Biến thiên nhiên hoang sơ thành “đặc sản” du lịch, huyện vùng sâu vùng xa bỗng hóa gần

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước đây, thanh niên tại huyện Lâm Bình – huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang cứ lớn lên là kéo nhau đi làm ăn xa, nhưng giờ thì đã khác; với những tiềm năng sẵn có của núi rừng, các thế hệ trai trẻ đã và đang làm giàu trên chính quê hương của mình.

Thời gian gần đây, xu hướng du lịch trải nghiệm theo mô hình du lịch sinh thái nông thôn đang thu hút giới trẻ say mê khám phá. Không chỉ khám phá thiên nhiên, núi rừng mà họ còn say sưa khám phá văn hóa địa phương.  Nắm bắt cơ hội này, những thanh niên trong huyện đã tận dụng tài nguyên của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo mang đặc trưng của một huyện vùng cao.

Hòn Cọc Vài, hồ thủy điện Tuyên Quang

Hòn Cọc Vài, hồ thủy điện Tuyên Quang

Nơi được mẹ thiên nhiên ưu ái

Đến với huyện Lâm Bình – một huyện vùng cao, nằm cuối tỉnh Tuyên Quang vào những ngày hè mới thấy hết giá trị - món quà quý mà thiên nhiên nơi đây ban tặng.

Con đường tới huyện quanh co, núi rừng trùng điệp. Từ thành phố Tuyên Quang đi vào tới nơi mất hơn 3 giờ đồng hồ, đường sá vô cùng vắng lặng, hai bên đường chỉ có núi cao vực sâu, thi thoảng xuất hiện vài mái nhà ẩn hiện dưới lùm cây.

Theo lời những người dân bản địa, huyện Lâm Bình đa số là người Tày. Trò chuyện cùng tôi là một chàng trai người Tày tên Chẩu Thanh Ngà – Phó Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm, với chiếc áo chàm truyền thống, dáng vẻ hoạt bát anh giới thiệu với mọi người về những đặc sản của núi rừng mà có lẽ chỉ những ai đặt chân tới nơi này mới cảm nhận được.

Ở đây có rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, bảo tồn được nhiều loại động vật quý hiếm; Có danh thắng 99 ngọn núi Phượng Hoàng, hòn Cọc Vài, thác Nặm Me, thác Khuổi Slung, động Song Long, hang Phia Vài,... đẹp như tranh. Đây còn là một địa danh hoang sơ, không có dấu hiệu bị mai một vốn văn hóa dân tộc nhiều bản sắc.

Đặc biệt, ẩm thực của người dân nơi đây là cả kho tàng các món ăn phong phú có thể khai thác.

“Nếu như anh chị muốn thưởng thức hết những gì là đặc sản, đặc trưng của quê hương chúng em thì có lẽ mọi người phải ở đây một tháng mới đủ thời gian. Có những món đặc trưng, có những món là đặc sản chỉ nơi đây mới có, như bún vịt truyền thống, rượu ngô men lá. Nguyên liệu để làm nên món rượu này hoàn toàn từ tự nhiên, với hơn 30 loại cây, lá, gỗ, rễ, quả rừng” Chẩu Thanh Ngà cho hay.

Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thu hút khách du lịch trải nghiệm bởi vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ vốn có

Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thu hút khách du lịch trải nghiệm bởi vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ vốn có

Quả thực, Lâm Bình phù hợp phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái kết hợp nông nghiệp bền vững là loại hình du lịch đưa du khách trở về với thiên nhiên, được trải nghiệm thực tế các hoạt động sinh hoạt, làm việc, giao lưu văn hoá bản địa gắn liền với bảo tồn, phát huy những giá trị nhân văn về tình yêu quê hương, bản làng và bảo vệ cảnh sắc thiên nhiên vốn có.

Nhưng phải nói thêm rằng, việc mang vốn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ra kinh doanh du lịch là việc làm cần thận trọng và có trách nhiệm. Đó không đơn thuần là một bài toán kinh tế. Nếu không đúng định hướng, vốn văn hóa bị rơi rớt, sự trân trọng với cuộc sống và màu sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ bị mai một.

Chuyện kể từ những người con của núi

Trăn trở với việc bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế địa phương, Chẩu Thanh Ngà chia sẻ: “Em tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, khi về xã làm công tác Đoàn thanh niên, nhưng nguy cơ chữ thầy lại trả cho thầy, vì vậy em cùng các bạn nghĩ ra một dự án để bảo tồn, phát triển văn hóa Tày trong xã Thượng Lâm. Anh em đoàn viên thanh niên trong xã đều đồng lòng ủng hộ”.

Dịch vụ du lịch homestay tại địa phương thu hút khách du lịch

Dịch vụ du lịch homestay tại địa phương thu hút khách du lịch

Nói là làm, Ngà cùng anh em Đoàn xã thống nhất làm một đề án thu hút thanh niên làm du lịch văn hóa homestay, Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm đã đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Tuyên Quang. Đề án được tỉnh đoàn Tuyên Quang đưa đi dự thi toàn quốc, được Trung ương Đoàn trao giải ba và được Trung ương Đoàn trao gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để  phát triển ý tưởng.

Nói thêm về câu chuyện HTX, anh Chẩu Văn Đệ - Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm cho biết, để hiện thực hóa ý tưởng, thành viên trong Hợp tác xã đã chia nhau phụ trách công việc theo thế mạnh của từng người, tập trung khai thác những tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Hiện nay, Hợp tác xã đã đưa vào kinh doanh dịch vụ du lịch homestay Tài Ngào, xóm Khò Luồng, thôn Nà Tông, thu hút được nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa tại địa phương. 

Anh Chẩu Văn Đệ kể: “Chúng em đang sưu tầm để trưng bày bảo tàng các sinh hoạt văn hóa của người Tày ở Thượng Lâm, mở lớp dạy hát đàn tính, hát then cho thanh niên. Hiện HTX đã có một đội văn nghệ hát các bài dân ca mà hầu như mọi người đã lãng quên. Em nghĩ bản sắc văn hóa Tày ở Thượng Lâm sẽ thu hút du khách và nó giúp người Tày quê em không quên đi nguồn cội của mình”.

HTX thanh niên Thượng Lâm có 4 thành viên chủ chốt và hiện đã mở rộng hơn 20 thành viên cùng góp vốn, góp sức làm du lịch địa phương. Anh Ngà nói: “Chúng em muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp rằng chúng ta có thể tự tạo công ăn việc làm ngay tại quê hương mình bằng những gì chúng ta đang có”. 

Homstay tại Bản Bon, huyện Lâm Bình tạo ấn tượng với du khách bởi những nét hoang sơ mộc mạc

Homstay tại Bản Bon, huyện Lâm Bình tạo ấn tượng với du khách bởi những nét hoang sơ mộc mạc

Anh Lương Duy Doanh, một người không phải dân bản địa nhưng cũng đang đầu tư xây dựng khu du lịch tại Bản Bon và Nặm Đíp, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Tôi hoàn toàn tin rằng, vốn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây sẽ trở thành điều hấp dẫn khách du lịch”.

Anh Doanh khẳng định, mọi người dân tại các làng, bản đều mong muốn thông qua du lịch, văn hóa đặc sắc của người dân bản địa được phổ biến rộng rãi, được lưu truyền và gìn giữ, đồng thời, cuộc sống người dân có thể được giao lưu nhiều hơn, có cơ hội làm giàu, cuộc sống sung túc hơn trước đây.

Nguồn: [Link nguồn]

Bí quyết kinh doanh vốn ít nhưng kiếm được lợi nhuận “khủng”

“Suốt thời gian dài, tôi sống trong tâm trạng chán nản với cảnh làm thuê 8 tiếng/ngày và mòn mỏi đợi chờ đến ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN