Chàng trai trẻ làm nghề thêu tranh, có sản phẩm bán giá lên đến 8 triệu

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Những bức tranh thêu của chàng trai trẻ nhận được hàng nghìn lượt thích và bình luận trên mạng xã hội vì mô tả chi tiết chân thực, rõ nét và đặc biệt rất có “hồn”.

Những bức thêu hình Doctor Strange, hoa Brugmansia Arborea, chim Northern Parula, bé Thúy… của Nguyễn Nhật Khiêm (SN 2000, sống tại Buôn Ma Thuột) đang được rất nhiều người quan tâm trên mạng xã hội. Không ít người bày tỏ sự ngưỡng mộ và thán phục về tài năng của chàng trai trẻ này.

Liên hệ đến chủ nhân của những bức tranh thêu, anh Khiêm cho biết anh mới bắt đầu công việc thêu từ cách đây 2 năm. Trước đó, anh từng làm văn phòng nhưng cảm thấy không phù hợp nên quyết định nghỉ việc.

Sau khi tìm hiểu, anh biết đến nghề thêu và dần yêu thích nghề này vì thấy phù hợp với bản thân và có tiềm năng phát triển. “Có thể coi đây là nghề truyền thống đang dần mai một nên tôi muốn theo đuổi để truyền cảm hứng và vực dậy bộ môn này. Tiếp nữa, nghề thêu cũng giúp tôi rèn được tính trầm tĩnh và kiên trì hơn”, anh chia sẻ.

Anh Nhật Khiêm cho biết nghề thêu cũng giúp bản thân rèn được tính trầm tĩnh và kiên trì hơn.

Anh Nhật Khiêm cho biết nghề thêu cũng giúp bản thân rèn được tính trầm tĩnh và kiên trì hơn.

Anh cho biết bản thân tự học thêu tranh qua mạng. Mỗi ngày, anh đều dành từ 8 đến 12 tiếng tập thêu. Trong quá trình thêu, anh cũng sáng tạo nét thêu để phù hợp với tác phẩm của mình.

“Làm nghề truyền thống, nhất là làm cá nhân, tôi cũng gặp kha khá chuyện, vui, buồn, thú vị. Tính tới nay, chuyện đáng nhớ nhất có lẽ là khi tôi đăng bức thêu nhân vật Marvel "Doctor Strange" lên hội nhóm và được rất nhiều người biết tới. Điều này cũng góp phần định hình phong cách và hướng đi trong tương lai của tôi: từ màu sắc đường nét, thị hiếu của mọi người và cách giao tiếp, tư vấn cũng như xử lý nhưng việc không mong muốn...”, anh nói.

Thời gian trung bình mỗi bức tranh thêu anh làm dao động từ 1 tuần đến khoảng 15 ngày. Có những bức khó, anh phải mất cả tháng để hoàn thiện. Hầu hết tranh anh thêu đều là độc bản vì thêu khó, lâu và việc bắt chước rất mệt nên anh ít khi thêu lại. Hiện, chỉ có hai bức thêu lại nhiều lần do có khách đặt là bức hoa mẫu đơn và hướng dương của Van Gogh.

Đây là một trong những bức tranh anh thêu lại lần 2 vì có khách đặt, thường anh chỉ thêu 1 lần.

Đây là một trong những bức tranh anh thêu lại lần 2 vì có khách đặt, thường anh chỉ thêu 1 lần.

Hiện tại, các sản phẩm của anh trung bình có giá dao động từ 3 - 8 triệu đồng. Lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều, cũng có nhiều lần đơn anh bị quá tải, anh phải từ chối khá nhiều khách hàng.

“Vì tôi làm độc lập và không thể đẩy nhanh quá trình thêu được. Mỗi bức thêu, tôi đều phải vẽ hình, tính toán màu sắc và đường nét, không có công thức chung nào cả nên không thể nhận nhiều và làm công nghiệp được”, anh chia sẻ.

Theo anh, muốn theo nghề lâu dài, người làm cần phải có tính kiên trì và tỉ mỉ trong khi thêu. Về kiến thức, người làm cần biết về vòng tròn màu sắc, phối màu, đường nét chính phụ, xa gần, khả năng tự học và thử nghiệm cái mới. Còn về kỹ năng, việc cảm nhận mũi thêu và bề mặt thêu lên (vải, giấy, lá... ), cách căng chất liệu lên khung, cách kéo chỉ để không bị rối, cách treo và bảo quản chỉ thêu cũng như bảo quản, đóng gói thành phẩm là điều cần phải biết.

Bức thêu này của anh thu hút nhiều người quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Bức thêu này của anh thu hút nhiều người quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Để bức tranh thêu được chân thật và có “hồn”, anh cho biết cần chú ý nhất về khối, màu sắc và đường nét. “Khối sẽ là quan trọng nhất vì hình không tả được khối sẽ rất kì và không rõ được hình. Màu cũng vậy, cần chính xác tối đa để mọi người có thể cảm nhận gần gũi nhất với bản thể gốc. Đường nét cũng rất quan trọng, nó định hình phong cách và kiểu diễn đạt của người thêu, nhẹ nhàng, mạnh mẽ hay hoảng loạn... Nên trong các bức thêu, tôi sẽ tả nét cực kĩ”, anh cho hay.

Nếu có duyên và cơ hội cũng như đủ khả năng dẫn dắt và định hướng nghề, anh Khiêm chia sẻ cũng dự định mở lớp dạy và chia sẻ nghề tới với mọi người. Trong tương lai gần, anh đang có dự định giới thiệu và bán sản phẩm ra nước ngoài qua các sàn bán đồ handmade. Điều này vừa giúp bản thân cố gắng học hỏi phát triển, có thu nhập tốt hơn, cũng như sẽ có cơ hội tạo việc làm và đẩy mạnh văn hoá, bản sắc dân tộc, du lịch thông qua những hình thêu cảnh vật và con người Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Vừa bán xong chục tấn cam sành cho thương lái, ông Bê (Trà Vinh) thất thần, ngồi bệt xuống vườn cam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGUYỄN THƠM ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN