Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh: 2 tài công đã bỏ trốn

Sau khi xảy ra sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh, 2 tài công đã bơi vào bờ xin tiền người dân rồi bỏ trốn.

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh: 2 tài công đã bỏ trốn - 1

Hiện trường vụ sập cầu

Chiều 20.3, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo thông tin sự việc sà lan đâm sập cầu Ghềnh (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), khiến nhiều người cùng xe máy rơi xuống sông, tuyến đường sắt Bắc –Nam bị “tê liệt”.

Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết, sự cố xảy ra vào lúc 11h30 cùng ngày. Theo đó, tàu kéo mang số hiệu SG 3745 kéo sà lan chở cát lưu thông trên sông Đồng Nai hướng về cầu Hóa An. Khi đến cầu Ghềnh thì va chạm mạnh vào mố cầu số 2 làm nhịp cầu này rớt chìm xuống sông. Nhịp cầu thứ 3 cũng rớt và cắm một đầu dưới sông. Thời điểm sà lan đâm sập cầu có 4 người đi xe máy, có hai người bị rớt theo nhịp cầu nhưng may mắn thoát nạn. Sau tai nạn, 2 tài công đã nhảy xuống sông bơi vào bờ trước khi tàu kéo bị chìm.

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh: 2 tài công đã bỏ trốn - 2

Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai thông tin vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh

“Qua kiểm tra sơ bộ dưới lòng sông, người nhái không phát hiện thêm xe máy nào và cũng chưa phát hiện thi thể nạn nhân. Đến thời điểm này, không có thiệt hại về người. Về tài sản vẫn đang được cơ quan chức năng đánh giá. Tuy nhiên, sự cố gây tê liệt tuyến đường sắt Bắc – Nam”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, ban đầu lực lương chức năng không có thông tin gì về tàu kéo sà lan. Chỉ đến khi nhóm người nhái lặn xuống lòng sông mới phát hiện tàu kéo đã chìm dưới đáy sông. Về phần biển số tàu kéo do va chạm nên đã rơi và trôi trên mặt nước, sau đó được người dân nhặt được giao cho công an.

“2 tài công sau khi bơi được vào bờ đã xin tiền chủ bãi cát bên sông để bỏ trốn. Hiện chủ sà lan đã được lực lượng công an xác định và đang làm rõ 2 tài công trên tàu kéo”, ông Trung thông tin.

Ông Trung cho biết, do cầu Ghềnh bị đâm sập nên tuyến đường sắt Bắc –Nam bị “tê liệt”. Để giải quyết tình trạng này, những tàu từ Hà Nội vào ga Sài Gòn, khi về tới ga Biên Hòa hành khách sẽ được trung chuyển bằng xe khách về ga Sóng Thần, TP.HCM và ngược lại.

Đại tá Trần Tuấn Triệu – Phó giám đốc PCCC tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện có gần 200 người gồm: lực lượng của Bộ Công an, Bộ Giao thông, Tổng Cục đường sắt phối hợp với lực lượng chức năng TP.HCM và Đồng Nai khắc phục sự cố.

Nói về phương án khắc phục và đến khi nào hoàn thành, ông Triệu cho biết vụ việc do Bộ Giao thông chủ trì.

Đến 18h, xung quanh khu vực cầu Ghềnh vẫn đang được công an phong tỏa để xử lý.

Dừng các chuyến tàu chạy tuyến Biên Hòa–Dĩ An vì sự cố sập cầu Ghềnh

Ngay sau khi nhận được thông tin sập cầu Ghềnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kịp thời phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa – Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. 

Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2502 đang chạy trong khu gian Biên Hòa – Dĩ An đã được nhân viên gác chắn ĐN km 1700+174 dừng tàu, đảm bảo an toàn.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chuyển tải hành khách từ Ga Biên Hòa vào Ga Sài Gòn và ngược lại.

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh: 2 tài công đã bỏ trốn - 3

 Đến thời điểm này chưa có thiệt hại về người

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh: 2 tài công đã bỏ trốn - 4

Sà lan bị chở cát bị lập úp, riêng tàu kéo đã bị chìm dưới đáy sông

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh: 2 tài công đã bỏ trốn - 5

 Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc –Nam bị tê liệt

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh - Ngọc Phạm - Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN