Người từng cứu cầu Bính hiến kế cứu hộ cầu An Thái

Người từng cứu cầu Bính (Hải Phòng) đã có mặt tại hiện trường cầu An Thái (Hải Dương) đề xuất phương án cứu hộ.

Người từng cứu cầu Bính hiến kế cứu hộ cầu An Thái - 1

Ông Lê Văn Hiển (bìa trái) cùng đồng nghiệp bàn phương án cứu cầu An Thái

Từ tối 6/2, ngay sau khi nhận được thông tin vụ tàu Thành Luân 28 đâm nát dầm biên cầu An Thái (Hải Dương), ông Lê Văn Hiển, Giám đốc Công ty trục vớt Ngọc Ánh (Hải Phòng) đã có mặt tại hiện trường.

Ông Hiển được biết đến là người đã cứu hộ thành công cầu Bính (Công trình trọng điểm Quốc gia bắc qua sông Cấm Hải Phòng) sau khi bị 3 chiếc tàu trọng tải lớn va vào.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 17/7/2010, trong cơn bão số 1, lúc đó, 3 chiếc tàu biển trọng tải lớn đang neo đậu ở các đà đóng mới, sửa chữa tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng (Hải Phòng) bỗng dưng bị “xổng đà” trôi và va đập mạnh vào cầu Bính.

2 chiếc tàu sau khi nước rút đã tự thoát ra được nhưng còn chiếc tàu Vinashin Orient do bị mắc kẹt sâu trong gầm, nếu cố kéo ra sẽ gây hư hại thêm cho cầu. Trước tình thế đó, ông Lê Văn Hiển xuất hiện nhận trách nhiệm cứu hộ. Ông và các công nhân sau đó đã cứu hộ thành công, đưa con tàu mắc kẹt ra khỏi cầu Bính an toàn.

Người từng cứu cầu Bính hiến kế cứu hộ cầu An Thái - 2

Cầu An Thái bị tàu Thành Luân 28 đâm khá nặng

Ngày 7/3, trao đổi với PV Báo Giao thông tại hiện trường vụ tàu Thành Luân 28 đâm vào cầu An Thái, ông Lê Văn Hiển cho biết: "Từ tối hôm qua (6/3) tôi đã có mặt, kiểm tra vết đâm va và thiệt hại của cầu, tôi đã đề xuất với Sở GTVT nhận nhiệm vụ cứu hộ cầu An Thái với 2 phương án".

Theo đó, phương án 1 là điều 2 pông tông mỗi chiếc trọng tải 1.000 tấn đặt phía thượng lưu sông Kinh Thầy, cẩu pông tông hướng về phía cầu. Mỗi pông tông này sẽ neo 4 sợi cáp vào tàu Thành Luân 28 để cố định tầu. Cùng với đó, điều 2 cẩu bánh lốp trọng tải mỗi cẩu 100 tấn đặt tại 2 đầu cầu, rồi đục 8 lỗ dọc thanh dầm biên bị tàu đâm. Bước tiếp theo dùng máy cắt cắt toàn bộ thanh dầm này (khoảng 30m). Khi thanh dầm này đã bị cắt, cẩu sẽ nhấc cả thanh dầm này lên đồng thời pông tông kéo tàu Thành Luân ra ngoài.

Phương án thứ 2  là cắt từng phần của thanh dầm biên cầu đồng thời cắt cabin tàu. Tuy nhiên, phương án này phải chấp nhận để sắt thép, xi măng rơi xuống sông sau đó sẽ tiến hành thanh thải.

Cả 2 phương án này có thời gian hoàn thành dự kiến trong vòng 1 tuần sẽ hoàn thành việc cứu hộcầu An Thái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN