Vụ thảm sát Mỹ: Lỗ hổng an ninh chết người

Vụ xả súng kinh hoàng ở Sở chỉ huy Hải quân Mỹ khiến 12 người thiệt mạng đã bộc lộ nhiều lỗ hổng chết người trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ.

Hải quân Mỹ biết rằng Aaron Alexis, nghi phạm gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Sở chỉ huy Hải quân hồi đầu tuần chính là kẻ từng bị bắt giữ vào năm 2004 vì đã nổ súng vào lốp xe của một công nhân xây dựng trong một cơn “quẫn trí vì tức giận”, thế nhưng họ vẫn nhận hắn ta vào Hải quân và cấp giấy phép an ninh cho hắn.

Một sĩ quan cao cấp của Hải quân Mỹ cho biết: “Có vẻ như các điều tra viên đã biết về vụ việc đó và phỏng vấn Alexis, tuy nhiên họ đã hài lòng với các câu trả lời của hắn đến mức cấp cả giấy phép an ninh cho tên này.” Với giấy phép an ninh này, Alexis có thể tiếp cận các cơ sở hoặc tài liệu được xếp vào hạng mật và được canh gác chặt chẽ.

Vụ thảm sát Mỹ: Lỗ hổng an ninh chết người - 1

Hiện trường vụ xả súng tại Sở chỉ huy Hải quân Mỹ

Trong vụ thảm sát kinh hoàng tại Sở chỉ huy Hải quân hôm thứ Hai, cựu nhà thầu quân sự Alexis đã sử dụng một giấy chứng minh còn thời hiệu để qua mặt lực lượng an ninh để tiếp cận với sở chỉ huy được canh gác chặt chẽ này.

Tuy nhiên hiện các chuyên gia và dư luận Mỹ đang đặt câu hỏi tại sao Alexis lại có thể có được giấy phép này, bất chấp những lần vi phạm pháp luật có liên quan đến việc sử dụng súng trước đó cũng như quá khứ “có vấn đề” của hắn khi còn đang phục vụ trong lực lượng Hải quân.

Liệu các cuộc điều tra về hoàn cảnh xuất thân của chính phủ về Alexis có phát hiện ra được những thông tin mà các cơ quan truyền thông đào xới được chỉ vài giờ sau khi vụ thảm sát xảy ra?

Vụ thảm sát Mỹ: Lỗ hổng an ninh chết người - 2

Nghi phạm Aaron Alexis

Một quan chức Hải quân Mỹ đánh giá: “Alexis cần phải bị loại ngũ ngay sau khi gia nhập quân đội. Hải quân và các cơ quan có trách nhiệm đánh giá về Alexis đã không muốn hoặc tệ hơn là không thể xác định được rằng anh ta không phù hợp để phục vụ trong Hải quân Mỹ.”

Ông Sheldon Cohen, một chuyên gia về công tác an ninh nhận định: “Theo kinh nghiệm của tôi, anh ta không nên được cấp giấy phép an ninh. Bất cứ ai mà tôi từng gặp, dù hồ sơ chưa đến mức phức tạp như thế này, cũng đều không được cấp giấy phép an ninh. Chỉ riêng những vụ bắt giữ có liên quan đến súng cũng khiến anh ta không đủ tiêu chuẩn rồi.”

Vụ thảm sát Mỹ: Lỗ hổng an ninh chết người - 3

Các lực lượng chứng năng Mỹ tại hiện trường vụ xả súng

Theo CNN, Alexis trong thời gian phục vụ Hải quân đã “có hành vi sai trái” và thỉnh thoảng gặp rắc rối với pháp luật, đồng thời hắn cũng đã đến khám ở bệnh viện của cựu binh về các vấn đề tâm thần.

Việc một người có nhân thân như thế được cấp giấy phép an ninh ra vào Sở chỉ huy Hải quân Mỹ đã khiến nhiều người thắc mắc. Cựu đặc vụ chống khủng bố của FBI Tim Clemente nhận định: “Đây là vấn đề liên quan đến việc kiểm tra lý lịch tồi.”

Hiện các quan chức Hải quân Mỹ cũng đang lục lại hồ sơ của Alexis để xem liệu có công đoạn nào sai sót trong quá trình cấp giấy phép an ninh cho tên này hay không.

Theo quy định, các nhà thầu của quân đội Mỹ có thể nhận được giấy phép an ninh ở 3 cấp độ: kín, mật và tối mật. Alexis nhận được giấy phép an ninh mật thuộc cấp độ 2.

Vụ thảm sát Mỹ: Lỗ hổng an ninh chết người - 4

Alexis được cấp giấy phép an ninh cấp độ 2 và được ra vào Sở chỉ huy Hải quân

Việc cấp các loại giấy phép an ninh này do một bộ phận thuộc Bộ Quốc phòng giám sát. Những người muốn được cấp giấy phép an ninh phải điền vào một mẫu đơn rất dài, trong đó có những câu hỏi về tiền án tiền sự cũng như tình trạng bất ổn về tâm thần. Sau khi điền vào đơn này, ứng cử viên sẽ được phỏng vấn.

Trước khi được cấp giấy phép an ninh với tư cách là một nhà thầu, về lý thuyết Alexis sẽ được Phòng Quản lý Nhân sự điều tra và cuối cùng Cục Đánh giá Trung tâm Hải quân (DONCAF) sẽ cấp giấy phép an ninh cho anh ta.

Theo các chuyên gia, Alexis đã vượt qua các cuộc kiểm tra an ninh của DONCAF từ năm 2007 khi anh ta nhập ngũ và được cấp một giấy phép an ninh có thời hạn tới 10 năm. Là một quân nhân dự bị nên Alexis được miễn tái kiểm tra định kỳ về giấy phép an ninh, trong khi các sĩ quan thường trực vẫn bị kiểm tra lại sau mỗi 4 năm rưỡi hoặc phải trải qua bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối sau mỗi 2 năm rưỡi.

Sau khi giải ngũ vào năm 2011, Alexis vẫn giữ lại giấy phép an ninh này và vẫn có thể tiếp tục sử dụng nó để đi vào Sở chỉ huy Hải quân sau khi làm việc cho một công ty chuyên về các hệ thống máy tính.

Với giấy phép an ninh này, Alexis đã tới làm việc ở Nhật Bản, sau đó là đảo Rhode, Bắc Carolina và Virginia để nâng cấp các hệ thống máy tính, và không ai gặp bất cứ rắc rối nào khi làm việc với anh ta.

Vụ thảm sát Mỹ: Lỗ hổng an ninh chết người - 5

Lực lượng an ninh canh gác tại Sở chỉ huy Hải quân Mỹ

Alexis bắt đầu vào Sở chỉ huy Hải quân để làm việc từ tuần trước, tuy nhiên người ta không rõ là hắn ta đã thực sự bắt đầu làm việc ở đây hay mới chỉ kiểm tra tính hiệu lực của giấy phép an ninh mà hắn ta được cấp tại căn cứ này.

Và với giấy phép này, Alexis đã đàng hoàng giấu súng trong xe, qua mặt lực lượng an ninh canh gác tại cổng và tiến vào Sở chỉ huy Hải quân, gây ra vụ nổ súng kinh hoàng khiến 12 người chết, còn bản thân hắn cũng thiệt mạng trong khi đọ súng với cảnh sát.

Sau khi vụ thảm sát kinh hoàng này xảy ra, các nghị sĩ Mỹ đã rất tức giận với cái mà họ gọi là những lỗ hổng trong hệ thống an ninh của nước Mỹ. Thượng nghị sĩ Susan Collins tuyên bố: “Chúng ta đã dựa quá nhiều vào các nhà thầu quân sự”, thế nên việc kiểm tra lý lịch đã trở thành một vấn đề trọng yếu trong an ninh quốc gia.

Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte cũng đang yêu cầu tổ chức một cuộc điều trần để xem xét các vấn đề trong vụ xả súng này. Thượng nghị sĩ Ayotte tuyên bố: “Sau thảm kịch này, chúng ta phải xem xét toàn diện và khắc phục những sai sót trong các quy trình thuê nhà thầu hiện nay vốn bị tay súng này lợi dụng và khai thác.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN