Xem xét khởi tố vụ tàu đâm hỏng cầu An Thái

Công an đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tàu Thành Luân 28 đâm va vào cầu An Thái. Nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm, sẽ khởi tố hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Xem xét khởi tố vụ tàu đâm hỏng cầu An Thái - 1

Vị trí tàu Thành Luân 28 đâm va vào cầu An Thái

Nhiều phương án cứu cầu An Thái

Vụ tàu Thành Luân 28 đâm va vào cầu An Thái xảy ra chiều 6/3 gây hậu quả nặng nề khi toàn bộ dầm biên dài 28m tại khoang thông thuyền của cầu bị vỡ. “Đây là sự cố giao thông nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn TP Hải Dương. Trước mắt, hơn 1 vạn lượt người đi lại hàng ngày qua cây cầu này bị gián đoạn”, ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn lo lắng: “Cầu An Thái bị hư hỏng khiến huyện Kinh Môn gần như bị cô lập. Chúng tôi đã chỉ đạo 2 bến phà nằm gần Tỉnh lộ 388 hoạt động hết công suất nhưng cũng không xuể”.

Cầu An Thái được xây dựng năm 1999 do nhà đầu tư BOT Thăng Long  xây dựng. Cầu có chiều dài 290,7m, rộng 11m. Theo Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 7, tai nạn xảy ra khi tàu đang hành trình đi xuôi nước. Nguyên nhân sơ bộ do thuyền trưởng không nắm được tĩnh không chiều cao cầu. Người điều khiển phương tiện là thuyền trưởng hạng nhất Trần Huy Du (SN 1977), còn chủ tàu là Doanh nghiệp tư nhân Thành Luân (An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, sáng 7/3, Bộ GTVT đã thành lập một tổ công tác đặc biệt khắc phục sự cố tàu đâm cầu An Thái. Chiều cùng ngày tổ công tác đặc biệt do ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ làm tổ trưởng đã có mặt tại hiện trường kiểm tra mức độ thiệt hại, tính phương án khắc phục. Tại cuộc họp ngay sau đó với lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, tổ công tác đưa ra đánh giá ban đầu là toàn bộ thanh dầm biên phía tả ngạn của cầu An Thái đã bị đâm nát, mất hoàn toàn tác dụng chịu lực. Tuy vậy, cầu An Thái vẫn còn 3 thanh neo dầm khác nằm song song và xác định ban đầu là chưa bị ảnh hưởng. Dù bị mất thanh neo dầm biên, nhưng cầu An Thái không bị xô lệch nên khả năng phục hồi tốt.

Kết luận cuộc họp, ông Hoàng Hà và các thành viên thống nhất phương án sử dụng thanh dầm gông chữ Y để tạo lực đỡ thay thế cho thanh  dầm biên, sau đó cắt bỏ toàn bộ thanh dầm này, giải phóng tàu Thành Luân 28 ra khỏi cầu.

Để thực hiện việc này, sáng nay (8/3), Viện Khoa học công nghệ GTVT cử ngay đoàn công tác về đánh giá tác động để từ đó có kế hoạch cụ thể sử dụng dầm gông. Do dầm cầu An Thái là bê tông cốt thép trọng lượng khoảng 40 tấn nên phải tổ chức đúc dầm, chờ 28 ngày đủ độ bền kết cấu sau đó tiến hành lắp ráp. Thời gian sửa chữa cầu ước tính khoảng 2 tháng.

Để giải quyết vấn đề bức xúc giao thông, đoàn công tác và UBND tỉnh Hải Dương thống nhất phương án ngay sau khi giải phóng tàu Thành Luân 28 sẽ bố trí các phương tiện ô tô nhỏ, xe máy và người đi bộ được phép đi qua một làn đường của cầu.

Xem xét khởi tố vụ tàu đâm hỏng cầu An Thái - 2

Hiện trạng cầu An Thái sau khi bị tàu Thành Luân 28 đâm

Có thể khởi tố vụ án TNGT

Ghi nhận của PV tại hiện trường chiều tối 7/3 cho thấy, tàu Thành Luân 28 vẫn mắc kẹt vào gầm cầu, trong khi một thanh dầm cầu phía thượng lưu đã bị nứt, gãy. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dù tàu Thành Luân 28 không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, không được phép rời cảng nhưng vẫn được đưa vào hoạt động và đã gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, trước khi gây ra tai nạn, tàu đã cập cảng Hà Bình để sửa chữa, sau đó rời đi khi chưa được cơ quan cảng vụ cấp giấy phép rời cảng theo quy định. Bên cạnh đó, phương tiện này đã hết hạn kiểm định từ hơn 1 tháng.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng xác nhận, tàu Thành Luân 28 đã quá hạn kiểm định từ ngày 22/1/2016 và đang trong quá trình đăng kiểm.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Hoàng Đức Thúy, Chánh văn phòng Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Công an tỉnh đã giao Công an huyện Kinh Môn thụ lý, giải quyết vụ tai nạn. “Công an huyện Kinh Môn đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc. Căn cứ vào hiện trường và vi phạm thực tế, nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm sẽ khởi tố hình sự vụ án TNGT đường thủy theo quy định của pháp luật”, Đại tá Thúy nói.

Thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng

Trao đổi với Báo Giao thông tối 7/3, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, kiểm tra trực quan chúng tôi thấy cầu có 4 dầm thì bị hỏng một dầm bên ngoài, 3 dầm còn lại vẫn chưa bị di chuyển ra khỏi vị trí. Theo tính toán, với mức độ hư hỏng như vậy, thiệt hại ở mức khoảng 500 triệu đồng. Với tình trạng trên, chỉ cần thay dầm là vẫn có thể khai thác cầu bình thường.

T.M

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc - Việt Hòa (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN