Vụ trạm thu phí Cai Lậy: Tiền Giang "phản pháo" Bộ GTVT

Chính vì chủ đầu tư thấy dự án có trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 nên mới quyết định đầu tư và vấp phải sự phản ứng quyết liệt khi đưa vào thu phí.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 18-8, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết xuất phát từ việc kẹt xe trong các ngày cao điểm ở ngã tư huyện Cai Lậy nên UBND tỉnh Tiền Giang có đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét làm đường tránh qua huyện này. Tỉnh mong muốn có đường tránh để giảm tải cho Quốc lộ 1 bằng tiền ngân sách nhưng Bộ GTVT lại kêu gọi đầu tư BOT.

Dự án được ấn định trước

Vị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định: "Dự án này là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng; các khâu còn lại, từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì tỉnh không biết. Việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm "Tăng cường mặt Quốc lộ 1" vào dự án là hoàn toàn không có văn bản nào mà đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chỉ có văn bản thống nhất vị trí đặt trạm và thêm cụm từ "kết hợp tăng cường mặt đường sửa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy". Cả dự án này, Bộ GTVT và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả".

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2009, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng ký quyết định cho phép lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh qua Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, ngày 11-11-2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng có chủ trương đồng ý đầu tư tuyến tránh qua Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT. Đến ngày 19-12-2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký quyết định phê duyệt dự án sửa lại dự án "đầu tư xây dựng tuyến tránh qua Quốc lộ 1" và thêm cụm từ "tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+500 - Km 2014+000". Chính vì chủ đầu tư thấy dự án có trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 nên mới quyết định đầu tư và vấp phải sự phản ứng quyết liệt khi đưa vào thu phí.

Vụ trạm thu phí Cai Lậy: Tiền Giang "phản pháo" Bộ GTVT - 1

Cầu Ba Rài, nơi có việc lùm xùm sang nhượng chủ đầu tư giữa 2 nhà thầu thi công Ảnh: Quốc Chiến

Theo vị lãnh đạo này, tỉnh Tiền Giang không né tránh trách nhiệm, khi có sự việc xảy ra cùng nhau giải quyết, ngay cả giá cả thu phí cũng chưa ai bàn với địa phương, còn vị trí đặt trạm thì cũng từ dự án ấn định trước. Sau đó, Bộ GTVT có văn bản gửi HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh về việc thống nhất vị trí đặt trạm tại Km 1999+900. Sau đó, HĐND, UBND tỉnh có văn bản đồng ý chứ không đề xuất ở vị trí đặt trạm. Còn đoàn đại biểu Quốc hội cũng có văn bản thống nhất vị trí đặt trạm và thêm "kết hợp tăng cường mặt đường sửa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy". Tỉnh cũng có thỏa thuận dời từ vị trí thu phí từ Km 1999+900 về vị trí Km 1999-300 là do khó khăn giải tỏa nhưng cả hai vị trí này đều nằm trên Quốc lộ 1. Đáng nói là cả hai vị trí này thì BOT vẫn thu phí cả Quốc lộ 1 và đường tránh chứ không phải vị trí Km 1999+300 mới thu được cả hai đường.

Trước đó, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết "dự án này là của Bộ GTVT nên việc nghiệm thu thế nào là ở họ chứ tỉnh không có thẩm quyền".

Tránh dư luận không tốt?

Năm 2014, chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng Giao thông 1 (trụ sở quận Long Biên, Hà Nội). Tháng 5-2014, thực hiện ý kiến chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công nên Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu yêu cầu Công ty N.P (tỉnh Đồng Nai) đóng cọc thử cầu Ba Rài để có cơ sở đúc cọc đại trà đẩy nhanh tiến độ thi công. Công ty N.P đã đóng cọc thử tại trụ T2, T3 và đúc toàn bộ cọc đại trà cho 2 trụ này.

Tháng 10-2014, do thi công công trình khác nên Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không tham gia dự án và chuyển nhượng phần vốn tại doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái (trụ sở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), được Bộ GTVT chấp thuận. Sau khi chuyển nhượng nhà đầu tư thì Công ty N.P phải bàn giao số cọc thi công cốt thép đã đúc cho nhà thầu thi công khác là Q.L, do thay đổi chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó do nhà thầu thi công Q.L chậm thanh toán tiền cho Công ty N.P nên Công ty N.P gửi đơn cầu cứu đến Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.

Ngày 27-7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật có văn bản chỉ đạo "để tránh tạo dư luận luận không tốt cho dự án, yêu cầu Ban Quản lý Dự án 8 và Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ đạo phối hợp các nhà thầu N.P; Q.L giải quyết dứt điểm các kiến nghị và báo cáo kết quả trước tháng 8". Một nguồn tin cho biết sau chỉ đạo này, nhằm tránh dư luận không tốt nên 2 nhà thầu thi công đã giải quyết xong vụ việc.

Như vậy, đã rõ từ việc lùm xùm giữa 2 nhà thầu thi công cho thấy việc chuyển nhượng chủ đầu tư là có thật. 

"Bị kiện thì phải ra tòa"

Liên quan đến dự án BOT Cai Lậy, chiều 18-8, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng người dân bức xúc vì trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và yêu cầu di dời về tuyến tránh là đúng bởi họ không đi trên tuyến đường tránh mà vẫn bị trả phí. Nhà đầu tư cho rằng họ đã nâng cấp Quốc lộ 1 thì đặt trạm thu phí ở đây là ngụy biện và nên dời trạm thu phí vào đúng vị trí tuyến đường tránh. Chưa nói giá vé cao hay thấp nhưng đặt vị trí trạm như vậy là tận thu.

Chiều 17-8, khi phóng viên đặt câu hỏi trường hợp nhà đầu tư bị vi phạm hợp đồng và khởi kiện cơ quan quản lý ra tòa thì Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói Bộ GTVT không thể cản được việc chủ đầu tư kiện cơ quan quản lý nhà nước khi lợi ích của họ ảnh hưởng. "Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng việc phải ra tòa và mong các chủ đầu tư ngồi lại cùng giải quyết cùng Bộ GTVT" - ông Đông nói và cho biết thêm là "trong trường hợp bị kiện thì phải ra tòa".V.Duẩn

Đặt trạm thu phí Cai Lậy trên QL1A: Giải thích của Bộ GTVT

Việc đặt trạm Cai Lậy tại vị trí hiện nay hoàn toàn nằm trong phạm vi dự án và được Bộ GTVT đồng ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong - Thúy An (Người lao động)
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí trạm Cai Lậy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN