Xử vụ Dương Chí Dũng: Xuất hiện tài liệu mới, tòa tạm dừng xét xử

Sáng nay 25/4, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm phạm tội tham ô tài xảy và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tiếp tục ngày xét xử thứ 5.

8h: Các bị cáo được dẫn giải vào phòng xử án.

8h5: Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi, bị cáo Trần Hữu Chiều là người được xét hỏi đầu tiên.

Tại tòa bị cáo Chiều khai, ban đầu bị cáo nhận thức ụ nổi không phải là tàu nhưng quy phạm ụ nổi nằm trong hệ thống quy phạm tàu biển. Khi sang Nga thì Sơn nói cái này em đã báo cáo anh Phúc mọi vấn đề anh cứ để em làm. Trả lời về lời khai tại cơ quan điều tra Chiều cho rằng nhiều lúc bị cáo không nhớ. Khi sang Nga bị cáo có nghe loáng thoáng giá ụ nổi được chào giá dưới 5 triệu USD khi đó có cả mặt của Trần Hải Sơn. Khi đoàn khảo sát về bị cáo có báo cáo anh Phúc và anh Phúc không chỉ đạo gì mà chỉ nói là xem xét để giải quyết cho nhanh.

Khi báo cáo bị cáo cũng nói với anh Phúc là tình trạng xấu, hoạt động không được bình thường chỉ mua về sửa chữa. HĐXX công bố lời khai ngày 21/5/2012 của bị cáo Chiều: “Nếu trong báo cáo của tôi về ụ nổi có giá dưới 5 triệu USD thì anh Dũng và anh Phúc không thể ký hợp đồng mua ụ nổi 9 triệu USD được”. Bị cáo Chiều khẳng định đã khai như vậy.

Xử vụ Dương Chí Dũng: Xuất hiện tài liệu mới, tòa tạm dừng xét xử - 1

Bị cáo Trần Hữu Chiều tại tòa 28/4

Bị cáo Chiều khai, khi khảo sát giá chào hàng của Nga chỉ dưới 5 triệu USD nhưng sau đó mua ụ nổi này qua Cty AP là 9 triệu USD và bị cáo làm tờ trình để anh Phúc ký hợp đồng mua ụ nổi 9 triệu USD.

Khi mua ụ nổi về việc giấy tờ hóa đơn là do anh em kế toán làm, bị cáo ký nháy vào trước khi chuyển cho anh Phúc ký, mãi đến khi ra cơ quan điều tra mới biết là vẫn thiếu thủ tục. Bị cáo có sai sót vì không rà soát lại các thủ tục trước khi trình anh Phúc ký hợp đồng mua ụ nổi.

Với tư cách là trưởng ban quản lý dự án thì các tờ trình để anh Phúc ký đều do bị cáo ký nháy trước. Bị cáo mong HĐXX xem xét bối cảnh lúc đó để giảm tội cho bị cáo. Việc bị cáo nhận 340 triệu đồng của Sơn là sau khi đã thanh toán ụ nổi xong khoảng 8 tháng thì bị cáo vay tiền của anh Sơn 1 tỷ và Sơn đưa thêm 340 triệu đồng. Khi Sơn đưa 340 triệu cho bị cáo Sơn nói cái này không liên quan đến ụ nổi 83M mà do em thấy bác khó khăn và em có công ty làm ăn được.

“Lúc đó bị cáo muốn báo hiếu bố mẹ vợ đang ở Hải Phòng khó khăn lên bị cáo mua nhà ở Cầu Giấy để muốn đưa bố mẹ vợ lên ở và chăm sóc nên bị cáo mới vay tiền của Sơn để mua nhà và chữa bệnh, bị cáo không chỉ vay của Sơn mà còn vay của nhiều người khác”, bị cáo Chiều trình bày.

Việc bị cáo làm tờ trình để anh Phúc ký hợp đồng mua ụ nổi 83M là để đẩy nhanh tiến độ của dự án. Còn bị cáo không có mục đích tham ô vụ lợi trong việc mua ụ nổi. Cuối 2008 và đầu 2009 thì bị cáo vay tiền của Sơn.

HĐXX công bố lời khai của Chiều tại cơ quan điều tra: Khi Sơn đưa 340 triệu đồng cho bị cáo thì bị cáo nghĩ ngay số tiền này là tiền mua ụ nổi 83M.

8h45: Bị cáo Mai Văn Phúc khai tại tòa về việc thành lập đoàn khảo sát: “Bị cáo khẳng định là anh Chiều không báo cáo là Cty Nga chào giá ụ nổi dưới 5 triệu USD, và trước đây bị cáo khai là việc lại quả 1,666 triệu USD là do anh Dũng hoặc phải là người có quyền quyết định để thỏa thuận việc lại quả của Cty AP nhưng sau này, tại phiên tòa thì bị cáo lại nghĩ khác vì thấy Sơn khủng khiếp quá”.

“Trong cuộc họp anh Dũng có nói với bị cáo là, nếu anh không tổ chức thực hiện việc mua ụ nổi 83M và để ảnh hưởng đến tiến độ của dự án tôi sẽ báo cáo Thủ tướng cách chức anh”, bị cáo Phúc khai.

Tuy nhiên khi HĐXX hỏi Dương Chí Dũng về việc này thì Dũng không thừa nhận đã nói như vậy.

“Nhà của bị cáo ở Hải Phòng thì chỉ có xe con mới vào được còn xe 7 chỗ thì không biết có vào được không. Từ ngoài đường vào nhà bị cáo chỉ cách khoảng 250m. Sơn khai là chỉ đỗ xe ngoài đường nhưng ngõ nhà bị cáo thì ô tô 7 chỗ vào được”, bị cáo Phúc trình bày.

Bị cáo quen biết ông Goh từ trước năm 2000. Dự án mua ụ nổi là 1 phần hạng mục trong việc xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho Vinalines chỉ định thầu trong việc thực hiện các hạng mục của nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam là tháng 10/2008 nhưng Vinalines đã thực hiện mua ụ nổi từ năm 2007.

“Phó tổng giám đốc Vinalines thời điểm đó phụ trách đối ngoại và kinh doanh là anh Bùi Văn Trung nhưng việc mua ụ nổi 83M là do anh Trung nhưng không hiểu sao anh Phúc lại phân công cho anh Trần Hữu Chiều thực hiện”, bị cáo Dũng khai.

Xử vụ Dương Chí Dũng: Xuất hiện tài liệu mới, tòa tạm dừng xét xử - 2

Bị cáo Dương Chí Dũng tại tòa

Bị cáo Dũng khai: “Nói ra thì không hay nhưng anh Phúc luôn chống đối Chủ tịch HĐQT, không tuân theo chỉ đạo, việc mua ụ nổi 83M bị cáo không làm. Nếu tham thì bị cáo trực tiếp làm với ông Goh, và không bao giờ chia cho Phúc vì bị cáo và Phúc có mâu thuẫn”.

Chủ tọa công bố lời khai của Dũng tại cơ quan điều tra: “Việc mua ụ nổi 83M, lại quả số tiền 1,666 triệu USD một mình Sơn không thể thao túng được việc này”, có đúng không?.

Bị cáo Dũng lý giải: Do bị cáo sơ suất ký vào bản cung này, bị cáo không khai như vậy. Bị cáo là tình ngay lý gian. Bị cáo thừa nhận việc mua ụ nổi 83M là tổn thất do quyết định đầu tư của Vinalines, với tư cách là Chủ tịch HDDQT bị cáo có trách nhiệm. Tổng chi phí cho việc mua ụ nổi là 26 triệu USD. Chủ tọa phiên tòa đưa ra con số sau khi tính toán việc mua ụ nổi 83M của Vinalines đã gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng và 1,666 triệu USD mà các bị cáo tham ô.

9h34: Bị cáo Mai Văn Khang tiếp tục bị xét hỏi. Bị cáo Khang khai tại cơ quan điều tra: “Đoàn khảo sát chỉ chứng kiến làm ụ chìm xuống chứ không chứng kiến công đoạn làm ụ nổi lên”.

Tuy nhiên, bị cáo Khang thừa nhận một vài lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra là do bị cáo không nhớ, như việc anh Dũng và anh Phúc chỉ đạo mua ụ nổi là nghe lại từ anh Chiều và anh Sơn nói. Việc ký biên bản ghi nhớ chỉ đơn thuần là ghi lại quá trình làm việc của đoàn khảo sát tại Nga.

Trong biên bản đối chất giữa bị cáo Chiều và Sơn các anh cũng khẳng định bị cáo không nghe các anh chỉ đạo. Chủ tọa phiên tòa hỏi: Tại phiên tòa hôm nay bị cáo cơ thấy mình oan về hàng vi làm trái không?.

Bị cáo Khang lý giải: “Có thể do bị cáo vô tư trong công việc chứ không cố ý”.

9h51: Bị cáo Trần Hải Sơn khai, trong quá trình mua ụ nổi bị cáo đã lên báo cáo anh Dũng và Phúc nhiều lần.

Chủ tọa phiên tòa hỏi Trần Hải Sơn: Việc bị cáo nhận 1,666 triệu USD sau đó đưa cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng có đúng như bị cáo khai không? Bị cáo có chứng cứ gì không?.

Bị cáo Sơn: “Việc đưa tiền cho anh Dũng và Phúc là đúng và chắc chắn có việc này”. Bị cáo đã nhiều lần đến nhà anh Dũng ở Hải Phòng vì nhà em gái bị cáo gần nhà anh Dũng. Bị cáo đưa cho anh Dũng 3 lần.

Bị cáo đưa 3 lần tiền cho anh Phúc, lần thứ nhất 2,5 tỷ đồng và thứ 2 là 5 tỷ đồng ở nhà anh Phúc tại chung cư, làng quốc tế Thăng Long, còn lần thứ 3 là nhà anh Phúc ở Hải Phòng 2,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên khi chủ tọa phiên tòa hỏi cụ thể số lần đưa tiền lấy tiền ở đâu và gia đình Phúc như thế nào thì Sơn nói là bị cáo không nhớ chi tiết vì bị cáo đến nhà anh Phúc lần đầu tiên tại Hải Phòng khi đưa 5 tỷ. Bị cáo chưa gặp con anh nhưng khi vào nhà nói chuyện thì biết đó là con anh Phúc nhưng bị cáo không nói chuyện.

Chủ tọa hỏi tại sao trong lời khai tại cơ quan điều tra lại nói là có nói chuyện với con trai anh Phúc. Bị cáo Sơn nói: Bị cáo không nhớ do lần thứ 3 đưa 5 tỷ cách lần thứ 2 quá lâu. “Còn việc khi anh Chiều vay 1 tỷ không nói vay để làm gì, sau đó thì anh Chiều đã trả lại số tiền này. Còn số tiền 340 triệu đồng bị cáo đưa anh Chiều chỉ nói là tiền bồi dưỡng và bị cáo cũng không nhớ lúc đó là anh Chiều nói gì không. Có 1 cái luật bất thành văn ở Vinalines là khi bị cáo được khoản vốn như thế này thì cũng phải bồi dưỡng lại cho người lại người kia.

Bị cáo mang đi 500 triệu đồng nhưng ra Hà Nội rút ra, rút vào nên không nhớ và khi anh Chiều nói là 340 triệu đồng thì bị cáo tin như vây.

10h25: Luật sư Trần Đình Triển hỏi bị cáo Mai Văn Khang: Việc Sơn khai có lần Dũng xuống phòng Khang có Sơn ở đó dặn phải mua bằng được ụ nổi có đúng không?

Bị cáo Khang nói: Không có việc như vậy.

Tại tòa trả lời câu hỏi của luật sư Trần Đình Triển, bị cáo Trần Hữu Chiều xác nhận có việc, từ tháng 7/2007 Cty AP đã gửi bản chào giá cho ông Bùi Tiến Dũng ụ nổi 83M là 9 triệu USD. Và anh Dũng chỉ nói là phải xem xét để mua ụ nổi. Luật sư Triển hỏi Trần Hải Sơn, trong tờ trình của anh có nêu ngày 3/7/2007 Cty AP chào giá ụ nổi giá 9 triệu USD có đúng không?.

Bị cáo Sơn nói: Những tờ trình nào có chữ ký của tôi là đúng. Tại tòa luật sư Triển hỏi Sơn trong 3 lời khai về việc chia tiền mâu thuẫn với nhau lúc thì nói Anh Dũng chỉ đạo: “Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, còn lại cho em”, lúc thì “Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, còn lại chia cho anh em”, khi thì Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, 1 tỷ cho Chiều, còn lại cho em”... Về việc này bị cáo Sơn từ chối trả lời câu hỏi này.

Luật sư Triển tiếp tục hỏi Sơn về việc đưa tiền cho Dũng và Phúc thì Sơn nói: “Việc này để HĐXX đánh giá, tôi vừa khai với HĐXX rồi”. Ngày 7/7/2008 bảo đi cùng lái xe Quỳnh để đưa 5 tỷ đồng cho Dương Chí Dũng nhưng đến tháng 1/9/2008 bị cáo Sơn mới ký hợp đồng thử việc 1 tháng với anh Quỳnh lái xe.

Về việc này bị cáo Sơn nói: “Tôi đã khai ở cơ quan điều tra và tòa sơ thẩm rồi”. “Liên quan đến 1,666 triệu USD tại ngân hàng và để hợp thức hóa số tiền này là do ông Goh thực hiện, khi rút thì chỉ rút tiền Việt Nam còn việc bán số tiền đô để chuyển sang tiền Việt Nam thì tôi không rõ”, bị cáo Sơn khai.

Chủ tọa hỏi việc ký hợp đồng với anh Quỳnh lái xe có phải từ 1/9/2008? Bị cáo Sơn thừa nhận là ký 1/1, trước đó còn ký hợp đồng thử việc, còn bị cáo ký thử việc từ 1/8/2008, anh Quỳnh là người lái xe đến khi bị cáo bị bắt. Còn doanh nghiệp hoạt động từ 1/3/2008.

Trả lời HĐXX: Nếu Sơn không hỏi vay tiền thì anh có đưa tiền cho anh Chiều anh không. Bị cáo Sơn nói: “Bị cáo đã chuẩn bị từ trước”.

Trả lời luật sư Trần Đại Thắng về việc Sơn đưa tiền 5 tỷ cho Dương Chí Dũng, chị Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn) trình bày: Khi anh tôi nói chuẩn bị 5 tỷ đồng để anh đưa cho anh Dũng “tổng” thì tôi chuẩn bị. Tôi chỉ biết anh tôi nói hẹn được bác tầm chiều, còn cụ thể giờ thế nào tôi không biết.

Trả lời luật sự Trần Đại Thắng về việc mua ụ nổi trước hay sau bị cáo Dương Chí Dũng trình bày: Theo quy trình thì dự án được phê duyệt mới đi mua nhưng do bối cảnh thì HĐQT quyết định tiến hành song song, vì để mua ụ mới thì cũng phải tiến hành trước để đóng mới, còn mua ụ nổi 83M về để sửa chữa xong mới lắp đặt. Còn việc mua ụ nổi khi chưa được phê duyệt là sai, tuy nhiên mong HĐXX xem xét đến bối cảnh lúc đó.

Tại Tòa bị cáo Mai Văn Khang khai, trong bản báo cáo của đoàn khảo sát mà bị cáo ký nháy chỉ đơn thuần là báo cáo lại quá trình công tác chứ không phải bản báo cáo giám định vì đoàn không có trang thiết bị, năng lực giám định. Giám định phải do Cục đăng kiểm và Cty giám định độc lập thực hiện.

11h20: Trả lời luật sư Hoàng Huy Được, bị cáo Mai Văn Phúc khai: Bị cáo không biết gì về ụ 83M, chỉ sau khi đoàn khảo sát từ Nga về thì bị cáo mới biết về tình trạng của ụ 83M. Việc thất thoát tiền của khi mua ụ nổi 83M là thất thoát tiền của của Cty và của nhân dân.

Trả lời về việc đưa tiền cho ông Phúc 10 tỷ, bị cáo Sơn khai: Tôi đã khai rồi. Còn khi lấy tiền của em gái thì không phải lần nào tôi cũng nói là lấy tiền để đưa cho ai, có lần thì bảo đưa anh Dũng “tổng”, lần thì bảo lấy tiền có việc...

11h30: Tòa tạm nghỉ, 14h chiều nay tòa tiếp tục phẩn thẩm vấn.

13h45: Các bị cáo được dẫn giải vào phòng xử án, bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải vào phòng xử sớm hơn các bị cáo khác.

14h10: HĐXX bắt đầu làm việc.

Tòa triệu tập ông Bùi Văn Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines, hiện là chủ tịch HQTV Cty TNHH Hàng công nghệ cao liên doanh giữa Vinalines với một số đối tác nước ngoài. Tôi được bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc của Vinalines cùng với ngày với anh Phúc và anh Chiều, đó là ngày 1/4/2007. Tôi phụ trách kỹ thuật trong việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài trong việc liên doanh với Vinalines. Tôi không nắm rõ về dự án ụ nổi 83M. Tôi không biết Cty AP và không xem bản chào hàng của Cty AP, chỉ sau này cơ quan điều tra cho xem, lúc đó tôi mới biết. Tôi chỉ tham gia vào tổ thẩm định về dự án ụ nổi của Vinalines sau khi đoàn khảo sát từ Nga về. Có một buổi tham gia vào việc mua ụ nổi 83M. Tôi không biết về ụ nổi 220 nhưng sau đó chỉ nghe nói ụ này bị chìm.

Chủ tọa hỏi ông Trung, ông có biết bản chào hàng ngày 3/7/2007 của Cty AP cho Vinalines không? Ông Trung nói: “Tôi không biết”.

Tại Tòa, ông Nguyễn Tuấn Khang, người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam trình bày: Trong giao dịch rút tiền bằng chứng minh thư thì không giới hạn tiền là bao nhiêu. Và việc lưu giữ giấy tờ rút tiền của khách hàng bằng chứng minh thư là 30 năm. Chủ tọa hỏi: Khi trả lời cơ quan điều tra đối với việc xác minh rút tiền của Trần Hải Sơn thì Ngân hàng Hàng hải có văn bản trả lời là không tra soát được là như thế nào? Ông Khang trả lời: Về việc này tôi không nắm được, nếu khách hàng có thông tin đầy đủ thì ngân hàng sẽ tra soát được. Còn trường hợp của ông Sơn, tra soát trên phần mềm thì giao dịch này không ra.

Trả lời HĐXX về việc có thể kiểm tra, rà soát lại các giao dịch của Trần Hải Sơn tại ngân hàng trong năm 2008 hay không? Đại diện ngân hàng hứa sẽ trả lời vào sáng mai (29/4).

14h31: Trả lời luật sư về lời khai của Sơn là khi mang 5 tỷ đồng đến nhà Mai Văn Phúc thì bị cáo Phúc nhận tiền và mang vào buồng để cất tiền, bị cáo Mai Văn Phúc trả lời: Ngôi nhà bị cáo ở Hải Phòng là ngôi nhà 3 gian thông nhau, không phân chia phòng khách. Không có chuyện mang tiền vào buồng cất xong lại quay ra như lời khai của Trần Hải Sơn.

Bị cáo Trần Hải Sơn trả lời luật sư về việc cho em gái (chị Trần Thị Hải Hà ) 2 tỷ đồng, Sơn khai: "Sau khi tôi nhận được 1,666 triệu USD, tôi cho em gái 2 tỷ nhưng không nói đó là tiền gì. Khi đến nhà anh Phúc thì tôi thấy đông người nên tôi nói là nhà có việc".

Trả lời luật sư về lý do tại sao bị cáo lại đưa tiền cho Phúc trước Dũng, bị cáo Sơn khai: “Thời điểm đưa tiền cho anh Phúc và anh Dũng tôi chỉ nhớ khoảng thời gian và không nhớ đưa cho ai trước ai sau”.

Tại Tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa chiếc cặp đang dùng để đựng giấy tờ và hỏi bị cáo Sơn: Cái cặp đựng tiền của anh to bằng cái cặp này không?, bị cáo Sơn nói: Cái cặp của tôi to gấp 1,5 lần cái cặp mà luật sư đang cầm. Và đựng thoải mái nếu có 2,5 tỷ đồng toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng rút trực tiếp từ ngân hàng.

Bị cáo Lê Văn Dương khai: Bị cáo đã nhận hành vi của mình là sai, bị cáo không đủ điều kiện để đánh giá toàn bộ về ụ nổi này xấu hay tốt. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm mức án, bị cáo không được Sơn cho tiền. Khi bị cáo đưa đề xuất của mình để Vinalines sửa chữa nhưng không được đơn vị này thực hiện. Và bị cáo chỉ thực hiện những công việc mà khách hàng yêu cầu. Toàn bộ quá trình kiểm tra đều có anh Khang đi cùng.

15h15: Tòa tạm nghỉ.

15h20: Tòa tiếp tục làm việc.

HĐXX cho biết mới nhận được một số tài liệu. Trong đó có tài liệu xác minh tại Nakhodka (Nga), do phòng Nội vụ tại Nakhodka, và một nhân chứng và một biên bản thẩm vấn nhân chứng khác, một kết quả điều tra tại Công ty Nakhodka, Công ty AP và các Cty khác năm 2007-2008 và một giấy chứng nhận ghi vào đăng ký pháp nhân đối với công ty cổ phần Nakhodka của Nga; hợp đồng Nakhodka và AP, thuế liên quan mua bán, bản ghi nhớ hợp đồng mua ụ nổi; bảng tính toán theo hợp đồng mua bán giữa AP và Nakhodka theo đó tính 2,3 triệu USD, giấy chứng nhận xoá đăng kiểm tàu Nakhodka, biên bản kiểm tra chi tiết hàng hoá…

HĐXX mới nhận được các tài liệu trên nên chưa công bố được, toà sẽ gửi các luật sư xem xét. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu.

15h30: Do xuất hiện tài liệu mới nên Tòa quyết định tạm nghỉ để nghiên cứu.

8h sáng 29/4: Tòa tiếp tục làm việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN