn.  

"Thực tế, rất khó để có thể đưa ra phán quyết rằng tên lửa Triều Tiên đang đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Nhật Bản khi tên lửa mới chỉ hoạt động trong giai đoạn đầu", Giáo sư Akira Kato tại Đại học J.F. Oberlin ở Tokyo nhận định.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Mỹ cũng không muốn đối mặt với rủi ro nếu như đánh chặn tên lửa Triều Tiên thất bại.

"Nếu đánh chặn tên lửa thất bại, hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản sẽ tự chứng minh khả năng hoạt động kém hiệu quả", ông Kato nói.

Dù Nhật Bản đang nắm trong tay một mạng lưới tàu khu trục trang bị tên lửa Aegis. Song Tổng thống Donald Trump vẫn muốn Nhật Bản và Hàn Quốc đẩy mạnh chương trình mua thêm các vũ khí phòng thủ của Mỹ. Với Nhật Bản, trong số những vũ khí cần mua còn có hệ thống phòng thủ trên mặt đất Aegis Ashore. 

Điều đáng nói, các công nghệ phòng thủ tên lửa của Mỹ mới chỉ tập trung vào ngăn chặn tên lửa Triều Tiên khi đang bay ở giai đoạn giữa của hành trình hoặc trong giai đoạn cuối chuẩn bị tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc muốn phát triển các công nghệ có thể loại bỏ ngay tên lửa khi nó mới rời khỏi bệ phóng.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang triển khai các cuộc tấn công mạng và thậm chí là gắn laser trên máy bay không người lái để bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương ngay sau khi tên lửa mới rời bệ phóng. 

Lí do Nhật Bản ”bất lực” nhìn tên lửa Triều Tiên bay qua

Dù dự đoán trước khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo nhưng Nhật Bản vẫn không phản ứng bằng cách khai hỏa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN