Từng trắng tay vì vỡ nợ, người đàn ông lấy lại cơ ngơi nhờ nuôi lợn “lướt sóng”

Sinh ra lớn lên tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam – “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, anh Phạm Bá Thắng cũng như bao người dân khác xác định dù có thuận lợi hay khó khăn thì cũng “sống chết” với nghề lợn.

Được biết, cả xã Ngọc Lũ có 5 thôn với 2.300 hộ gia đình, vào lúc cao điểm thì có đến hơn 1.600 hộ nuôi lợn với tổng đàn lên đến hàng trăm nghìn con, đứng đầu miền Bắc về số lượng lợn hơi cung cấp ra thị trường.

Đàn lợn "lướt sóng" hàng nghìn con tại trang trại nhà anh Thắng

Đàn lợn "lướt sóng" hàng nghìn con tại trang trại nhà anh Thắng

“Trắng tay” vì lợn

Khi mới kết hôn, vợ chồng anh Thắng, chị Hiền cũng dồn vốn, làm chuồng trại nuôi lợn. Về sau, khi chứng kiến số lượng các hộ chăn nuôi trong làng tăng lên từng ngày, anh Thắng bàn với vợ chuyển hướng mở đại lý kinh doanh thức ăn gia súc.

Anh Thắng cho biết, thời điểm mấy năm trước, cả xã có hàng nghìn hộ chăn nuôi thì cũng có đến hàng trăm đại lý kinh doanh thức ăn gia súc.

Khi chưa xảy ra bão giá, bão dịch, thông thường mỗi con lợn xuất chuồng cũng được lời khoảng 300.000 đồng/con. Ai có tiềm lực vốn nuôi nhiều thì lợi nhuận nhiều.

Làm nghề gì cũng cần đầu tư, nếu các hộ nuôi lợn cần vốn mua lợn giống và thức ăn, thì các đại lý như anh Thắng cũng cần vốn để mua hàng, tái đầu tư. Để giữ chân khách, với các hộ chăn nuôi số lượng lớn thường được đại lý cho mua nợ gối, có nghĩa hộ chăn nuôi mua cám nhưng chưa cần trả tiền, chờ khi bán lợn trả một thể.

“Tôi bán ký sổ cho rất nhiều hộ chăn nuôi trong xã, có những hộ chăn nuôi nhiều với tổng đàn lên đến 500 con, thậm chí cả nghìn con. Cứ sau một lứa lợn từ 4 đến 6 tháng thì các hộ lại thanh toán một lần” – anh Thắng cho hay.

Tuy nhiên không ai học được chữ “ngờ”, người người chăn nuôi – nhà nhà chăn nuôi và không ai nghĩ lại có ngày xảy ra khủng hoảng “bão giá” thê thảm như mấy năm gần đây.

Ở Ngọc Lũ, thời điểm năm 2017 giá lợn hơi xuất chuồng chỉ còn 15.000 đồng/kg, chỉ ngang giá một kg khoai lang ở thời điểm đó. Giá lợn hơi rẻ như rau, ước tính trừ tiền lợn giống, tiền cám, với mỗi con lợn, người nuôi lỗ khoảng 3 triệu đồng. Giá xuống thấp thê thảm trong thời gian dài khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ nần, phá sản. Nhiều gia đình phải bán hết cả tài sản giá trị và cắm sổ đỏ ngân hàng để vay tiền trả nợ.

Chưa hết, liền sau “bão giá” là “bão dịch”. Nếu giá lợn có rẻ thì sớm muộn cũng bán được ít nhiều để gỡ gạc, nhưng liên tiếp hai năm sau đó người dân lại khốn đốn vì dịch lở mồm long móng (2018) và dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vào đầu năm 2019.

Hậu quả của bão dịch càn quét khiến người chăn nuôi ở Ngọc Lũ phải tiêu hủy gần 5.000 con lợn lớn, nhỏ của gần 300 hộ gia đình.

Vỡ nợ “dây chuyền”

Hàng loạt hộ nuôi lợn nái vỡ nợ, hộ nuôi lợn thịt vỡ nợ và các đại lý thức ăn chăn nuôi cũng vỡ nợ.

Hàng loạt đại lý vỡ nợ do ảnh hưởng dây chuyền từ các hộ chăn nuôi

Hàng loạt đại lý vỡ nợ do ảnh hưởng dây chuyền từ các hộ chăn nuôi

“Lợn dịch bệnh bị tiêu hủy, hộ chăn nuôi trắng tay không còn khả năng trả nợ đã khiến các đại lý như chúng tôi cũng “chết” theo. Nhà nợ ít thì vài chục triệu, nhiều thì cả tỷ đồng.

Dồn dập trong 3 năm qua tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Sau 3 – 4 lần vỡ nợ, số tiền nợ đọng tổng cộng lên tới hơn chục tỷ” – chị Nguyễn Thị Hiền – một chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc ở xã Ngọc Lũ chia sẻ.

Cũng theo chị Hiền, số nợ kia chưa biết đến khi nào mới đòi được vì nhiều người chăn nuôi đã trắng tay. Để tiếp tục kinh doanh, gia đình chị đành phải vay vốn ngân hàng, vay anh em họ hàng, thậm chí vay vốn lãi suất cao bên ngoài để mua hàng và không dám bán chịu nữa.

Đến nay, tại Ngọc Lũ, hàng loạt đại lý thức ăn chăn nuôi đã đóng cửa đa phần là đại lý nhỏ, vốn đầu tư ít, chủ yếu vay ngân hàng để kinh doanh nên trong thời gian 1 – 2 năm không thu hồi được các khoản bán nợ thì không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Ngưng hoạt động nhưng nhiều đại lý rơi vào tình trạng phá sản mất hết nhà cửa, đất đai vì tất cả đều thế chấp ngân hàng để vay vốn.

“Cái khó ló cái khôn”

Do hết vốn, do lo ngại dịch quay trở lại nên khoảng 90% các trang trại tại Ngọc Lũ để không chuồng trại trong thời gian dài.

Nếu tiếp tục làm đại lý, công việc kinh doanh lúc này không hiệu quả, hơn nữa với số nợ khổng lồ anh Phạm Bá Thắng trăn trở không biết khi nào mới có thể trả hết nợ. Trong khi đó, trên thị trường kể từ trước tết 2020, giá lợn hơi tăng phi mã mỗi ngày một giá.

Nhờ nuôi lợn "lướt sóng" gia đình anh Thắng đã trang trải cho món nợ hàng chục tỷ trước đó

Nhờ nuôi lợn "lướt sóng" gia đình anh Thắng đã trang trải cho món nợ hàng chục tỷ trước đó

Sẵn chuồng trại bỏ trống của các hộ dân, sẵn các đầu mối công ty cung cấp thức ăn gia súc, lại sẵn thông tin từ các công ty chăn nuôi trên cả nước,… anh Thắng đã bàn với vợ chuyển hướng chăn nuôi lợn.

Song, để tránh thiệt hại do dịch bệnh, anh Thắng không nuôi lợn nhỏ mà chỉ thu mua lợn lớn tại các công ty chăn nuôi có kiểm dịch khắt khe. Lặn lội trong nhiều tháng trời, anh Thắng đã ký hợp đồng thu mua lợn tại các công ty chăn nuôi từ Đồng Nai, Bình Dương, Tp. HCM,… với số lượng hàng nghìn con mỗi tháng.

“Làm trong ngành lợn lâu năm, tôi biết giá lợn lên xuống theo chu kỳ. Kể từ trước Tết 2020, khi giá lợn có dấu hiệu tăng cao, tôi đã lặn lội tới từng công ty chăn nuôi tại Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk và nhiều tỉnh thành khác để mua lợn thương phẩm.

Thời điểm công ty xuất bán, lợn có trọng lượng 90 – 100 kg. Sau khi mua về, tôi thả chuồng nuôi thêm từ 20 ngày đến 1 tháng, khi lợn có trọng lượng khoảng 120 kg tôi mới xuất bán. Vừa chênh lệch về giá, lợn lại tăng trung bình 15 – 20 kg/con, nên sau một tháng trừ chi phí tôi có lợi nhuận tiền triệu mỗi con” – anh Thắng cho hay.

Cũng theo anh Phạm Bá Thắng, nuôi lợn “lướt sóng” cũng giống như đầu tư chứng khoán, người nuôi cần phải có kinh nghiệm, có thông tin thị trường và quyết định đúng thời điểm.

Thời điểm đầu năm, thời tiết miền Bắc mát trời khi vận chuyển đường dài lợn không bị hao, chột nên khi nuôi lợn khỏe, tăng cân nhanh. Lúc cao điểm, anh Thắng thuê lại chuồng trại của người dân nuôi tới hơn một nghìn con lợn. Khoảng một tháng trở lại đây, thời tiết nắng nóng, giá lợn hơi trên thị trường có dấu hiệu chững nên anh Thắng cũng giảm số lượng lợn nuôi còn 1/3 so với trước đó.

“Giờ trong chuồng tôi chỉ còn khoảng 300 con. Trong thời gian tới, tùy theo thị trường tôi mới quyết định nuôi nhiều hay ít. Nhờ chuyển hướng kịp thời và nhờ một phần may mắn, một số hộ chăn nuôi cũng đã trả bớt nợ, nên vợ chồng tôi đã trang trải gần xong công nợ. Thôi thì sống chết với nghề, mong rằng dịch bệnh sẽ chấm dứt, chính quyền địa phương có các chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn, con giống để các hộ chăn nuôi được sớm tái đàn trở lại“ – anh Thắng chia sẻ thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Lợn giống khan hiếm, nhà nông nuôi lợn rừng lợi nhuận bất ngờ

Nhờ nuôi lợn rừng bán giống, tính từ sau tết đến nay đã giúp ông Ngô Văn Chiến (Hà Nam) mang lại nguồn thu hàng trăm triệu....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hương ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN