Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang

Mái đầu bạc sụt sùi trước di ảnh, bà "trách" 2 thằng cháu: “Răng mấy đứa lại bắt bà thắp hương thế này. Có nhà nào khổ như nhà này không trời ơi!”.

Chồng chất nỗi đau

Vừa tinh mơ sáng, khi chúng tôi chạy về xóm 9 xã Bảo Thành (Yên Thành, Nghệ An), những tiếng khóc xé lòng đã vọng ra khỏi khu xóm nhỏ nằm khuất sau QL7.

Nỗi đau nghẹn đắng trên khuôn mặt khắc khổ của những người dân nghèo quanh năm mòn mỏi đợi những đồng tiền con cái gửi về mua gạo; trên những mái đầu bạc vắt nước mắt thắp nén hương cho kẻ đầu xanh.

Nạn nhân Đặng Quang Thành (SN 1993) là đứa thứ hai trong số 4 người con của ông Đặng Quang Văn và bà Hoàng Thị Cảnh.

Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang - 1

Chị Hoàng Thị Cảnh (Áo trắng ở giữa) mẹ nạn nhân Đặng Quang Thành đã ngất xỉu vì nỗi đau mất con

Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang - 2

Ông Đặng Quang Văn

Học chưa hết cấp 3, Thành đã phải bỏ dở để phụ giúp nghề mộc với bố, kiếm tiền nuôi 2 em ăn học. Nhưng rồi tiền chẳng đủ, em gái Thành cũng phải nghỉ học, Thành giục bố mẹ vay ngân hàng 40 triệu để sang Nga làm thuê.

Ông Đặng Quang Văn bị lãng tai rất nặng, chúng tôi hỏi tên con thì ông trả lời “Nó chết rồi”. Chúng tôi phải nhờ một người hàng xóm “phiên dịch”.

Ông Văn nói trong dàn dụa nước mắt: “Thằng Thành nó chết rồi. Nó vừa sang đó được 2 tuần, làm được vài ngày công thì bị lửa thiêu chết mất chú ơi.

Cái ảnh đó (di ảnh – pv) là phóng từ ảnh nhỏ chụp từ trước, chứ giờ nó mập hơn rồi chú à. Mới hôm trước gọi về mẹ nó còn nhắc cố gắng giữ sức khỏe, rứa mà… Số con sao mỏng quá con ơi..!”.

Anh trai Thành là Đặng Quang Trung (SN 1990) đang đi bộ đội tại Đà Nẵng. Chiều hôm trước nghe tin dữ anh Trung đã xin nghỉ phép bắt xe về tới nhà lúc sáng sớm nay.

Trung đứng lì bên bàn thờ em trai, khuôn mặt chai sạn liên tục khóc khiến ai nấy đều rơi nước mắt: “Em nói đợi anh đám cưới rồi sẽ đưa quà về mừng anh mà răng em đi rồi. Về đi em, bố mẹ khóc khan cả cổ rồi. Cả nhà đang đợi em đây này…”.

Bà Hoàng Thị Cảnh đã ngất xỉu trên giường từ tối qua. Mỗi lẫn gượng dậy cứ nhìn thấy di ảnh con trai là bà lại trào nước mắt rồi gục xuống.

Ông Văn nói đứt quãng, giọng nghẹn đắng khi nói về cả cái chết của con người em trai: “Tui với nó là 2 anh em đạp đầu nhau ra. Bọn tui đều nghèo rách phải cho con cái nghỉ học sớm rồi đi kiếm tiền. Rứa mà tiền đâu chưa thấy chúng lại rủ nhau chết cháy nơi đất khách quê người… Thảm quá chú ơi!”.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Quang Võ (xóm 8 Bảo Thành), người em mà ông Văn “đạp đầu ra”. Vẫn là một không gian đau buồn với những tiếng khóc thương khiến khách lạ cũng rơi nước mắt.

Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang - 3

Ông Đặng Quang Võ chia sẻ nỗi đau mất con

Bàn thờ Đặng Quang Ngọc, con trai đầu của ông Võ kê giữa nhà, túc trực bên cạnh là 2 đứa em vẫn nức nở gọi tên anh.

“Nó học đến lớp 9 thì nghỉ làm mộc với bố. Sau rồi thấy thanh niên trong xóm qua Nga nhiều thì về xin bố mẹ đi. Nghĩ nhà mình nghèo, con cái nó cũng có chí hướng làm ăn nên vợ chồng tui đi vay 50 triệu để nó đi. Nó mới qua được 15 ngày thôi chú à” – ông Đặng Quang Võ vẫn còn tỉnh táo, trong khi vợ là bà Phan Thị Tuyết thì đổ rạp trước bàn thờ con khóc thảm thiết, hàng xóm phải dìu vào buồng.

Có bà láng giềng rưng rưng nước mắt an ủi: “Cố gắng lên chị, cái số mình khổ thế chẳng biết làm được gì hơn” bà Tuyết càng dàn dụa: “Số con khổ quá Ngọc ơi…! Số mẹ cũng khổ, răng con bỏ mẹ mà đi. Thương mẹ thì về đi con, về ăn cơm rau cơm cà với mẹ, không cần đi mô hết… Con ơi !”.

Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang - 4

Hai đứa em của nạn nhân Đặng Quang Ngọc

Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang - 5

Nỗi đau của bà Phan Thị Tuyết, mẹ nạn nhân Đặng Quang Ngọc

Bà Nguyễn Thị Thanh (76 tuổi) vừa thắp nén hương bên bàn thờ Đặng Quang Thành, lại lật đật chạy qua bàn thờ Ngọc.

Mái đầu bạc sụt sùi trước di ảnh, bà "trách" 2 thằng cháu: “Răng mấy đứa lại bắt bà thắp hương thế này. Có nhà nào khổ như nhà này không trời ơi!”.

Bà Thanh có 6 người con, người nào cũng nghèo. Nay 2 đứa cháu cùng lúc chết thảm nơi đất khách, chưa biết có được 'nhìn mặt mũi' lần cuối không, cả dòng họ Đặng cùng quấn khăn tang.

“Cha ơi, con sống rồi!”

Cũng làm việc trong xưởng may định mệnh, Nguyễn Xuân Tú (xóm 9 Bảo Thành) đã may mắn thoát chết khi liều lĩnh phá cửa sổ tầng 3 leo xuống. Vừa xuống được mặt đất, Tú đã bấm điện thoại gọi liên tục về cho bố mẹ.

Vụ 14 người chết cháy: Cả họ quấn khăn tang - 6

Người thân Nguyễn Xuân Tú, người Việt thoát nạn trong vụ cháy theo dõi thông tin

“Nó gọi và nhắn tin cả đêm, miệng vừa khóc vừa hét: “Cha ơi, con sống rồi, nhiều người chết lắm” – ông Nguyễn Xuân Hữu, bố Tú kể lại.

Chính Tú là người sau đó đã phối hợp với cơ quan chức năng bản địa đi nhận diện các nạn nhân tử vong người Việt và là người báo tin về cho bố mẹ các nạn nhân.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, người từng có 11 năm làm việc, kiếm sống trên đất Nga cho biết: “Từ nhiều năm qua thanh niên trong làng đã đổ xô sang Nga để kiếm việc, với con đường duy nhất là đi du lịch rồi ở lại. Hầu hết mọi người sang đó đều là “thợ đụng”, gặp nghề gì làm nghề đấy, do không hợp pháp nên phải làm trong những cơ sở kín mít và luôn khóa chặt cửa...".

Trao đổi với PV sáng 13/9, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Tuy chưa đầy đủ nhưng hiện đã xác định được danh tính của 15 nạn nhân thương vong là lao động Việt Nam trong vụ cháy tại thị trấn Yegoryevsk (cách Moscow hơn 100 km) vào chiều ngày 11/9.

Khi được hỏi số lao động bị nạn trong vụ cháy sang Nga qua doanh nghiệp XKLĐ nào, ông Quỳnh cho biết: Hiện Cục quản lý lao động ngoài nước đang cho kiểm tra xem số nạn nhân trong vụ có doanh nghiệp nào cử đi hay không. Bởi, thực tế lao động Việt Nam ở bên Nga phần lớn đi theo con đường tự do.

Trong khi đó, một nguồn tin cho biết, 3 trong số 37 công nhân Việt Nam thoát ra ngoài vụ cháy đang cùng đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, cùng các giám định viên Nga làm công tác nhận dạng các nạn nhân.

Trước đó, ngày 12/9, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng đã đến bệnh viện thăm hỏi, động viên giúp đỡ lao động Việt Nam bị thương trong vụ hỏa hoạn.

Cũng theo các nhân chứng Việt Nam, vụ hỏa hoạn xảy ra bắt đầu từ một sự cố chập điện và do đám cháy tạo khói dày đặc, nên các nạn nhân chủ yếu bị ngạt do không tìm được lối thoát và tử vong.

Vũ Điệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nam - Duy Tuấn (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN