Qua rồi thời “quản không được thì cấm”

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo nghiên cứu của VCCI, nhiều điều kiện kinh doanh thời gian qua mang tính áp đặt, can thiệp quyền của doanh nghiệp, thậm chí nó là điều kiện để phát sinh nhũng nhiễu doanh nghiệp. Do đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ những điều kiện vô lý để cạnh tranh công bằng.

Không thể “quản không được thì cấm”

Ngày 30/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với ngân hàng thế giới (World Bank – WB) tổ chức Hội thảo điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đối với lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), phải hướng các điều kiện kinh doanh sao cho doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông.

“Kinh doanh vận tải ô tô dứt khoát là kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cần đưa ra các điều kiện cụ thể nào thì chưa có. Nhà nước đang rất lúng túng trước sự phát triển của khoa học và công nghệ” – ông Thanh bày tỏ.

Cũng theo ông Thanh, Uber và Grab nên đưa vào một loại hình kinh doanh mới. Còn taxi truyền thống cần phải nới các ĐKKD khác. “Mới đây, ngày 28/6 đã có buổi họp của Bộ GTVT và các bộ ngành với Uber, Grab và taxi truyền thống. Chúng tôi phản đối quyết liệt tư tưởng “quản không được thì cấm”. Phải có chính sách cụ thể để giải quyết hợp lý, cạnh tranh lành mạnh”, ông Thanh nói. 

Qua rồi thời “quản không được thì cấm” - 1

Nhiều điều kiện kinh doanh ô tô đang khiến thị trường này tại Việt Nam biến động mạnh. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), thực ra “cuộc chiến” Uber, Grab và các hãng taxi truyền thống thời gian qua liên quan đến ĐKKD. Để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và Uber, Grab phải đơn giản thủ tục hành chính cho taxi truyền thống.

Theo ông Tuấn, thời gian tới, nhà nước cần chuyển sang quản lý về thu nhập cá nhân, thậm chí giao dịch tiền mặt. Suy cho cùng, Uber hay Grab và các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet là nền tảng nhu cầu thiết yếu và nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hàng trăm, triệu người kinh doanh nhỏ ở Việt Nam. Nhưng nó cũng là thách thức lớn trong đảm bảo thu thuế, xa hơn là cạnh tranh giữa người nộp thuế.

Câu chuyện quản lý nhà nước không phải “cấm hay không cấm” mà cần thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp, một mặt khuyến khích những mặt tích cực của mô hình này, mặt khác tìm ra cách thức quản lý được.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Cty Luật BASICO cho rằng, mô hình mới, hiện đại tiện lợi, giảm chi phí cho xã hội, người dùng và DN thì không có lí do gì chúng ta ngăn cấm. Ngược lại cần khuyến khích. Sau này nếu cần thiết thì điều chỉnh, bây giờ chưa có quy định có nghĩa là được tự do kinh doanh.

Luật sư Đức cho rằng, việc xảy ra bất bình đẳng, thắc mắc của taxi truyền thống là do chúng ta quản quá chặt, quá khắt khe, những 13 điều kiện để kinh doanh taxi bình thường, mất nhiều chi phí.

Đề xuất bỏ 95 điều kiện kinh doanh không phù hợp

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, trên cơ sở các nhóm vấn đề được nhận diện, nhóm nghiên cứu nhận thấy 16 ngành, nghề được xác định là các ngành, nghề Kinh doanh có điều kiện (KDCĐK) chưa phù hợp; 10 ngành, nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu về điều kiện kinh doanh của VCCI đã lựa chọn rà soát điều kiện kinh doanh của 3 bộ chính gồm: Công Thương, GTVT, Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Theo nhóm nghiên cứu, ngành, nghề KDCĐK thuộc phạm vi của 3 bộ này gần bằng 1/4 tổng số ngành, nghề KDCĐK của tất các các bộ còn lại (65/243 ngành, nghề KDCĐK). Việc rà soát, đánh giá ĐKKD trong các lĩnh vực của các bộ này sẽ góp phần đáng kể cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Qua rà soát 14 ngành, nghề với 402 ĐKKD của 3 bộ, nhóm nghiên cứu nhận thấy có tình trạng: ĐKKD có tính chất áp đặt quy mô DN. Đơn cử như “yêu cầu các chủ thể KD phải có tối thiểu cơ sở vật chất nào đó (ví dụ: đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương, hoặc thương nhân KD tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải có số tiền ký quỹ 10 tỷ đồng nộp tại tổ chức tín dụng...).

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số ĐKKD có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của DN, vào thị trường bằng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính. Một số ĐKKD khác còn mang “dấu ấn” của các bộ quản lý. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất bãi bỏ 95 điều kiện kinh doanh không phù hợp của 3 bộ này.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Thiên Phúc An, đại diện cho 50 DN kinh doanh ô tô vừa và nhỏ bày tỏ: “Không biết khi xây dựng ĐKKD các bộ ngành có bị tác động của yếu tố nước ngoài hay không. Thực tế không thể để doanh nghiệp nước ngoài độc quyền, nhà nước phải quyết định”. 

Lãnh đạo VCCI cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp xây dựng chính sách của các hiệp hội, doanh nghiệp, đại biểu để trình lên Chính phủ. VCCI hy vọng báo cáo nghiên cứu sẽ là thông tin hữu ích cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xem xét, đánh giá các chính sách pháp luật kinh doanh.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương, thành viên tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư cho rằng: Về mặt bản chất không có hoạt động KD nào, thuộc ngành nghề nào là “không có điều kiện”. Nhớ lại vụ quán Xin Chào (TPHCM) và vụ chìm tàu Thảo Vân 2 (TP Đà Nẵng) cho chúng ta thấy sự lúng túng về các ĐKKD, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vụ quán Xin Chào bị kêu ca vì các cơ quan nhà nước yêu cầu quá đáng các ĐKKD, ngược lại, vụ chìm tàu Thảo Vân 2 các cơ quan nhà nước đã không làm đến nơi đến chốn các ĐKKD, tiêu chuẩn kỹ thuật để xảy ra bi kịch. Từ một quán cơm nhỏ đến một con tàu to chuyên chở hàng trăm người không thể nói là ngành nghề nào có điều kiện, không có điều kiện mà đều phải tuân thủ nghiêm túc những ĐKKD dù nó được gọi dưới cái tên nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN